Chỉ tính riêng các con đường ở trung tâm TP.HCM như Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, tháng 5-2023 là thời điểm có số mặt bằng để trống và lượng tin rao cho thuê tăng "chóng mặt", thậm chí có những con đường có lượng mặt bằng để trống cao nhất từ đại dịch đến nay.
Số lượng mặt bằng để trống, rao cho thuê kỷ lục
Làn sóng trả mặt bằng bùng nổ khắp các quận ở TP.HCM, song điển hình nhất là khu vực mua sắm sôi động bậc nhất TP ở các con đường "vàng" tại quận 1.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 31-5, riêng tại con đường sang trọng, sầm uất bậc nhất TP.HCM - đường Đồng Khởi, chỉ dài 630m nhưng đã có hơn 15 hàng, quán đóng cửa, treo biển cho thuê.
Tương tự, chỉ riêng 2km của con đường Hai Bà Trưng từ chợ Tân Định đến tượng đài Trần Hưng Đạo (quận 1), có không dưới 30 mặt bằng lớn nhỏ treo bảng cho thuê.
Còn tại đường Lý Tự Trọng, hiện có hơn 20 mặt bằng treo biển cho thuê, chủ yếu là các mặt bằng được trả từ các thương hiệu thời trang và các doanh nghiệp trong ngành F&B.
Còn tại đường Lê Lợi, số lượng mặt bằng tại tầng trệt đang để trống, treo biển cho thuê hiện vẫn khoảng 20 mặt bằng, không thay đổi so với khảo sát của chúng tôi vào tháng 9-2022, khi vừa mới tháo rào chắn.
Đáng chú ý, nhiều mặt bằng dù không treo biển bán, cho thuê, hiện đang là trụ sở của các doanh nghiệp nhưng vẫn "cửa đóng then cài".
Dữ liệu mà Batdongsan (thuộc Tập đoàn PropertyGuru) cung cấp riêng cho Tuổi Trẻ cũng cho thấy tính đến ngày 31-5, lượng đăng tin cho thuê mặt bằng tại 4 con đường trung tâm TP.HCM bao gồm Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Lê Lợi đã tăng mạnh trong tháng 5. Tại đường Hai Bà Trưng có 122 mặt bằng rao cho thuê, Lý Tự Trọng là 67, Lê Lợi là 31 và Đồng Khởi là 26.
Đáng chú ý, tại đường Đồng Khởi có lượng tin rao cho thuê tăng gần gấp 4 lần so với thời điểm 2021.
Ông Đinh Minh Tuấn - giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam - cho biết số lượng các mặt bằng đăng tin có xu hướng tăng mạnh so với thời điểm dịch, đặc biệt là tháng 5.
Trong đó, lượng đăng tin rao cho thuê đã tăng hơn 30% so với tháng 5-2022. "Đây mới là thời điểm khắc nghiệt nhất của nhà phố", ông Tuấn nhận định.
Giá cho thuê vẫn tăng, làn sóng trả mặt bằng chưa dứt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phạm Lý Thảo My (chủ nhà hàng chay Nấm tại đường Đinh Công Tráng, quận 1) cho biết trước khi mở nhà hàng, bà đã khảo sát hầu như gần hết các mặt bằng mặt tiền phù hợp ở các quận trung tâm TP.
Tuy nhiên, giá các mặt bằng không giảm, thậm chí tăng giá, trong khi các chủ mặt bằng không có sự hỗ trợ gì, nếu có chỉ cho hai tuần để sửa quán.
"Các chủ mặt bằng đều trả lời không giảm giá, cứ để đó chờ tăng giá hoặc có khách đồng ý thuê giá đó thì cho thuê nên cũng rất khó cho các doanh nghiệp trong bối cảnh này", bà My nói. Vì vậy, bà My đã phải chọn phương án thuê nhà ở trong hẻm gần trung tâm để mở nhà hàng, thay vì ra mặt tiền.
Ông Sử Ngọc Khương - giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam - cho rằng rất khó để chủ các mặt bằng giảm giá, chỉ những người vay tiền mua nhà cho thuê mới buộc phải giảm giá, còn người rủng rỉnh sẽ neo giá. Theo ông Khương, các chủ mặt bằng kỳ vọng giá sẽ phục hồi, nếu giảm sẽ khó lên lại nên họ sẽ không hạ giá, thà để trống. Với tình hình hiện tại, ông Khương cho rằng số lượng mặt bằng để trống sẽ có khả năng tăng trong thời gian tới.
Tương tự, ông Đinh Minh Tuấn cho hay có một điều đáng chú ý là lượng tin rao cho thuê tăng hơn 30%, song giá rao cũng tăng khoảng 9% so với tháng 5-2022.
Theo ông Tuấn, thời điểm dịch các chủ nhà có hỗ trợ cho người thuê như giảm giá, song đến thời điểm này không còn việc hỗ trợ nữa, trong khi kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp trả mặt bằng.
Ông Tuấn nhận định giai đoạn khó khăn của thị trường mặt bằng cho thuê vẫn chưa dứt, làn sóng trả mặt bằng vẫn kéo dài ít nhất một năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận