Đại dịch làm con người cách xa nhau, nhưng những dịp đoàn viên hiếm hoi trong năm, chúng ta vẫn có cách kết nối bằng công nghệ qua những mâm cơm theo cách thật đặc biệt...
Từ Ban Tổ Chức, cảm ơn bạn đã tham gia và lan tỏa thông điệp kết nối yêu thương bằng công nghệ. Như một lời tri ân, đây là những đúc kết cô đọng nhất câu chuyện của bạn đọc trong hành trình nhìn lại "Mâm Tết Nhà Tôi", mong bạn sẽ tiếp tục đồng hành, ủng hộ Tuổi Trẻ trong tương lai.
Với bối cảnh mà sự yêu thương bị chia cắt, nỗi lo về sức khỏe khiến nhiều người phải đắn đo, thì ở nhiều khía cạnh khác nhau, công nghệ thật sự đã giúp xua tan đi sự cô đơn, buồn tủi của những mảnh đời phải ở xa nhà trong những dịp đoàn viên đặc biệt.
2021, một mùa tết lịch sử thứ 2 có Covid đã qua, nhiều người phải đối mặt với những thay đổi lớn và trải qua khoảng thời gian khó khăn nhất. Đó là sự ảm đạm, quạnh hiu khi phải xa gia đình, người thương. Từ “đoàn viên” cũng trở nên xa xỉ với nhiều người. Nhưng rồi cũng chính vì lẽ đó ta nhận ra giá trị của công nghệ. Sứ mệnh kết nối những con người mặc cách xa địa lý.
Nếu ngày xưa, ông bà, cha mẹ chỉ có thể viết thư, hay nhiều lắm là gọi điện, nghe giọng nhau, thì giờ đây, sự phát triển của công nghệ đã cho phép chúng ta có thể nhìn thấy mặt của những người mình yêu thương, chỉ bằng một cuộc gọi video. Ông bà, cha mẹ vẫn được nhìn thấy cháu con, nghe chúng nói cười, gửi đến nhau những lời chúc, lời yêu thương.
Để khăng khít tình cảm gia đình, mọi người còn có thể quây quần, kết nối với nhau ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào, qua máy tính, hay thậm chí là với chiếc điện thoại nhỏ gọn trong lòng bàn tay để gọi cho nhau, chia sẻ những chương trình, bộ phim yêu thích. Và như thế, các dịch vụ sản phẩm trên nền tảng công nghệ của FPT Telecom từ Truyền hình FPT, FPT Play không chỉ còn là giải trí đơn thuần mà đó còn là sự kết nối yêu thương
Đối với những người ăn Tết xa những thiết bị giám sát, an ninh như FPT Camera, FPT iHome, lại trở thành lựa chọn giúp họ bảo vệ và yêu thương những giá trị quan trọng trong cuộc sống. Sẽ không ngoa nếu nói công nghệ, chính là hiện thực hóa cho sự quan tâm của mỗi người chúng ta trong cái Tết xa.
Sự tiện lợi của công nghệ cũng đang “gánh bớt” nỗi vất vả, nặng nhọc hàng ngày giúp mỗi người lại có thêm thời gian cho bản thân, gia đình. Đó là khi những cảnh chen chúc mua hàng, thanh toán ngày Tết không còn là nỗi sợ của phụ nữ với “bàn tay kết nối” của công nghệ qua nhiều ứng dụng mua sắm như Omni Shop trên FPT Play Box, hay ví điện tử Foxpay.
Có lẽ, sẽ chẳng thứ gì so bì được với cảm giác ngồi ngay cạnh, cùng trò chuyện, thưởng thức những món ăn ngon, hay ôm hôn ông bà, cha mẹ của mình mỗi khi muốn. Nhưng trong bối cảnh mà sự yêu thương bị chia cắt, nỗi lo về sức khỏe khiến nhiều người phải đắn đo, thì ở nhiều khía cạnh khác nhau, công nghệ thật sự đã giúp xua tan đi sự cô đơn, lo lắng và cả buồn tủi của những mảnh đời phải ở xa nhà trong Tết Tân Sửu vừa qua.
Tôi đón Tết xa nhà đến nay cũng gần 2 năm. Dịch bùng phát ở nhiều nơi, nền kinh tế gặp khó khăn, những người công nhân lam lũ, xa quê như tôi không còn tơ tưởng đến chuyện về nhà ăn Tết nữa. Điều tôi nhớ nhất có lẽ là không khí những ngày cận Tết, người người nhà nhà tất bật chuẩn bị cho cái Tết thật tươi mới, đủ đầy.
Mâm cơm ngày Tết lúc nào cũng đầy ắp những món ăn truyền thống của gia đình, địa phương. Chỉ cần ngửi mùi hương của những món ăn là có thể cảm nhận được ngay không khí Tết đã ở đây rồi.
Ba mẹ tôi đều là người gốc Bắc. Mỗi dịp Tết đến, cả nhà tôi vẫn giữ truyền thống của quê hương, ngày mùng 1 sẽ tụ họp anh em, con cháu và làm những món ăn quen thuộc, đậm vị Tết. Mẹ tôi, năm nào cũng như năm nào, không bao giờ bỏ qua món tủ của mình: Dưa góp đủ màu chua chua giòn giòn, đậm vị Tết và cực bắt với các món ăn mặn ngày Tết.
Năm nay không được ăn Tết ở nhà, tôi bỗng nhớ đến nao lòng những sắc màu bắt mắt trong món dưa của mẹ. Đang ngồi ngẩn ngơ nhớ những ngày cận Tết ở quê nhà thì tôi nhận được cuộc gọi của mẹ. Mẹ bảo đã gửi cho tôi mấy hũ dưa món mẹ tự tay làm, và một món quà đặc biệt nữa để tôi đỡ nhớ Tết ở quê. Hi vọng là tôi sẽ nhận được món quà trước Giao thừa đón năm mới.
Thế là đúng ngày 29, tôi nhận được món quà từ quê nhà: 2 hũ dưa món thân thuộc của cái tết nhà tôi, vẫn những sắc xanh đỏ cam đẹp mắt. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là mẹ bỗng nhiên "hightech" lạ lùng, gửi cho tôi hẳn một thiết bị nhìn khá gọn có tên FPT Play Box. "Chắc là có sự tham gia của thằng em tui nữa đây!" - tôi nghĩ thầm trong đầu.
Tôi vội vàng "video call" cho mẹ. Mẹ vui lắm vì tôi đã nhận được quà của mẹ đúng ngày, rồi khoe ngay món quà "hightech" của mẹ: "Cái này hay lắm con ạ, thằng em con nó bảo mẹ mua đấy. Nó thấy con mọi khi thích xem Táo quân đúng ngày giao thừa, mà nghe nói TV của con là TV đời cũ, không bắt được nhiều đài. Thế là nó đi tìm rồi mua cái này để con có thể xem Táo quân cùng giờ với nhà mình luôn nhé. Giao thừa nhớ gọi cho mẹ đấy để cùng xem Táo quân nha!
Thế là đúng bữa tối giao thừa, tôi được ăn món đậm vị Tết của mẹ ở Mỹ, được nghe tiếng cười đùa rôm rả ở nhà qua "Video call", rồi cả nhà cùng xem Táo quân. Cảm giác thân thương khiến tôi đỡ buồn hơn khi không thể về ăn Tết.
Không đâu bằng cái Tết ở quê nhà, nhưng nhờ món dưa góp "thần thánh" của mẹ và FPT Play Box mà không khí Tết ở nơi xa xứ của tôi được trọn vẹn hơn. Có lẽ tôi cũng sẽ học mẹ để lưu giữ món ăn truyền thống của gia đình, để sau này các con tôi cũng sẽ cảm nhận được hương vị Tết thân thương, thấy món dưa góp của , là biết Tết đã về rồi.
Tuy là con gái lớn trong nhà nhưng tôi vốn được bố mẹ cưng chiều hơn em mình nên chẳng mấy khi phải vào bếp.
Một phần tôi vì bận công việc, một phần bởi tính ỷ lại vào mẹ, mặc nhiên cho rằng mình đi vào chỉ quẩn chân mẹ lúc làm bếp, nên kinh nghiệm bếp núc, nhất là kinh nghiệm chuẩn bị mâm cơm ngày Tết, gần như là con số 0 với tôi.
Bao năm thấy mẹ chuẩn bị những mâm cơm Tết tươm tất, đẹp mắt, cứ nghĩ rằng công việc đó thật nhẹ nhàng. Chỉ đến khi tôi làm dâu, tự mình phải chuẩn bị mâm cơm ngày Tết mới thấy mẹ thật phi thường.
Với một đứa con gái chỉ quen nấu những bữa cơm đơn giản, ban đầu việc đảm đương toàn bộ cơm Tết cũng làm tôi khá hoang mang vì nếu nấu không ngon còn làm mất khẩu vị và không khí vui vẻ của cả gia đình nữa.
Tôi bắt đầu bằng việc nhớ lại những mâm cơm Tết mẹ từng nấu, những món tủ của mẹ mà từ ba cho đến chị em tôi đều thích mê. Những chiếc nem rán mẹ làm luôn giòn rụm phần vỏ, phần nhân vị đằm vừa miệng với nào là tôm, cua, thịt băm, hành tây, mộc nhĩ, nấm, chút củ đậu ngọt mát, chấm cùng với nước chấm nem bất bại của mẹ.
Đã nhiều lần tôi hỏi mẹ bí quyết pha bát nước chấm ""tuyệt đỉnh"" đó nhưng mẹ đều cười và nói ""chẳng có công thức gì cả, mẹ cứ nêm theo cảm nhận, là vừa ăn thôi"", hệt như mấy video dạy nấu ăn, bao giờ các đầu bếp cũng bắt đầu bằng cụm từ ""nêm nếm tùy theo khẩu vị""…
Ngoài những món ăn truyền thống, tôi muốn sáng tạo thêm cho mâm cơm ngày Tết một vài món khác biệt, để đổi món và cũng là để cho mẹ nếm thử một vài món đang ""làm mưa làm gió"" khắp các diễn đàn bếp núc. Vừa lên thực đơn, tôi vừa mở FPT Play ""dạo"" một vòng, trong app có mục ""Mâm Nhà"" cực nhiều món ""hay ho"" được hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu.
Đúng là phải cảm ơn công nghệ, bởi công nghệ không chỉ giúp kết nối, mà nhờ có nó, phụ nữ chúng tôi trút bỏ được gánh nặng phải trở thành người ""vợ đảm"", cái gì cũng biết. Từ món truyền thống Việt Nam, đến các món châu Á, hay thậm chí cả những món Âu đều có sẵn dữ liệu trên ứng dụng, đã vậy lại còn thường xuyên được cập nhật, giúp phụ nữ chúng tôi nhẹ đầu hẳn khi nghĩ món ngon cho gia đình.
Cuối cùng thì tôi cũng hoàn thành mâm cơm Tết đầu tiên và nhận được sự động viên lớn từ ba mẹ. Chồng tôi thì khá bất ngờ vì không hề nghĩ vợ mình lại có thể nấu được mâm cơm Tết ngon đến thế, khác hẳn bữa cơm Tết năm ngoái khi tôi nấu ở nhà anh. Anh còn bảo: ""Cơm rằm tháng giêng này vợ mà trổ tài thì bà nội sẽ nở mày nở mặt với họ hàng lắm vì có con dâu đảm"".
Mâm cơm Tết truyền thống đầu tiên tôi thực hiện được mẹ đánh giá khá cao
Thật ra, tất cả là nhờ có ""Mâm Nhà"" và FPT Play và sự cố gắng từ tôi thôi, nhưng được khen như vậy làm tôi thấy hóa ra nấu cơm Tết được như mẹ có vất vả thật nhưng không quá khó, nhất là bây giờ tôi còn có rất nhiều công cụ hỗ trợ như FPT Play này.
Buổi tối giao thừa nhà tôi đều có thói quen sẽ tụ tập nấu bánh với nhau và đón giao thừa bên bếp lửa. Năm vừa rồi, vì cô con gái sắp lên xe hoa nên mẹ tôi đã phá lệ cho tôi đi đón giao thừa cùng bạn nhưng với điều kiện tôi phải về trước 12h đêm để không tự xông đất nhà mình. Đi chơi đêm 30 Tết nhưng phải về trước 12h đêm là điều kiện có vẻ hơi khó khăn với nhiều người nhưng với tôi thì không có vấn đề gì vì trước giờ tôi toàn đi chơi về trước 10h tối.
Gặp bạn bè trong tâm trạng năm cuối cùng đón Tết ở nhà mẹ đẻ, trong lòng tôi có quá nhiều tâm tư để kể với tụi bạn, không biết điểm nào dừng lại. Ngày này năm sau là tôi đã ở nhà chồng lo mâm cỗ rồi, những hôm được vui chơi với bạn bè thoải mái thế này không biết còn nhiều dịp hay không nữa.
Trong lúc cao hứng, cả đám tiếp tục rủ nhau đi xem pháo hoa, tôi cũng lỡ quên béng lời hẹn với mẹ. Đứng dưới nền trời đen chờ pháo hoa được bắn lên tôi mới giật mình nhớ đến chuyện phải về nhà trước 12h đêm, thế là chờ sau khi ngắm pháo hoa xong, tôi đành cùng đám bạn nghĩ cách để ""đột nhập"" vào nhà mình mà không phải là người xông đất.
Ai mà ngờ có ngày tôi tự ""đột nhập"" vào nhà mình, tôi cũng không biết được rằng có ""món quà"" đang chờ đợi mình trong nhà.
Ngắm pháo hoa xong thì chúng tôi lái xe chen chúc dòng xe đông đúc để về nhà sớm nhất có thể. Về tới cổng nhà tôi là 1h30 sáng, nhưng tôi không dám đứng trước nhà mà qua bên hông để trèo vào.
Sau bao sự giúp đỡ của đám bạn, đứa cõng, đứa bồng, rồi trèo lên yên xe máy các kiểu, cuối cùng tôi cũng leo qua được bức tường nhà. Lúc đi chơi quần áo xúng xính bao nhiêu thì lúc về lại xộc xệch bấy nhiêu, tôi thấy mình cứ như cô nàng lọ lem đi dạ hội về trễ vậy.
Nhà tôi lúc này đã tắt đèn yên ắng. Chắc rằng bố mẹ đã ngủ hết rồi, tôi mới nhẹ nhàng mở cửa sau bước vào nhà, nhưng ai ngờ lại có tiếng báo động từ đâu kêu vang ầm trời, đám bạn tôi đứng bên ngoài cũng giật mình la toáng lên.
Chưa hết bàng hoàng, bố mẹ tôi từ đâu chạy vọt ra trên tay cầm thêm cây chổi. Cả 3 cặp mắt nhìn nhau rồi ngã lăn ra cười. Thì ra, lúc chiều khi tôi ra khỏi nhà, bố mẹ tôi đã lắp thiết bị cảnh báo đột nhập FPT iHome. Hai người cũng biết tôi sẽ về trễ nên đã bắt tay nhau hù tôi một trận nhớ đời.
Bạn bè tôi cũng một phen hú vía, được bố mẹ tôi mời vào nhà chơi luôn. Vậy là năm rồi chẳng biết ai đã xông đất nhà tôi, nhờ vậy mà mẹ cũng chẳng thèm phạt tôi tội về trễ sau 12h đêm nữa. Đó có lẽ là năm đón Tết đặc biệt khiến tôi nhớ mãi.
Do quyết định khá vội vàng nên nhà tôi mới phải lắp thiết bị vào ngày 30 Tết như thế, may sao bên dịch vụ PT Telecom vẫn hỗ trợ nhiệt tình. Vậy là năm đó nhà tôi chơi Tết thoải mái hơn, chẳng còn lo dòm trước ngó sau vì đã có FPT iHome ""trông nhà"" giúp.
Kỷ niệm đón Tết năm đầu bắt ""trộm"" thật sự đã tạo ra một ký ức sâu đậm khó quên cho gia đình tôi, mãi sau này bố mẹ tôi gặp ai cũng khoe, cũng kể về ""chiến tích"" của mình.
Hình ảnh gia đình Việt quây quần bên mâm cơm và xem tivi chắc hẳn đã quá quen thuộc với tất cả mọi người, thậm chí còn là một nét văn hóa đặc trưng của một gia đình Việt nữa. Giống như nhiều gia đình Việt khác, bữa cơm của nhà tôi cũng không thể thiếu một chiếc tivi. Chương trình mà gia đình tôi chọn xem có thể là chương trình thời sự, một bộ phim truyện mà gia đình đều quan tâm, theo dõi hay đôi khi là bộ phim mà mẹ hay ba tôi yêu thích.
Không biết nét văn hóa này của nhà tôi đã có từ bao giờ, chỉ nhớ rằng từ khi tôi biết ngồi ăn, cả nhà tôi đã như thế rồi. Tôi còn nhớ như in ngày còn nhỏ, cả nhà vừa xem phim Tây Du Ký vừa ăn cơm, nụ cười giòn tan không ngớt. Mâm cơm chưa bày ra hết là tôi đã lon ton đi tìm chiếc remote để mở tivi rồi. Chương trình tivi như một gia vị cho mâm cơm thêm ngon miệng vậy.
Nếu phải chỉ ra điểm gì đặc biệt trong mâm cơm Tết nhà mình, với tôi chắc là chiếc tivi và chương trình Táo Quân - chỉ có Tết mới có. May mắn năm nay vẫn còn chiếu Táo Quân để cả nhà tôi lại có dịp được cười no say và bàn luận với nhau về những câu chuyện mang tính thời sự trong năm vừa qua.
Một niềm vui nho nhỏ khác của tôi so với lúc còn bé đó là chiếc tivi bây giờ, thay vì phải cần đến ăng-ten xoay xoay tứ phía vẫn chưa bắt được kênh nào, thì nay, gia đình tôi đã lắp truyền hình, nếu tôi nhớ không lầm thì là của Truyền hình FPT. Công nghệ tân tiến, tốc độ đường truyền nhanh, hình ảnh sắc nét, hơn thế nữa, kênh truyền hình nào muốn xem cũng đều xem được nên cảm xúc mâm cơm ngày Tết thật đủ đầy.
Nhờ kết nối cáp Truyền hình FPT mà bây giờ nhà tôi muốn xem gì trên tivi cũng có: chương trình thể thao cho ""cánh đàn ông"", phim truyện, làm đẹp, nấu ăn dành cho phái đẹp, còn có nhiều kênh phim hoạt hình thiếu nhi cho mấy đứa nhỏ xem nữa. Mấy anh chị em tôi cũng chẳng còn phải tranh giành nhau xem kênh nào nữa, vì giờ đây, kênh nào đối với cả nhà cũng thật hay vì được xem cùng nhau. Đặc biệt hơn, chúng tôi còn có thể tự mở ứng dụng xem Truyền hình FPT trên điện thoại, vô cùng tiện lợi.
Bố mẹ tôi cũng có thú vui mới vì Truyền hình FPT có rất nhiều chương trình hay, mới mẻ hơn để xem, gọi là chút niềm vui tuổi xế chiều. Thỉnh thoảng, bố mẹ lại gọi chia sẻ với các con những trải nghiệm thú vị của mình. Mẹ thì hay kể về những bộ phim mới, diễn viên này đóng hay quá, bố thì mãi bàn về tin tức thời sự, thể thao.
Bây giờ, mỗi năm tôi chỉ mong cho đến ngày Tết để được về quê, dọn mâm cơm, ngồi xem tivi cùng ba mẹ. Không phải vì muốn được vừa ăn cơm vừa xem tivi mà muốn được ngập tràn trong tình cảm gia đình nồng ấm.
Chúng tôi, những con người từ những làng quê nghèo của Việt Nam sang nước bạn để kiếm tiền lo cho gia đình ở nhà có một cuộc sống tốt hơn. Ra đi, ai chẳng muốn trở về, nhất là khi cái Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần. Lòng như lửa đốt, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng tôi không nói ra nhưng lòng ai cũng rõ, năm nay buộc phải ăn Tết xứ người. Buồn lắm, nhưng không làm cách nào khác được.
Bởi đã chuẩn bị trước tâm lý sẽ không về nhà Tết này, nên chúng tôi ai nấy đều làm ""tư tưởng"" trước cho gia đình. Anh Tùng (Hải Dương) bàn với các anh em ở lại đợt này cùng nhau ăn cơm tất niên và những bữa cơm năm mới. Do là Tết cổ truyền của Việt Nam nên những người dân lao động như anh Tùng, anh Hải (Nghệ An), chị Thoa (Thái Bình)… không được nghỉ làm mà vẫn phải đến xí nghiệp mỗi ngày, vậy nên họ phân công mỗi người phụ trách một món, đến tối thì tập trung lại với nhau để ăn những bữa cơm chung. Mấy anh chị em chúng tôi góp lại cũng chẳng đủ một mâm cơm Tết đúng nghĩa, nhưng ít ra là chúng tôi cũng không quá cô đơn nơi xứ người.
Cũng do cả năm qua toàn thế giới bị ảnh hưởng của Covid nên chúng tôi đều thống nhất với gia đình, lắp đặt đường truyền internet thật tốt để đảm bảo tín hiệu ổn định, nhằm thường xuyên giữ liên lạc, thường xuyên gọi video. Với những gia đình 2, 3 thế hệ, sống cùng bố mẹ già và con nhỏ thì chúng tôi còn lắp thêm cả camera FPT cả camera của FPT để theo dõi tình hình 2 phía, để dù ở nhà hay ở nước ngoài, bận quá không thể nói chuyện lâu thì chúng tôi có thể quan sát nhau qua màn hình camera, an tâm hơn rất nhiều. Thời đại công nghệ thật là tốt!
Hẹn ăn vào cùng một giờ, dù Việt Nam hay trời ngoại thì chúng tôi vẫn có những bữa cơm Tết được ăn cùng nhau. Vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả.
Thật ra, với những người xa quê như chúng tôi, những bữa cơm với cuộc thoại video như thế này thực sự đáng quý. Nhìn thấy hình ảnh gia đình ở nhà chúng tôi có thêm động lực làm việc và cố gắng, với niềm tin vào một tương lai sẽ tốt đẹp hơn cho gia đình mình. Còn mọi người ở nhà, trông thấy tôi vẫn khoẻ mạnh bên này, cùng với nhiều anh em, bạn bè đồng nghiệp cũng yên tâm phần nào. Gánh nặng tâm lý của cả người đi và người ở đều nhẹ đi, sợi dây kết nối của gia đình vẫn bền vững. Cái Tết xa nhà không còn quá buồn và đáng sợ nữa bởi giờ đây, chúng tôi có thể nhìn thấy nhau hàng giờ, hàng ngày với hình ảnh cực nét, đường truyền ổn định của FPT không bao giờ làm chúng tôi thất vọng.
Đối với những người con xa nhà, Tết là dịp trở về đoàn tụ cùng gia đình. Đôi khi vì rất nhiều lý do, chúng tôi không thể trở về. Tết năm 2014, Tết năm Giáp Ngọ là một cái Tết mà tôi không thể trở về.
Chuyện bắt đầu từ Noël năm 2013, hơn một tháng trước Tết Giáp Ngọ, theo thông lệ chúng tôi về nhà bố mẹ chồng ăn Tết. Đêm Noël ở Pháp là đêm lễ hội quan trọng nhất trong năm, giống như đêm cơm giao thừa trong văn hóa của người Việt. Mọi thành viên trong gia đình dù gần hay xa đều trở về quây quần bên mâm cơm cùng ông bà cha mẹ.
Gia đình tôi đặc biệt hơn. Ở đây, tôi là dân nhập cư, không có bố mẹ đẻ ở gần nên năm nào chúng tôi cũng được ăn Tết cùng bố mẹ chồng.
Noël 2013 là một ngoại lệ, chúng tôi đang đợi đứa con nhỏ chào đời. Việc đi lại đường xa sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi. Mẹ chồng lại đang bị ốm nằm viện. Vậy là chúng tôi không thể về và bố mẹ cũng không thể đến nhà ăn Tết cùng chúng tôi.
16 giờ chiều Noël, dù không tổ chức rình rang, nhưng tôi vẫn muốn làm mâm cơm giao thừa ấm cúng cùng gia đình bé của mình. Mọi thứ đã sẵn sàng, chúng tôi ngồi xem phim và chờ Noël.
Ấy là tôi nghĩ thế, nhưng đứa con trong bụng của tôi lại quyết định khác. Nó muốn ra ngoài cùng đón Noël với chúng tôi. Khi bàn tiệc vừa được bày biện xong, những cơn đau cũng trở lên dồn dập, chúng tôi vội vã vào viện.
23h45. Con gái của chúng tôi cất tiếng khóc chào đời trong những tiếng chúc mừng của đội ngũ y bác sĩ. Dây rốn vừa cắt cũng là lúc chuông nhà thờ gióng lên mừng lễ. Và dù chúng tôi không nâng cốc chúc mừng như mọi năm, hạnh phúc vẫn thiêng liêng. Con gái chính là món quà mà ông già Noël đem đến cho chúng tôi.
Một tháng sau, khi sức khỏe của tôi hồi phục, bà nội của con gái khỏi ốm, chúng tôi quyết định tổ chức ăn Tết và ăn Noël muộn, hôm đó là vào ngày cuối cùng của tháng một năm 2014.
Chiều 28 tôi đi chợ, mọi thứ đã được bán hết. Hoa đào, bánh chưng và mứt Tết, tất cả đều hết. Tủi thân, nước mắt tôi chực trào ra. Tôi chợt nhớ đến lời bà ngoại. Ngày xưa mỗi lần thấy tôi tủi thân, ngoại lại bảo: ""Con gái mà khóc thì xấu lắm. Đừng khóc! Nếu gặp khó khăn, hãy thở thật sâu rồi đứng lên giải quyết khó khăn, không được đầu hàng khi chưa thử giải pháp khác"".
Phải rồi, tại sao tôi lại tủi thân? Tôi đang sở hữu một niềm hạnh phúc vô bờ, nụ cười thiên thần của đứa con thơ. Cành đào ư? Có khó gì! Chỉ cần chặt một cành cây trong vườn và cắt những bông hoa từ giấy hồng rồi đính vào đó. Bánh chưng ư? Không có bánh chưng tôi sẽ mua bánh tét thay thế. Và mứt Tết thì lại càng đơn giản.
Tôi có thể cùng với mẹ chồng làm mứt từ khoai tây trồng trong vườn nhà, món Tết ngày xưa mẹ vẫn làm khi gia đình chúng tôi còn nghèo khó.
Và năm đó, mâm cơm Tết của nhà tôi thật khác lạ so với mọi năm. Giữa những món ăn truyền thống Noël của dân Pháp là những món ăn truyền thống của Tết cổ truyền Việt Nam. Gan ngỗng, vịt nhồi hạt dẻ nướng, bánh tét, miến nấu măng, rượu vang và bia Hà Nội… đặt bên cạnh cành đào cắt tỉa từ hoa giấy.
Đó là mâm Tết đặc biệt nhất trong cuộc đời của tôi. Sau này mỗi khi nhớ lại, tôi gọi nó bằng một cái tên thân thương, mâm Tết "2 in 1".
Chúng ta có một cuộc đời dài nhưng liệu có đủ mươi mâm Tết được ăn cùng cha mẹ, anh chị em? Rồi đến lúc cuộc đời lật dở sang trang mới chẳng ai còn cơ hội ăn bữa cơm đủ mặt người thương. Lúc đó bạn có tiếc không?
Tôi thì tiếc.
Xa nhà tám năm trời, bốn năm đi học, bốn năm đi làm không có lẻ. Nên năm nào cũng vậy, tôi thường nhớ rất rõ những mâm Tết nhà.
Thường thì mẹ sẽ bắt tôi cùng ra chợ ngày 29, phụ xách biết bao nhiêu là đồ. Rồi 30 lo sơ chế trước mấy món cầu kỳ như cuốn ram, nhồi sẵn khổ qua, luộc thịt ngâm mắm...
Không có sáng mùng một Tết nào là tôi được mặc áo dài xúng xính đi lễ chùa đầu năm như mấy đứa hàng xóm. Thay vào đó mùng một sẽ là lúc tôi xấu nhất với bộ đồ ngủ ở nhà, phụ mẹ làm món này món kia bày lên bàn thờ gia tiên.
Hồi đó sướng nhất là nghe mẹ nói câu: ""Xong rồi, bây đi đâu đó thì đi đi"", thế là tôi nhảy vọt ra khỏi nhà. Nhưng càng lớn, tôi nhận ra việc ăn bữa cơm đầu năm với ba mẹ như là chuyện Tết phải có mai, bánh tét phải ăn cùng củ kiệu không thì vô vị lắm.
Rồi 2020 đến, chẳng gõ cửa xông đất nhà người ta như lẽ thường mà ào ào vô rồi để lại bao nhiêu là biến động. Giữa năm, tôi không thể về nhà vì đại dịch.
Rồi cũng như bao người, trong những tháng ngày cách ly, ta tự nhiên nhớ nhung tột cùng những điều trước giờ ta coi là đương nhiên.
Cứ thế, mọi kết nối đều diễn ra qua ""video call"" cho đến tháng 10. Tôi về nhà không báo trước. Dắt theo hai đứa bạn vì lỡ khoe ""Mẹ tao pha cafe ngon lắm"".
Vừa thấy bóng dáng tôi trước cửa mẹ chậm chậm bước ra, đôi chút ngỡ ngàng, cứ đứng tần ngần một lúc rồi mới kéo tôi cùng hai đứa bạn vào nhà. Rất nhanh thôi, tôi thấy những hạt mưa bóng mây hắt ra từ đôi mắt mẹ, tự nhiên lồng ngực mình nóng ran. Đó là lần đầu tiên tôi thấy, cảm xúc của một người có thể dẫn dắt cảm xúc người khác như thế nào.
Tối hôm đó, ba mẹ rủ thêm vài dì qua chơi làm một bữa cơm nhỏ mừng tôi về. Đó là mẹ tôi nói, còn bản thân tôi thấy bữa cơm đó to lắm với cả chục món mà tôi biết có đi qua mấy bận đèn đỏ Sài Gòn cũng chẳng thể tìm thấy.
Trời lạnh lạnh tôi cùng vài đứa bạn lụi cụi bên cái bếp củi nhỏ thổi lửa nướng cá, bên kia mẹ cùng mấy dì nhặt rau. Ba và thằng em trai thì khệ nệ khiêng bàn ra trước hiên, xếp dăm cái ghế ngay ngắn quanh chiếc bàn con con.
Giờ tàn của màn đêm, bếp củi vẫn còn chút lửa già bắn từng tia lách tách. Sương phủ đầy lên tóc, lên vai chúng tôi, đâu đó trong bàn ăn lại có tiếng xuýt xoa vì lạnh. Món ăn đã vơi, những câu chuyện vẫn được bẻ đôi, người này nhâm nhi, người kia hát đôi ba câu lưng chừng.
Ở giữa những khoảng trống là sương lạnh nhưng cũng ở giữa đó hơi ấm từ sự sum vầy lan toả. Đêm hôm ấy, khoảng sân nhà tôi vắng lặng im.
Đôi khi ta gọi mâm cơm là mâm Tết, không phải vì nó được tổ chức vào 29, 30 hay mùng một mà bởi vì khi ngồi vào đó ta nếm được vị của yêu thương. Và mâm cơm đặc biệt giữa cái ngày Đà Nẵng lạnh xé da, hương hoa sử quân tử len lỏi vào từng câu chuyện, đó chính là mâm Tết tháng 10 của tôi.
Còn chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết ta, nếu người ta than vãn năm qua là xui xẻo tôi lại muốn chọn tính từ ""đặc biệt"" để nói về 2020, năm làm cho tôi nhận ra giá trị của tình thân gói gọn trong mâm Tết với một hương vị không thể nào thay thế - Tình thân.
Cảm ơn bạn đọc Quỳnh Anh
Nếu ngoài Bắc có bánh chưng Lang Liêu tượng trưng cho trời tròn, đất vuông, thì trong Nam có bánh tét thương nhớ người xưa, cầu chúc cho ấm no, sum vầy của gia đình, đa tạ trời đất đã cho người dân mùa màng thuận lợi.
Nhà tôi thường gói bánh tét vào 28 tết, khi con cháu trong nhà đã xong công việc cá nhân và có thể quây quần bên nhau nhóm lửa. Ba ngày trước khi gói, ba mẹ phân chia các công đoạn như chọn nguyên vật liệu, ngâm gạo nếp, đậu xanh, rửa lá chuối, chẻ lạt, làm nhân...
Năm nào nhà tôi cũng gói khoảng 50 cái bánh tét kiểu miền Nam, dành ra tầm chục cái để cúng ông bà, còn lại là làm quà cho con cháu.
Gói bánh tét khó nhất là gấp lá chuối để phần đầu bánh ra được hình vuông, tam giác mà không bị bể, mất dáng hình như mình muốn. Bánh tét được cột bằng dây lát thay vị lạt tre như bánh chưng, cột dây không được lỏng hay chặt quá và hai bánh tạo thành một chùm có đôi có cặp.
Nhắc đến chuyện cột bánh, nhớ một lần mấy anh em lấy dây nylon thay dây lát bị ba mắng tơi tả, với ba bánh tét là phải cột bằng dây lát mới ngon, mới có dáng đẹp.
Có lần nội hỏi thằng Bi trông chừng bánh nóng vậy có chán không, nó cười tươi đáp lại: ""Dạ, con ngồi trông bánh khiến người lúc nào cũng toát mồ hôi nhưng ý nghĩa lắm nội ạ. Cả năm chỉ có một lần, con không thấy chán, con chỉ thấy vui thôi"".
Thật khó có dịp để thấy mấy đứa cháu có cơ hội gặp gỡ nhau, cùng làm một việc, cùng chia sẻ với nhau như dịp này.
Năm nay nhà tôi đón thêm dì Út hồi hương. Dì chờ đợi ngày được gói bánh lâu lắm rồi, gói bánh vừa vui, lại được xum vầy và có thể tâm sự đủ mọi chuyện trên trời dưới đất. Gặp năm dịch COVID-19, đâu có mấy người về Việt Nam được, ba mẹ thấy dì về ánh mắt sáng rực rỡ vì vui sướng.
Vừa ngồi làm bánh Út vừa gọi điện thoại, mở video cho mấy người bạn ở Mỹ để khoe không khí chuẩn bị Tết, đón Tết ở Việt Nam. Bạn của dì Út ở Mỹ nhiều, người thì nấu bánh chưng, người kiếm hoa đào, và nấu những món đặc trưng như thịt kho trứng, dưa giá muối, giò chả.
Cái lúc tiễn Út về Việt Nam, dì bảo nhiều người bạn mắt đỏ hoe, ai cũng muốn gửi lời chúc sức khỏe và may mắn. Ai cũng đợi quà của Út khi quay lại trong năm mới, tất cả cùng hứa sẽ ""live stream"" nhóm khi đón giao thừa, đi xem bắn pháo hoa để xóa nhà khoảng cách không gian và thời gian.
Những ngày cận tết vào nhà thấy khuôn mặt ai cũng tươi rói khoe thành quả là gói xong những cái bánh tét đẹp, đều là thấy tết ùa về rồi. Một đòn bánh tét ngon là khi cắt ra nếp không bị nhão, đậu xanh không bị rơi ra, ăn với chút củ kiệu, dưa món thì đúng tuyệt hảo.
Trong mấy ngày tết bên cạnh những đòn bánh được chưng trên bàn thờ, ba mẹ còn cắt bánh để cúng rước ông bà, cúng giao thừa và cúng mấy ngày mùng. Mỗi đĩa cúng gồm ba lát bánh với ba hình tròn đều rồi đặt lên lát thứ tư, trông giống như một bông hoa rất đẹp mắt.
Nấu bánh tét nhiều nên con cháu sẽ được ba mẹ tặng làm quà, món quà tình cảm không có tiền bạc nào đánh đổi được.
Ba tôi thường dạy con cháu rằng, phong tục gói bánh tét ở các gia đình miền Nam không đơn thuần là chuyện gói bánh để cúng tổ tiên và ăn ba bữa tết mà là dịp tụ hội gia đình đầy đủ, quây quần bên cha mẹ và con cháu.
Cảm ơn bạn đọc Mai Đức Dũng
Khổ qua có vị đắng. Đắng từ trong hình dung. Là trái nhưng không phải trái cây. Thuộc dòng rau củ nhưng lại chẳng ai có can đảm gọi loại này là rau khổ qua hay củ khổ qua cả. Đến lạ chưa! Ngày nhỏ, tôi cũng chẳng ""ưa"" loại trái này.
Đấy, vậy mà đúng thật là ""ghét của nào trời trao của đó"". Là vào khoảng thời gian tôi bắt đầu vào đại học, cũng là khoảng thời gian đầu tiên sống xa nhà. Một ngày cuối tuần bố đón tôi về nhà từ ký túc xá, cửa nhà vừa mở là tôi ""sà"" vào mâm cơm nóng hổi ngay. Cũng là lần đầu tiên bị cái đói quay quắt quay mình vòng vòng đến ""cao hứng"" chạm vào món canh khổ qua nhồi thịt.
Ơ? Ngon nhỉ! Lại còn không đắng nữa"" - là cảm giác của tôi lúc ấy.
Và từ đó trở đi, canh khổ qua nhồi thịt biến thành món khoái khẩu của tôi. Nhưng kèm theo điều kiện, phải do chính tay mẹ tôi nấu.
Từ bữa cơm cuối tuần thời đại học của tôi, ""ổ hoa"" được thăng cấp thành món chính của ngày mùng 1 Tết. Tết mà. Ăn khổ qua cho những cái ""khổ"" nó ""qua"" đi, để đón sung túc tới. Tết, bên cạnh khổ qua có thêm nồi thịt kho trứng ""made by mẹ"" nữa.
Thớ thịt kho thơm nồng và thanh ngọt bởi được hầm với nước dừa tươi. Trứng gà cũng phải chiên sơ cho lớp vỏ giòn ""sực sực"", cắn vào béo béo. Là trứng gà chứ không phải trứng vịt. Cũng vì có người không chịu được mùi nguyên thủy của loại trứng này.
Rồi cả nhà sẽ cùng nhau ăn bữa cơm ""ổ hoa"" đầu tiên của năm trong lúc người lớn còn vướng bận một chút lo âu về cuộc sống, về cơm áo gạo tiền của năm mới đang tới, còn những đứa trẻ thì tò mò không biết sẽ nhận được một phong bao lì xì ""nặng"" bao nhiêu.
Nhật Bản vào giữa đông, nhiệt độ bắt đầu duy trì ở 0 độ đến 1 độ. Nhưng ở Việt Nam của tôi, Tết lại sắp đến.
Còn nhớ giờ này năm ngoái, tôi còn đang ở Nhật, háo hức mua sắm gói ghém để về nhà ăn Tết, cho cả nhà bất ngờ. Xong, vừa quay lại với công việc ở Nhật thì đại dịch hoành hành, đến giờ vẫn còn là vấn đề chưa hết nhức nhối.
Là Tết này không được về rồi. Tết này không được ăn cơm ""ổ hoa"" rồi. Thêm vào đó, Nhật Bản nhiều năm nay cũng đã hòa mình vào dòng chảy chung đón Tết dương lịch cùng với các nước phương Tây chứ không còn đón Tết âm lịch như các nước phương Đông khác.
Nghĩ tới việc không được đón Tết cổ truyền, cũng cảm thấy buồn không chỉ một tẹo. Vì tính ra thì đây có lẽ là lần đầu tiên tôi phải đón Tết xa nhà.
Mới than vài câu ""sương sương"", thì mẹ ngắt lời, bảo rằng thời đại phát triển rồi, đâu còn như xưa nữa. Ăn Tết online đi con! Tôi lúc đấy mới chợt như bừng tỉnh.
Ngày trước, bước ra khỏi nhà, có bao nhiêu cực khổ, bao nhiêu ấm ức cũng chỉ cần một bữa cơm ""ổ hoa"" là có thể xoa dịu tất cả.
Cao lương mỹ vị trên đời cũng không thể sánh với bữa cơm ""ổ hoa"" đó. Giờ đành chờ một thời thế lành lặn, để được cùng gia đình quây quần ăn một bữa cơm ""ổ hoa"", để có bao nhiêu khổ tới cũng qua lập tức.
Cảm ơn bạn đọc CẨM TÚ BEE
Tặng sao
Chuyển sao tặng cho thành viên
- x1
- x5
- x10
Hoặc nhập số sao
Tặng sao không thành công
Đã có lỗi xảy ra, mời bạn quay lại bài viết và thực hiện lại thao tác
Quay lại bài viết
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận