04/12/2018 10:30 GMT+7

Macron sẽ xuống nước hay cứng rắn?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Chính phủ Pháp ngày 3-12 tiếp tục họp bàn cách xoa dịu làn sóng 'áo vàng' đang gây ra các cuộc biểu tình làm rúng động nước Pháp những tuần qua.

Macron sẽ xuống nước hay cứng rắn? - Ảnh 1.

Người biểu tình “áo vàng” tụ tập quanh Khải Hoàn Môn ở quảng trường Ngôi Sao, trung tâm Paris ngày 1-12 -Ảnh: Reuters

Trong khi đó có tin Paris không loại trừ khả năng áp đặt tình trạng khẩn cấp nhưng chưa rõ có cân nhắc việc bầu cử sớm hay không.

412 người bị bắt

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 3-12 chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo đảng đối lập, một ngày sau khi tổng thống Pháp tổ chức cuộc họp khẩn cấp để đánh giá về đợt biểu tình "chưa từng thấy trong hàng thập kỷ" và đề xuất đối thoại với những người biểu tình "áo vàng".

Tuần trước, Bộ trưởng môi trường Pháp François de Rugy đã gặp một số nhà tổ chức biểu tình và thành viên đảng đối lập nhưng không thể ngăn họ tiếp tục xuống đường phản đối việc tăng thuế xăng dầu.

Reuters đưa tin những người biểu tình ngày 3-12 tiếp tục phong tỏa 11 kho xăng của một công ty năng lượng sau khi làn sóng biểu tình cuối tuần qua khiến 263 người bị thương, 412 người bị bắt và gây hỗn loạn trên toàn quốc. Họ cũng bắt đầu kêu gọi tiếp tục biểu tình vào cuối tuần này.

Thiết lập tình trạng khẩn cấp?

Truyền thông địa phương cho biết Chính phủ Pháp thậm chí đã không loại trừ khả năng thiết lập tình trạng khẩn cấp để dập tắt biểu tình, tuy nhiên Paris sau đó khẳng định chưa đến lúc. 

"Đó là một lựa chọn nhưng bây giờ thì chưa bàn tới" - AFP dẫn lời quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Pháp Laurent Nunez nói. Tình trạng khẩn cấp từng được áp dụng sau cuộc bạo động năm 2005 và các vụ tấn công Paris năm 2015.

"Tôi không chấp nhận bạo lực. Không có lý do gì để tấn công chính quyền, cướp bóc các doanh nghiệp, đe dọa người qua đường hoặc phóng viên" - Tổng thống Pháp Macron cương quyết trước thách thức chính trị lớn nhất trong 18 tháng cầm quyền của vị tổng thống 40 tuổi. 

Ông cho rằng những kẻ bạo động chỉ "muốn tạo ra hỗn loạn", và họ sẽ phải trả lời trước pháp luật về những hành vi phạm tội của họ.

Dù vậy, tổng thống không đề cập việc thiết lập lại tình trạng khẩn cấp và khả năng giải tán Hạ viện để tổ chức bầu cử sớm như phe đối lập đang đề nghị. Tuy nhiên lãnh đạo đảng cánh hữu Marine Le Pen và các lãnh đạo đối lập Jean-Luc Melenchon cho rằng đã đến lúc Paris giải tán Hạ viện.

"Cần phải giải tán Quốc hội để tiến hành cuộc bỏ phiếu mới" - bà Le Pen nói trên kênh truyền hình France 3, khẳng định Chính phủ Pháp không còn lựa chọn nào khác ở thời điểm hiện tại. 

Trong khi đó, một số cá nhân khác như Laurent Wauquiez, lãnh đạo Đảng Les Republicains, kêu gọi trưng cầu ý dân về chính sách năng lượng của ông Macron.

Đe dọa cải tổ kinh tế

Giữa bối cảnh tỉ lệ ủng hộ ông Macron tiếp tục giảm mạnh, cuộc biểu tình cũng đe dọa đến kế hoạch cải tổ kinh tế của tổng thống Pháp nhằm vực dậy đất nước nhưng cũng bị coi là chỉ có lợi cho người giàu.

Việc tăng thuế nhiên liệu cũng là một phần trong cải cách mà theo ông Macron là cần thiết để Pháp chuyển đổi thành một nền kinh tế ít khí thải. 

Ngoài ra, mục tiêu cải cách cũng nhắm đến những lĩnh vực tốn kém và chịu sự phản ứng mạnh mẽ nhất như y tế, hệ thống hưu trí, chính quyền trung ương và địa phương. Nhiều người sống ở các khu vực ngoại ô lo ngại sẽ phải thắt chặt chi tiêu và mất việc làm.

Bất chấp áp lực biểu tình, người phát ngôn Chính phủ Pháp ngày 2-12 khẳng định Paris "sẽ không đổi hướng bởi vì đây là một hướng đi tốt". Tuy nhiên để có thể làm được điều này, Pháp trước hết phải có giải pháp xoa dịu sự giận dữ của "áo vàng".

Áo vàng là ai?

Paris sẽ tập trung tìm cách đối thoại với người biểu tình nhưng phong trào "áo vàng", khởi xướng từ tháng 10-2018, là một lực lượng bao gồm nhiều thành phần chính trị và cũng chưa hình thành lãnh đạo khiến việc đối thoại sẽ trở nên vô cùng phức tạp.

Yêu cầu chính của phong trào là chính quyền ngưng kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, dự kiến có hiệu lực từ đầu năm sau, và có các biện pháp tăng chi tiêu. Tuy nhiên một số cũng đòi ông Macron phải từ chức và thậm chí nhắc đến ý tưởng làm cách mạng.

Dù chủ yếu được tổ chức trên mạng xã hội, phong trào nhanh chóng nổi lên tại các khu vực ngoại ô trên toàn quốc, nơi nhiều người vẫn phải dùng xe để đi lại. Phong trào này cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân khi một khảo sát của Tổ chức thăm dò Harris cho thấy 7 trên 10 người ủng hộ biểu tình.

Giọt nước tràn ly

Những ngày qua, bạo động bùng phát tại Pháp, bắt đầu ở các vùng ven đô sau đó tiến thẳng vào trung tâm kinh đô ánh sáng. Những cuộc bạo động khác cũng liên tiếp diễn ra trên toàn quốc.

Phong trào này được gọi là cuộc bạo động "áo vàng", dấu hiệu nhận biết của những người lái xe và liên quan trực tiếp đến quyết định áp thêm thuế chồng lên thuế giá xăng dầu của chính phủ Macron.

Tuy nhiên, đằng sau đó, cần phải thấy "áo vàng" chỉ là những người bị dồn vào đường cùng phản kháng tự phát và giá xăng dầu chỉ là giọt nước tràn ly của một chuỗi những chính sách chính phủ Macron đưa ra kể từ khi lên nắm quyền cách đây gần 2 năm. Những chính sách này đẩy một phần dân chúng Pháp lâm vào cảnh khó khăn kinh tế và bất bình đẳng trong chính trị, xã hội.

Dưới những khẩu hiệu "hiệu quả", "đổi mới", "sự thật"..., chính phủ Macron thay thế tư duy dựa trên các giá trị xã hội bằng tư duy công nghiệp, bằng mọi giá đạt được các con số bất chấp các hệ quả xã hội của nó.

Tư duy này thể hiện rõ trong sáu chiến lược "đổi mới" lớn bao gồm: luật lao động, tăng phí đóng góp xã hội, đổi mới bảo hiểm thất nghiệp, đổi mới đào tạo chuyên nghiệp, đổi mới đào tạo và đổi mới luật hưu.

Để đạt được những con số đầy hứa hẹn, những cuộc "đổi mới" này tăng cường sự phân biệt, khoảng cách và bất bình đẳng trong xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà những người "áo vàng" đã hát vang bài La Marseillaise, quốc ca Pháp, khi chống lại lực lượng cảnh sát chống bạo động của chính phủ tại Khải Hoàn Môn.

Càng không phải ngẫu nhiên khi có tới 75% dân chúng Pháp ủng hộ "áo vàng". Một số chuyên gia cho rằng cuộc bạo động này mang hơi thở của một cuộc cách mạng quần chúng.

Bên cạnh các cuộc bạo động "áo vàng", các công đoàn "áo đỏ" bảo vệ quyền lợi của người lao động toàn quốc, các liên đoàn sinh viên và các tổ chức chống phân biệt chủng tộc cũng tổ chức biểu tình rầm rộ nhằm chống lại các chính sách "bất bình đẳng và phân biệt chủng tộc" của chính phủ Macron.

Hiện tại tỉ lệ ủng hộ ông Macron trong dân chúng Pháp chỉ còn 30%.

TS Nguyễn Vũ Hưng (thành viên Hội đồng Graduate School 31 Đại học Paris 8)

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên