31/05/2023 09:06 GMT+7

Lúc 'dầu sôi lửa bỏng' cần thay ngay cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng cần ưu tiên thay thế những cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm.

Đại biểu: Lúc dầu sôi lửa bỏng cần thay ngay cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Ảnh: GIA HÂN

Hai nhóm cán bộ sợ trách nhiệm

Sáng 31-5, Quốc hội bắt đầu thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu đặc biệt quan tâm đến nội dung hạn chế về “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai" gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.

Ông đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế này, nhưng vấn đề đặt ra là tại sao từ trước đến nay không xuất hiện mà đến nay mới xuất hiện. Không những thế còn lan rộng từ trung ương đến địa phương và từ khu vực công đến khu vực tư… 

Do vậy, cần phải xác định được nguyên phát của "căn bệnh này" mới có thể điều trị một cách hiệu quả.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu sáng 31-5 - Nguồn: THQH

Từ thực tiễn phản ánh, ông thấy hiện nay bên trong một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm gồm 2 nhóm cán bộ.

Nhóm thứ nhất là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm, vì không có lợi ích riêng. Nhóm thứ hai là cán bộ sợ vi phạm pháp luật, nên không dám làm

Về nhóm thứ nhất, ông cho rằng có thể khắc phục được ngay. Vì từ trước đến nay đều tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như thế.

"Vấn đề là, đơn vị đó có nhận diện được hay không. Khi nhận diện được thì xử lý như thế nào?

Tôi cho rằng ngay trong thời điểm "dầu sôi lửa bỏng" này, cần ưu tiên thay thế những cán bộ đó bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm vì không thiếu những cán bộ tốt.

Giống như trong bóng đá, khi các huấn luyện viên trưởng, vì sự phát triển của cả đội bóng và vì màu cờ sắc áo, họ sẵn sàng thay người khi thấy cầu thủ thi đấu kém hiệu quả", ông Tuấn nêu.

Về lâu dài, ông đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức.

Đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn để làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm...

Chống tham nhũng mạnh cũng làm nhiều cán bộ lo sợ

Về nhóm cán bộ thứ hai, theo ông Tuấn, đây là nhóm cán bộ chiếm số đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm vì chính họ đã tạo ra những hạn chế nêu trên. Đây cũng là trở lực lớn nhất, gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống.

Theo ông, những cán bộ này lo sợ vi phạm pháp luật xuất phát từ hai nguyên nhân chính.

Trong đó, một số văn bản quy định pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện, điển hình cùng một nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau.

Hay cùng một nội dung công việc nhưng lại có 2 văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất,

Ông chia sẻ đã chứng kiến bên lề có hai đại biểu Quốc hội cùng tranh luận về một nội dung của một điều khoản luật đang còn hiệu lực.

"Cuộc tranh luận ấy đã làm cho tôi hết sức tâm tư, lo lắng, bởi nó đang xảy ra trong chính cơ quan lập pháp. Nên không loại trừ khả năng sẽ xảy ra ở các cơ quan hành pháp, trong đó có cả cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Như vậy sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau cho các cán bộ thực thi công vụ. Những bất cập này đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh", ông Tuấn nêu.

Nguyên nhân thứ hai là thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và hiệu quả.

Đặc biệt, có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự.

Từ những vụ án này đã làm cho nhiều cán bộ lo sợ và tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý ngán ngại, sợ sai, sợ bị xử lý kỷ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự.

Trong đó, không loại trừ có những cán bộ tâm huyết nhưng không thể triển khai thực hiện công việc do sự bất cập, thiếu đồng nhất của các văn bản hướng dẫn.

Từ thực tế đó, ông Tuấn đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, kể cả việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu...

Đại biểu Quốc hội: Đại biểu Quốc hội: 'Cú lừa ngoạn mục sắc như dao cắt của Việt Á'

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị Việt Nam ngừng việc tự nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 vì đã quá muộn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên