20/02/2021 14:22 GMT+7

Mâm tết Việt ở Pháp nào thiếu thịt ngâm, nem chua, nem rán

NGỌC ANH
NGỌC ANH

TTO - Con rể tôi người Pháp, nói tiếng Việt lơ lớ với vợ: "Anh muốn ăn nem rán". Chỉ một tiếng sau, trên mâm tết đã có đĩa nem rán giòn rụm.

Mâm tết Việt ở Pháp nào thiếu thịt ngâm, nem chua, nem rán - Ảnh 1.

Tác giả và các cháu ngoại bên mâm tết có bánh chưng xanh ở Pháp

Những ngày này, khi mùa xuân tràn ngập trong từng căn nhà, ngõ phố ở Việt Nam thì cũng là lúc nước Pháp đang vào mùa đông và người dân phải vật lộn với cuộc sống vì COVID-19. 

Nơi tôi ở là TP Rouen, tuyết phủ trắng xóa, những hàng cây trơ trụi lá. Với tôi, nỗi nhớ quê hương dịp tết cứ ùa về, ùa về. 

Thật may, mạng Internet (chat qua Zalo, Viber hay Messenger) đã cho tôi được tận mắt nhìn thấy mâm tết ở quê nhà, được nói chuyện với người thân, vơi đi phần nào những khoảnh khắc nhớ nhung.

Tôi sang Pháp thăm con vào cuối tháng 8-2019. Dự kiến một năm sau đó tôi sẽ về, vậy mà đến nay đã 1 năm 6 tháng, tôi vẫn chưa thể trở về. Năm nay là năm thứ hai tôi ăn tết ở Pháp, nhưng lại là năm quá đặc biệt, đó là tết đầu tiên khi thế giới có dịch COVID-19. Và cũng chính vì thế mà việc đón tết cũng bị ảnh hưởng.

Con gái tôi ở Pháp đã lâu nên có kinh nghiệm sắm tết. Những năm trước cháu thường đi chợ châu Á mua bánh chưng, giò chả, rồi cho vào ngăn đá, đến ngày ăn thì lấy ra rã đông. 

Hành, kiệu ngâm sẵn cũng mua trước vì sợ đến tết bận đi làm không mua được. Hai năm nay, từ khi có tôi ở đây, cháu chỉ mua một số thứ, còn tôi tự gói bánh chưng, làm nem chua, giò chả. 

Năm nay, vì đi chợ sát tết nên hết lá dong và lá chuối đông lạnh, đành phải gói bánh không lá. Kinh nghiệm gói bánh chưng không có lá được chia sẻ khá nhiều trên mạng từ các bạn sinh viên ở nước ngoài. Đó là lấy giấy nướng, tiếng Pháp gọi là paper cuisson, bọc bên ngoài bằng màng bọc thực phẩm, rồi nấu bằng nồi áp suất. 

Bánh chưng gói theo kiểu này khi hoàn thành trông khá đẹp, bóc ra tuy không có mùi thơm của lá nhưng vẫn có mùi hương của nếp, đậu xanh, tiêu và thịt heo.

Về vật chất, ở châu Âu hầu như không thiếu thứ gì, nhưng lại thiếu một thứ mà ai ai khi đến tết đều mong có được, đó là mâm tết với những món truyền thống và không khí gia đình sum họp. 

Tôi là người miền Trung nên món thịt ngâm nước mắm là món không thể thiếu trong mấy ngày tết. Món này làm rất đơn giản nhưng lại ăn ngon và tiện. 

Thịt heo sau khi rửa sạch với nước muối, cắt ra miếng vuông dày khoảng 5cm, dài 10-15cm, luộc chín, sau đó vớt ra, để nguội, rồi cho vào tủ lạnh. Nước mắm và đường nấu lên với tỉ lệ 1-1 cho đến khi sánh lại. 

Chờ mắm nguội, bỏ thịt đã luộc kèm ớt, tỏi vào chiếc hũ thủy tỉnh, vài ngày sau là ăn được. Thịt ngâm mắm có vị mằn mặn, ngọt ngọt, cay cay, cuốn với rau sống, bánh tráng thì thật tuyệt. 

Sang Pháp, tôi thường làm món này, cả ngày tết cũng như ngày thường. Bên Pháp thịt heo rất rẻ, chỉ 2-3 euro/kg (50.000-75.000 đồng) nên món ăn dân dã này làm khi nào cũng được.

Năm nay do giãn cách xã hội nên nhóm người Việt bạn của con gái tôi không tụ họp với nhau như mọi năm được, đành nhà nào ở yên nhà nấy. Mấy bữa trước, cô bạn ở TP Tours khoe vừa làm thành công món nem chua để ăn tết. 

Có bạn còn khoe cả món chân gà ngâm sả ớt. Trời lạnh, được nhâm nhi những món cay, thơm nồng mùi tiêu, mùi ớt, ăn kèm bánh chưng, giò chả thật là thú vị. 

Con rể tôi người Pháp, nói tiếng Việt lơ lớ với vợ: "Anh muốn ăn nem rán". Chỉ một tiếng sau, trên mâm tết đã có đĩa nem rán giòn rụm.

Năm nay, chồng tôi ở Việt Nam ăn tết với con trai. Hai cha con chuẩn bị khá chu đáo. Trưa mùng 1 Tết, trong lúc gọi video call, chồng tôi khoe mâm tết với tô măng khô hầm giò heo nóng hổi, tôi thấy sao mà hấp dẫn, hương vị món ngon cứ ở ngay đầu lưỡi. 

Hai cháu ngoại tôi thấy mâm tết của ông với đủ món, liền quay sang tôi nói: "Con muốn về Việt Nam!". Tôi cười rồi gật đầu: "Hết COVID, ngoại sẽ cho con về".

Điều mong chờ của đứa cháu cũng chính là niềm mong đợi của mỗi chúng tôi. Tin chắc rằng dịch sẽ hết, các cháu ngoại của tôi sẽ được thưởng thức những món ăn độc đáo trong mâm tết và tận hưởng niềm vui sum họp ở quê mẹ.

mam tet

Diễn đàn "Mâm Tết nhà tôi" bao gồm các bài viết, bài dự thi của bạn đọc chia sẻ những khoảnh khắc gia đình sum vầy, giây phút thiêng liêng của lễ đoàn viên, sự nồng ấm của các thành viên gia đình, bè bạn bên mâm cỗ Tết, các món ăn "tủ" của gia đình, món ăn đặc sản quê hương... có thể không bên cạnh nhau nhưng nhờ sự kết nối công nghệ, mình có thể cùng nhau chia sẻ những giây phút ấy.

Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức với mong muốn lan tỏa một cái Tết đoàn viên, dù rằng ở bất kỳ nơi đâu, với sự kết nối bằng công nghệ thì "những mâm Tết xa vẫn trọn tình nhà".

Các bài viết diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ mamtet@tuoitre.com.vn từ nay đến hết ngày 20-2, mỗi bài tối đa 1.000 chữ có kèm theo hình ảnh (và video nếu có).

Các bài viết chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào, chưa đăng ở các báo, phương tiện truyền thông khác.

Bạn đọc vui lòng ghi rõ thông tin liên lạc, số tài khoản ngân hàng, số CMND để tòa soạn trả nhuận bút.

Mâm Tết ba miền tống cựu nghinh tân như thế nào? Mâm Tết ba miền tống cựu nghinh tân như thế nào?

TTO - Năm nay dịch COVID-19 vẫn còn hoành hành khắp Trái đất, không khí Tết có thể cũng bị ảnh hưởng, nhưng mâm cỗ cúng bái ông bà những ngày Tết chắc vẫn được duy trì bởi truyền thống uống nước nhớ nguồn, tống cựu nghinh tân.

NGỌC ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên