Phóng to |
Chị Huỳnh Thị Chanh một mình chạy xe ôm nuôi ba con ăn học và mẹ giàẢnh: TẤN VŨ |
Chiều cuối tuần, chúng tôi bước lên chiếc xe khách Đà Nẵng - Huế đến chợ Nước Ngọt (xã Lộc Thủy). Đang ôm balô ngước quanh tìm bóng xe ôm thì một phụ nữ đi tới. Chị bảo: “Anh đi đâu, tôi chở”. “Chị chạy xe ôm hả?”- tôi hỏi với vẻ bất ngờ. “Về Cù Dù hả, em chở 15.000 đồng thôi”. Trời chập choạng tối, chị phóng xe chở tôi về khu du lịch Cù Dù sát biển.
Làng nữ xe ôm
Chị xe ôm chở chúng tôi hôm ấy, giữa cơn mưa chiều tầm tã là Nguyễn Thị Tuyến. Con đường cấp phối lởm chởm đá, gập ghềnh như thách thức tay lái vững chãi của chị giữa làn mưa không ngớt. Mấy hôm nay trời mưa ế khách, chị Tuyến nói chỉ kiếm đủ tiền thức ăn cho cả nhà. Giữa quãng đường, chị vui vẻ: “Ở đây anh tìm xe ôm nam đỏ mắt cũng không ra bởi cả làng này toàn chị em lái xe ôm. Cứ yên tâm, chị em tui yếu nhưng đi cẩn thận lắm, đưa đến nơi về đến chốn an toàn. Tui làm nghề này cả chục năm nay rồi, có hề hấn chi mô. Chỉ riêng làng tui đã có hơn chục chị kiếm cơm từ nghề này”.
4g sáng hôm sau tôi quay lại làng Thủy Yên Thôn, nơi có chị và hàng chục phụ nữ khác theo nghề xe ôm. Ngày tháng 10 trời Huế lạnh cóng. Tiếng chuông nhà thờ đánh thức, chị Tuyến lò mò dậy kéo chăn đắp kín hai con nhỏ rồi bước ra khỏi giường. Vo nồi gạo đặt lên bếp, hâm lại nồi cá, lau hai cái chén để ngay ngắn... cho con, chị bảo mình đi làm sớm, phải nấu cho sắp nhỏ chén cơm ăn ấm bụng để đi học chứ ăn hàng quán giá đắt lại không no”.
“Hoa hậu”... xe ôm Hôm đứng trước chợ Nước Ngọt, tôi không thể tin vào mắt mình khi một phụ nữ bước tới kéo khăn bịt mặt bảo: “Anh đi đâu, tui chở”. Đó là chị Thuyền, 32 tuổi, là người chạy xe ôm trẻ nhất ở vùng này. Thuyền có khuôn mặt sáng, đôi mắt to, đen, nước da trắng trẻo. Thuyền bảo chị chạy xe được gần năm năm, nuôi ba con. Cứ mỗi lần Thuyền dựa xe trước chợ, mấy ông ở chợ cứ tấm tắc gọi chị là “hoa hậu xe ôm”. Họ kể rằng ngày còn con gái chị Thuyền đẹp nhất làng. |
Chị Tuyết, một nữ xe ôm cựu trào, nói theo nghề xe ôm đã hơn chục năm. Ai kêu chạy đâu, sớm khuya chị cũng đi. Có những cuốc xe băng đèo Hải Vân vào tận Đà Nẵng. “Người nào về làng cũng cười bảo chị em tụi tui làm chi cái nghề lạ vậy. Họ nói đáng ra nghề xe ôm dành cho cánh đàn ông khỏe mạnh. Nhưng ở đây đàn ông chạy xe là ế liền. Khách giờ chỉ đi xe phụ nữ” - chị Tuyết nói.
Nuôi đủ ba con với... mẹ chồng
Trong số những phụ nữ hành nghề xe ôm chúng tôi gặp hôm ấy ai cũng nhắc đến chị Huỳnh Thị Chanh. Nhà của chị khuất sau rặng tre ở cuối làng Thủy Cam. Chị đã 48 tuổi. Chị bảo tên chị chua chát giống như cuộc đời của chị vậy. Lấy chồng sinh được ba con gái. Năm chị 38 tuổi, con gái út vừa lọt lòng thì chồng chị đổ bệnh. Chị bồng con chạy khắp làng vay tiền đưa chồng đi viện.
Được ba tháng, tiền vừa cạn túi là lúc chị gạt nước mắt nhìn chồng bỏ bốn mẹ con ra đi vì căn bệnh ung thư. Ngày đưa tang chồng cũng là lúc mẹ con chị rơi vào hoàn cảnh bĩ cực. Gánh nặng cục nợ tiền chữa bệnh cho chồng chưa trả hết, giờ lại thêm cái ăn, tiền học đè lên vai chị khi ba con gái đang tuổi lớn. Thấy chị cực, đói khổ, ba con gái của chị quá ngoan hiền, xinh xắn không ai cầm lòng được. Một hôm mấy chị hàng xóm kéo chị lại bảo: “Chanh ơi, hay mi mua lại chiếc xe cũ đi thồ như bọn tau. Ngày chạy xe cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, chứ ngồi không ri lấy chi cho con ăn”. Thương Chanh, mấy chị em hàng xóm cho mượn ít tiền mua chiếc xe máy cũ.
Ngày chồng mất, chị Chanh mới hiểu thế nào là cảnh nhà không nóc. Ba đứa con, mẹ chồng già yếu điếc tai, mờ mắt. Mỗi ngày chị thức dậy từ 4g sáng chạy xe đến nửa trưa thì tất tả về nhà. Chị bảo chắc nhờ anh phù hộ chị mới khỏe như thế này để lo cho con. Bé Thi giờ đã là sinh viên năm 2, còn hai em đứa lớp 12, đứa lớp 9 đều học giỏi. Một ngày dù có ế ẩm thế nào chị cũng góp ống ở chợ 10.000 đồng. Chị nói 10.000 đồng đó là tiền hộ thân hộ thổ mỗi khi chị, mẹ chồng hoặc mấy cháu ốm đau. Tôi hỏi thế không ốm đau tiền ấy làm gì, chị nói dành sắm vải may áo quần cho ba con gái đi học. Chị nói chị khổ mấy cũng được, chứ nhìn ba con gái xinh xắn mặc áo rách thì tội. Nhưng hành trình trên chiếc xe ôm khó nhọc đâu phải suôn sẻ.
Chị Chanh kể: “Hôm ấy giữa trưa đứng bóng, tui chở chị Nga về nhà. Đó là cuốc xe ôm cuối cùng để về lo bữa cơm cho mấy cháu đi học buổi chiều. Xe vừa đi được một đoạn trên quốc lộ, hai ôtô khách giành nhau vượt lên. Chị Nga ngồi sau đầu táng vào cột mốc chết. Công an nghi ngờ tui chạy xe ẩu mời lên làm việc. Ban đầu tui khai bị phụ xe xô ngã, công an không tin. Nhưng sau có người đến làm chứng tui mới được thả về”. Chưa hết xui rủi, mới đây chị chạy xe chở khách về làng gặp hai con chó rượt nhau giành cục xương, chị tông vào ngã xuống đường. Khách không bị gì nhưng chị bị gãy chân, giờ trong chân vẫn còn nẹp bắt 24 cái đinh. Chị nói nghề xe ôm vất vả lắm, riêng chị càng khốn khó hơn. “Có hôm đi xe về trời tối, nước lụt dâng cao đành phải gửi xe băng qua dòng nước bơi về. Ở nhà chỉ có mẹ chồng và con gái, tui không về lỡ nước vô nhà biết làm răng” - chị Chanh kể.
Tự hào xe ôm
Nói về cánh phụ nữ ở xã chạy xe ôm, bà Trần Thị Hiền, chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Thủy, tâm sự với vẻ đầy tự hào: “Lộc Thủy là xã thuần nông, kinh tế khó khăn. Đất ruộng ít ỏi, trước đây cái ăn người dân dựa vào núi rừng. Nhưng từ lúc việc khai thác rừng bị cấm nên bà con chuyển sang kiếm công việc khác mưu sinh. Đàn ông đi phụ hồ, thợ mộc, khai thác cát...
Còn chị em có người vay vốn nuôi heo, gà phụ kinh tế nuôi con ăn học. Trong cái khó ló cái khôn, rất đông chị em ở các làng Thủy Yên Thôn, Thủy Yên Hạ, Thủy Yên Thượng, Thủy Cam, Phú Cường... khai sinh ra nghề xe ôm”. Bà Hiền cho biết: “Nghề nữ xe ôm đã hình thành hơn mười năm nay. Ban đầu một chị, hai chị ra đứng đường chạy xe ôm, rồi dần dần đông lên cả mấy chục người. Nhìn chị em chạy xe ai cũng thương vì họ thiệt thà lắm. Ai có công việc nấy, khách của ai người nấy chở chớ chả bao giờ giành khách của nhau. Họ thương yêu nhau chớ chả bao giờ nặng lời với nhau một tiếng. Tôi làm công tác phụ nữ đã mấy chục năm biết tính từng chị. Có rất nhiều chị em từ việc chạy xe ôm mà lo cho con cái học hành. Như chị Chanh ấy”.
Theo bà Hiền, sắp tới bà sẽ trình Đảng ủy xã để xin chủ trương thành lập câu lạc bộ phụ nữ chạy xe ôm. “Chị em lao động vất vả, mỗi người mỗi cảnh khó khăn. Có câu lạc bộ để chị em sinh hoạt, tâm tư, chia sẻ, tương trợ vui buồn trong cuộc sống, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, hoạn nạn” - bà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận