Bài dự thi của chị Quyên Gavoye là nỗi lòng của những người con xa quê hương nơi đất khách
"Mâm Tết nhà tôi" là một cuộc thi viết trên báo Tuổi Trẻ về những bữa cơm Tết đáng quý nhất trong ký ức mỗi người Việt chúng ta. Những người làm chương trình liên tục nhận được rất nhiều bài vở của bạn đọc gửi về, mà trong khuôn khổ chương trình chỉ tiếc không thể đăng tải hết tất cả bài dự thi của các bạn. Đọc những tâm tư, tình cảm của độc giả từ mọi miền Tổ quốc gửi về vào những ngày giáp Tết này thật bồi hôi, xúc động.
Với mỗi người Việt, Tết cổ truyền là dịp ai ai cũng trông ngóng. Tết có thể xem như một cột mốc để chúng ta nhìn nhận và "nghiệm thu" lại tất cả những được, mất trong cả một năm vừa qua.
Dù bạn đang sống với gia đình, hay vì một lý do khách quan nào đó mà phải đi làm ăn xa nhà, thì chúng ta, những ngày này điều mong mỏi duy nhất cũng chỉ là được trở về bên gia đình, quây quần bên nhau bên mâm cơm Tết. Mỗi năm qua đi, mỗi tuổi thêm nhiều, ta càng trưởng thành, khôn lớn, cha mẹ càng già yếu đi. Vì thế, cái Tết càng đáng quý, những kỷ niệm gia đình bên mâm cơm Tết lại càng vô giá hơn.
Độc đáo và riêng biệt nhất có lẽ phải kể đến Tết năm nay, Tết trong thời điểm COVID-19
Tết của chị Quyên Gavoye nơi đất Pháp với những chiếc bánh chưng tự gói bằng lá chuối đông lạnh "mềm oặt" rất khó tạo hình bánh vuông vức.
Thay vì năm nào cũng phải giải thích với bạn bè về Tết cổ truyền của Việt Nam, chị đã mời những người bạn Pháp đến nhà thưởng thức bữa cơm Tết của người Việt xa quê, vừa là chiêu đãi bạn những món ăn dân tộc, vừa là để bạn hiểu thêm về văn hoá, con người Việt Nam.
Mâm cơm ngày Tết nơi đất khách vì thế cũng rộn ràng và nhiều ý nghĩa hơn.
Tân Sửu 2021 có lẽ là một trong những cái Tết đặc biệt từ trước đến nay, khi nhiều người nước ngoài không thể hồi hương, người thành phố không thể về quê vì đại dịch. Và có lẽ vì vậy mà rất nhiều bài dự thi gửi về cho Mâm Tết nhà tôi gửi gắm nỗi niềm qua những món ăn, những mâm cơm đoàn viên và sự kết nối công nghệ của những màn hình tivi, điện thoại, máy tính... đã xóa tan khoảng cách, tuy xa mà gần...
Những người con xa nhà ấy đã nhờ cậy đến công nghệ, đến video call và mạng internet như một cách để duy trì liên lạc với gia đình. Qua màn hình video, mẹ ở nhà sẽ lên một danh sách các nguyên vật liệu cần thiết rồi hai mẹ con đi mua, về nhà mở màn hình lên và đầu máy bên kia có thể làm theo tuần tự các bước.
Không có mẹ ở bên, không được ăn món mẹ nấu, nhưng vẫn được nấu ăn cùng mẹ, theo đúng vị của mẹ thường làm. Khoảng cách vì thế cũng mờ dần rồi mất đi lúc nào không hay.
Bữa cơm "Tết tháng 10" đáng nhớ của bạn Quỳnh Anh tại Đà Nẵng
Với Quỳnh Anh, trong suốt 8 năm rời nhà vào Sài Gòn học và làm việc, chưa bao giờ cô ít được về nhà ở Đà Nẵng như năm nay. Những chuyến về quê liên tục bị hoãn lại vì COVID-19 làm nỗi nhớ nhà ngày một nhiều thêm.
Một ngày tháng 10, cô bạn bất ngờ trở về nhà cùng với 2 người bạn khác làm gia đình vô cùng bất ngờ, bởi trong những lần trò chuyện thường xuyên qua "video call" cô chẳng hề thông báo với bố mẹ tiếng nào về cuộc trở về này. Cùng bạn ngồi nướng cá với các dì chính là bữa cơm Tết mà Quỳnh Anh đã thèm lâu nay.
Quỳnh Anh chia sẻ, chẳng phải cứ đúng dịp Tết mới gọi là Tết, chỉ cần lòng mình rộn ràng như Tết, thế đã là Tết rồi.
Thịt kho tàu, món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người miền Nam
Tết đến, đi đến ăn bữa cơm ở bất kỳ gia đình người miền Nam nào cũng đều có món thịt kho tàu với phần thịt ba rọi nửa nạc nửa mỡ và hột vịt, dừa xiêm kho mềm với gia vị và thêm một chút nước hàng sẽ cho ra được món ăn với màu nâu vàng sóng sánh.
Mùi thơm của nồi thịt kho tàu đặt trên bếp sôi sùng sục là một thứ mùi mê hoặc, kích thích vị giác. Hay một cái là, cùng là thịt kho tàu nhưng mỗi nhà lại là mỗi nồi thịt kho tàu khác nhau, nhưng ngon nhất với Lê Văn Nghĩa - tác giả của bài viết trên - vẫn là món thịt kho tàu có thêm tàu hũ, cá lóc lúc mà mẹ anh kho. Với anh Nghĩa, cứ nhìn thấy nồi thịt kho tàu của mẹ là thấy Tết đến rồi.
Có khi, nhớ nhất về Tết không phải là những món ăn mà chính là không khí cả nhà quây quần bên nhau, vừa ăn cơm, vừa xem tivi và rôm rả nói cười
Với nhiều người, những bữa cơm Tết cả nhà quây quần bên bàn ăn, bên kia là chiếc tivi đang phát những chương trình chào Xuân lại là khoảnh khắc họ nhớ nhất, lưu luyến nhất về những mâm cơm ngày Tết. Bữa cơm Tất niên cuối năm, cả nhà rộn ràng nói cười, trên tivi là chương trình Táo quân vừa hài hước, nhưng lại không thiếu phần sâu sắc. Táo quân trên tivi là một món ăn tinh thần của ngày Tết người Việt, chẳng khác gì món ăn chính trên mâm cỗ gia đình.
Dù Mâm Tết nhà tôi có là những ký ức về món ăn "tuyệt đỉnh công phu" của mẹ, hay không khí đầm ấm bên bàn ăn, bên chiếc tivi, hay là những con người ở cách xa nhau vẫn không hề có chút rào cản nào bởi video call và internet, những bức ảnh gia đình, những thước phim quay lại đã phát huy tối đa sức mạnh thần kỳ của nó.
Mâm Tết nào, khoảnh khắc nào, ký ức nào cũng đều là vô giá. Hãy cùng nhau, lưu giữ và trải nghiệm thêm nhiều Mâm Tết nhà tôi hơn nữa, để lấy đó như một món ăn tinh thần, mỗi khi nhớ lại đều trân quý thân thương.
Mâm Tết nhà tôi vẫn đang lắng nghe những câu chuyện mà độc giả gửi về. Hãy dành chút thời gian, kể cho chúng tôi, kể cho nhau nghe Mâm Tết nhà bạn nhé!
Diễn đàn "Mâm Tết nhà tôi" bao gồm các bài viết, bài dự thi của bạn đọc chia sẻ những khoảnh khắc gia đình sum vầy, giây phút thiêng liêng của lễ đoàn viên, sự nồng ấm của các thành viên gia đình, bè bạn bên mâm cỗ Tết, các món ăn "tủ" của gia đình, món ăn đặc sản quê hương... có thể không bên cạnh nhau nhưng nhờ sự kết nối công nghệ, mình có thể cùng nhau chia sẻ những giây phút ấy.
Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức với mong muốn lan tỏa một cái Tết đoàn viên, dù rằng ở bất kỳ nơi đâu, với sự kết nối bằng công nghệ thì "những mâm Tết xa vẫn trọn tình nhà".
Các bài viết diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ mamtet@tuoitre.com.vn từ nay đến hết ngày 20-2, mỗi bài tối đa 1.000 chữ có kèm theo hình ảnh (và video nếu có).
Các bài viết chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào, chưa đăng ở các báo phương tiện truyền thông khác.
Bạn đọc vui lòng ghi rõ thông tin liên lạc, số tài khoản ngân hàng, số CMND để tòa soạn trả nhuận bút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận