Nhiều người đã biết đến TS.BS Đỗ Nguyên Tín khi ông tham gia ca thông tim thai nhi lịch sử mới đây. Ngoài tham gia tích cực các hoạt động xã hội trong nước, ông còn rất hăng hái với các chuyến đi can thiệp tim cho bệnh nhi ở nước ngoài.
Cứ khoảng hai tháng một lần, TS.BS Đỗ Nguyên Tín (chủ tịch Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP.HCM, trưởng đơn vị can thiệp tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM) lại cùng học trò, ThS.BS Đào Anh Quốc (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), lên đường sang Myanmar. Và đợt giữa tháng 3-2024 là một trong vô số những chuyến đi tình nguyện như thế.
Cơ duyên với Myanmar
Năm 2013, có một đoàn bác sĩ của Myanmar sang Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tham gia khóa đào tạo huấn luyện can thiệp tim bẩm sinh do BS Đỗ Nguyên Tín trực tiếp hướng dẫn. Sau sáu tháng huấn luyện, đoàn bác sĩ Myanmar lại bày tỏ mong muốn được các bác sĩ Việt Nam sang nước mình hướng dẫn và huấn luyện tiếp cho họ.
Thế là BS Tín và Quốc nhận lời sang Bệnh viện Yankin Children (thành phố Yangon, Myanmar) trong nhiều đợt ròng rã suốt hai năm để huấn luyện cho các bác sĩ ở đây hình thành nên những ê kíp thạo việc về can thiệp tim bẩm sinh.
Tuy nhiên đối với những ca khó, các bác sĩ ở Myanmar vẫn phải cầu cứu hai bác sĩ Tín và Quốc sang giúp.
Và vì vậy, đã hơn 10 năm nay cứ khoảng hai tháng một lần, hai thầy trò lại khoác ba lô lên đường sang Myanmar giúp can thiệp tim cho những ca bị dị tật bẩm sinh phức tạp.
Trong chuyến đi vào giữa tháng 3-2024 vừa qua, hai thầy trò được các đồng nghiệp Myanmar "để dành" cho bảy ca.
Hai bác sĩ Việt Nam phải quần quật từ sáng đến chiều tối, làm thông tầm không nghỉ ngơi mới xử lý xong bảy ca này trong ngày. Nhưng khi rửa tay hoàn thành công việc, nhìn nụ cười ánh mắt biết ơn của những người nhà bệnh nhi nghèo nơi đây, bao mệt nhọc nơi hai anh dường như đều tan biến.
"Thương lắm. Những đứa bé bị dị tật tim bẩm sinh mà nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này, thậm chí tử vong", bác sĩ Đỗ Nguyên Tín tâm sự.
Và không chỉ Myanmar, khi có điều kiện BS Tín lại lên đường hỗ trợ các đồng nghiệp can thiệp tim bẩm sinh cho các bệnh nhân ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Pakistan, Sudan...
Lại mang lấy một chữ tình...
Chắc không ai nghĩ rằng trong nhiều năm qua, hai anh Đỗ Nguyên Tín và Đào Anh Quốc vẫn tự bỏ tiền túi ra để thực hiện các chuyến đi thiện nguyện này.
Chưa hết, nhận thấy nước bạn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trước các chuyến đi hai anh vẫn thường chạy vạy gõ cửa các hãng sản xuất, phân phối sản phẩm để xin một số dụng cụ y khoa đem sang gửi tặng các đồng nghiệp Myanmar.
Thế thì các anh đi vì động cơ gì? "Nhiều người không hiểu cứ nghĩ rằng chúng tôi đi vì thu nhập cá nhân. Không phải, chúng tôi làm vì đơn giản nghĩ rằng cứu được người bệnh thì đó là niềm vui.
Cho đi để nhận niềm vui. Không ai sai khiến, cũng không ai buộc mình phải đi cả. Chỉ vì Lại mang lấy một chữ tình/Khư khư mình buộc lấy mình vào trong (Truyện Kiều - PV)..." - BS Tín nở nụ cười hiền lành, giãi bày.
Đất nước Myanmar đang trong thời điểm nổ ra giao tranh căng thẳng ở nhiều khu vực phía Bắc. Thu nhập của các nhân viên y tế tại đây cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Do đó, trong các chuyến đi của mình, hai anh đều dành một hoặc hai ngày làm thuê cho một bệnh viện tư ở Yangon để kiếm tiền hỗ trợ các đồng nghiệp xứ sở chùa tháp.
Bây giờ thì cả khoa tim mạch Bệnh viện Yankin Children ai cũng quen mặt hai bác sĩ Việt Nam. GS.BS Khin Maung Oo, trưởng khoa tim mạch, cho biết: "Cả đất nước Myanmar 60 triệu dân mà duy nhất chỉ có nơi đây thực hiện các ca can thiệp tim bẩm sinh. Chính vì thế, nếu không có hai bác sĩ Việt Nam sang giúp đỡ thì phải khẳng định rằng chúng tôi không thể đảm đương được".
Vâng, từ năm 2015 đến nay, hai bác sĩ Việt Nam đã cùng các đồng nghiệp Myanmar can thiệp tim bẩm sinh miễn phí cho hơn 1.600 bệnh nhi nghèo. Hơn 1.600 trái tim bé bỏng được chữa lành, hơn 1.600 cuộc đời được cứu sống. Cái ơn ấy quả là lớn lắm.
Có lẽ vì thế mà có lần BS Khin Maung Oo đã mời hai bác sĩ Tín và Quốc về nhà riêng của mình rồi bất ngờ sụp lạy hai người để tỏ lòng thành kính, biết ơn.
Y khoa dấn thân
Đều đặn tháng nào cũng vậy, BS Đỗ Nguyên Tín lại cùng một số đồng nghiệp đi khám bệnh, tầm soát tim cho người dân vùng sâu vùng xa ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Anh vẫn quan niệm rằng thay vì ngồi một chỗ chờ bệnh nhân tới thì mình và các cộng sự trẻ, học trò tìm về với bệnh nhân. Đi như vậy không chỉ giúp người dân được khám, chữa bệnh mà còn giúp cho lớp trẻ gầy dựng tinh thần dấn thân, để bác sĩ trẻ thấy ngoài kia còn nhiều mảnh đời khó khăn, nhiều vùng quê cơ cực. Từ đó họ tự cảm thấy cần phải làm nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa.
Và cái tinh thần ấy, cái triết lý nghề nghiệp ấy vẫn đang được anh tiếp tục trao truyền cho nhiều thế hệ học trò, nhiều bác sĩ trẻ kế cận... để thấm đẫm, để hình thành nên những lớp người luôn luôn đi tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận