Người nông dân bên ruộng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ |
Câu chuyện đồng bằng sông Cửu Long ngập mặn, người dân miền Tây phải vét từng hạt nước, ám ảnh thay đổi cuộc sống, thay đổi con người trong bộ phim Nước 2030 hóa ra không còn là viễn tưởng xa xôi mà đã rành rành trên thửa ruộng nứt nẻ, con kênh cạn đáy những tháng mùa khô 2016.
Hiện thực vượt cả tưởng tượng, đến nhanh hơn tưởng tượng. Nhìn vào bản đồ ngập mặn được biểu diễn bằng những sắc độ của màu nâu đỏ, ai cũng phải rùng mình. Miền Tây gạo trắng nước trong, cây trái sum suê, tôm cá đầy đồng lẽ nào sắp chỉ còn trong ký ức?
Nước như nước mắt, so sánh vừa cụ thể vừa hình tượng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đang hiện rõ mồn một bằng sự thật ở mọi nơi: nông dân miền Tây kiệt sức chống mặn, lúa chết khô, cây trái vàng úa, loay hoay giữa lựa chọn tháo mặn làm đầm nuôi tôm và ngăn mặn để đảm bảo kế hoạch sản lượng lúa gạo;
Nông dân miền Trung thở dài nhìn ruộng rẫy khô khốc, gia súc gia cầm ủ rũ nằm bẹp, phơi trong nắng lửa; ngư dân quay quắt giữa Biển Đông với trùng trùng hiểm nguy ngoài con sóng, nay bị tàu hải cảnh Trung Quốc bắn phá, cướp bóc, mai bị “tàu lạ” đâm chìm...
Trúng mùa được giá là tất cả hi vọng của người nông dân, nhưng trong cảnh mà dòng sông đã không còn hứa hẹn sẽ tiếp tục là con sông mẹ, trúng mùa không còn là niềm vui, trái lại, mang theo nhiều mối lo ngại.
Thêm vào đó nữa là ấn tượng về sự chống chọi đến tuyệt vọng của người dân giữa cuộc mưu sinh khốc liệt.
Tại sao khốc liệt? Thủ tướng đã có công hàm yêu cầu Trung Quốc xả nước và nhận được ngay lời đáp ứng.
Thế nhưng lượng nước và thời gian xả không được thông báo rõ, từ thượng nguồn đến hạ lưu Mekong hơn 4.000km, dòng nước sẽ phải đi qua nhiều vùng hạn hán, nhiều hồ chứa, đập ngăn của các nước khác.
Không hi vọng sẽ có dòng nước ngọt để cứu ruộng đồng trước khi có những trận mưa vàng, nhiều nhà khoa học lắc đầu khẳng định.
Tại sao khốc liệt? Trước khi mực nước sông Tiền, sông Hậu hạ thấp kỷ lục, một dự án khoa học cấp Chính phủ được điều hành bởi Bộ Tài nguyên - môi trường đã kết luận: “Tác động của 11 đập thủy điện trên sông Mekong đến đồng bằng sông Cửu Long là không đáng kể” (!)...
Trước đó nữa, những cảnh báo, khuyến nghị của các nhà khoa học về chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp thiên nhiên ở các tỉnh ven biển miền Tây, về nguy cơ xói mòn đất, không chặn được lũ, giữ được nước khi chặt rừng trồng cao su (và cả chặt rừng mà không trồng cao su) ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên... đều đã vấp phải những cản trở và rơi vào im lặng.
Tại sao? Sau những ồn ào, rình rang, các chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ vẫn giậm chân tại chỗ. Vẫn những con tàu gỗ mỏng manh, sơ sài ấy ra khơi, vẫn những ngư dân chất phác, thô mộc và đối diện với không ít hiểm nguy nơi biển cả của mình.
Khi nào thì những giải pháp, chương trình dựa vào chính mình, gia tăng nội lực của dân, của nước được triển khai? Khi câu hỏi chưa được trả lời rõ ràng, nước sẽ vẫn còn mặn hơn nước mắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận