Dân đang khó, xây cổng chào, tượng đài làm gì?
Cạnh đó, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên cũng “trồi sụt” tương ứng với thế giới. Do đó, phải có cách nhìn khách quan.
Ông Vân dẫn số liệu cho thấy số doanh nghiệp đăng ký giảm, số công nhân đăng ký thất nghiệp tăng, như ngày 23-5, Trung tâm Dịch vụ việc làm ở Đồng Nai tiếp nhận 22.000 hồ sơ. Hay có tiểu thương ở chợ Bến Thành (TP.HCM) có thời điểm 2 tuần không bán được mẩu hàng nào.
"Cầu giảm, việc làm không có, thắt lưng buộc bụng thì lấy đâu tiêu dùng. Vậy mà trong khi đó dự án cổng chào, tượng đài vẫn được triển khai. Trong lúc dân thì khó khăn, đặc biệt nơi vùng sâu, vùng xa, đói kém như vậy thì xây tượng đài để làm gì", ông Vân nêu.
Phân tích các nguyên nhân, ông Vân cho rằng có vấn đề về chất lượng thể chế, chính sách pháp luật.
Bên cạnh đó là vấn đề chất lượng cán bộ. "Ông chủ tịch này, nhiệm kỳ này thì ủng hộ, nhưng sang nhiệm kỳ sau, chủ tịch khác thấy doanh nghiệp ngứa mắt, thu hồi dự án. Trong khi doanh nghiệp đã bỏ hàng trăm tỉ vào dự án, rồi trả lãi suất ngân hàng, thế là họ chết.
Chúng ta không xử lý những cán bộ như vậy thì doanh nghiệp khó sống, khó phát triển”, ông Vân nêu.
Ông đánh giá kinh tế vĩ mô khá đau đầu lúc này, nhưng không vì thế mà không lạc quan. Chúng ta có thể bứt phá với điều kiện phải có giải pháp thích hợp.
Từ đó, ông Vân đưa ra 7 kiến nghị. Trong đó, Chính phủ cần có chương trình ngắn hạn đối phó linh hoạt trước nguy cơ suy thoái kinh tế. Tiếp đó điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, trong đó sớm xây dựng luật liên quan thuế tối thiểu toàn cầu để tham gia “luật chơi” mới.
Có giải pháp nâng cao năng lực trong nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, doanh nghiệp start-up...
“Sai thì 'đánh' cho chừa, nhưng không 'đánh' cho khiếp vì có cái vướng mắc ở chính sách không ổn định. Doanh nhân mạnh thì đất nước mới hùng cường", ông Vân nêu quan điểm.
Bên cạnh đó phải chỉnh đốn đội ngũ cán bộ. Ông dẫn chứng “Thủ tướng 'tả xung hữu đột' nhưng nhiều nơi chưa chuyển biến” và cho rằng Quốc hội nên có chuyên đề giám sát thực thi chức trách, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.
Quyết một cái thì "vào lò", nên không dám quyết mà ngồi kêu
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho hay vấn đề được nhận diện rồi nhưng cuối cùng vẫn là giải pháp. Để nâng cao năng lực ứng phó trước các tình huống đòi hỏi cả giải pháp trước mắt và lâu dài.
“Ta lâu nay chú ý giải pháp trước mắt như che chắn, bị động. Vui, buồn đột xuất vì thiếu chủ động. Vui thì vỗ tay mà buồn thì tìm cách giải thích. Đánh giá cứ say sưa chỉ số GDP trong khi sức khỏe nền kinh tế còn nhiều chỉ số khác", ông Hồi nêu.
Ông đề nghị chú ý vấn đề quy hoạch, vì hiện rất trì trệ. Quy hoạch chưa xong mà năng động, sáng tạo, quyết tâm và quyết một cái thì “vào lò”, nên không dám quyết mà ngồi kêu.
“Phải nhìn vào thực tiễn để chọn ra một số giải pháp cụ thể để xem làm được hay không. Cứ ngồi trên mây, quen làm chung chung thì khi cụ thể lúng túng”, ông Hồi nêu thêm.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) nêu rõ hiện nay tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh được báo chí, truyền thông nói nhiều, thậm chí đưa lên cả hội nghị lớn, báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ thị chấn chỉnh.
Tuy nhiên, vấn đề không phải do thiếu quy định trách nhiệm mà liên quan chế độ, chính sách và trách nhiệm cũng như việc xử lý.
Ông chỉ rõ việc ai không làm được đứng sang một bên là quan điểm rất đúng, "nhưng đứng sang bên nào, đứng chỗ nào lại là câu chuyện khác".
"Vấn đề này một nghị định của Chính phủ không thể giải quyết toàn diện vì công tác cán bộ liên quan quy định của Đảng. Để xử lý, Đảng phải có những quy định cụ thể. Đứng sang một bên liên quan các quy trình, nhiều thứ", ông Khánh nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận