09/05/2024 10:44 GMT+7

Lời kêu cứu từ đất khát - Kỳ 2: Hoa hướng dương nở vàng trên đất cháy

Gạo, lúa mì, bắp, đay và rau là các loại cây trồng quan trọng, phổ biến đối với nông dân Bangladesh.

Đất cằn cỗi bỏ hoang ven biển Bangladesh có thể sẽ được phủ xanh bởi cây hoa hướng dương - Ảnh: Mongabay

Đất cằn cỗi bỏ hoang ven biển Bangladesh có thể sẽ được phủ xanh bởi cây hoa hướng dương - Ảnh: Mongabay

Thế nhưng biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao và nhiều yếu tố khác khiến một khu vực ven biển rộng lớn của Bangladesh vẫn cằn cỗi trong mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5) do đất canh tác bị nhiễm mặn, trồng cây nào chết cây đó. Nhưng đã có một loài cây đã giúp nông dân vượt qua khó khăn chính là hoa hướng dương.

Sáng kiến trồng hoa hướng dương là tia hy vọng cho người nông dân ở các huyện ven biển, biến đất cằn cỗi thành biển hoa vàng.

BASHIR AHMED

Biến đất hạn mặn thành biển hoa vàng

Anh nông dân Asim Shikhari ở huyện Patuakhali (thuộc phân khu Barisal giáp vịnh Bengal) không thể trồng trọt gì vào mùa khô. Thường anh chỉ làm một vụ trong năm.

Anh trồng lúa mùa Aman vào mùa mưa (gieo vào tháng 6 - 7, thu hoạch vào tháng 11 - 12) rồi bỏ đất hoang vì đất bị nhiễm mặn.

Anh bộc bạch trên trang Mongabay (Mỹ): "Khi tôi thử trồng lúa trên vùng đất mặn này, cây mạ mọc lên chuyển sang màu vàng rồi khô héo. Tôi đã thử vận may trồng dưa hấu, đậu xanh và các loại đậu hạt khô nhưng đều thất bại".

Nhìn thấy thiệt hại do hạn mặn với cây trồng, người dân địa phương đã gọi vùng đất này vào mùa khô là "vùng đất cháy" vì không thể trồng được cây gì. Trong những tháng mùa khô, phần lớn đất đai ven biển trở nên hoang hóa vì nhiễm mặn, do đó sinh kế của nông dân cũng bị ảnh hưởng.

Sau khi các siêu bão Sidr và Aila tấn công miền nam Bangladesh vào năm 2007 và năm 2009 khiến đất trồng trọt nhiễm mặn nhiều hơn do nước biển xâm nhập, các tổ chức phi chính phủ đã cung cấp miễn phí cho nông dân Bangladesh hạt hướng dương và phân bón đồng thời hướng dẫn họ cách thức trồng trọt.

Một trong những tổ chức đó là tổ chức phát triển quốc tế mang tên Ủy ban Phát triển nông thôn Banglsdesh (BRAC). Tổ chức này đã cấp cho anh nông dân Asim Shikhari 12kg hạt giống hướng dương vốn dễ thích nghi với độ mặn của đất.

Anh bắt đầu trồng hoa hướng dương lần đầu tiên trên miếng đất 1,2ha vào mùa khô năm trước. Anh kể lại: "Tôi đã thu hoạch được khoảng 75 maund (2.800kg) hạt hoa hướng dương từ vụ này, bảo đảm thu được khoảng 170.000 taka (1.550 USD)".

Phấn khởi với kết quả đó, trong mùa vụ 2023 - 2024, anh đã mở rộng diện tích trồng hoa hướng dương trên 3,6ha đất. Tương tự như anh, 130 nông dân trong vùng cũng đã trồng hoa hướng dương trên diện tích hơn 40ha.

Bangladesh sản xuất khoảng 46 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm gồm khoảng 39 triệu tấn gạo, 1 triệu tấn lúa mì và 6 triệu tấn bắp ngô.

Theo Bộ Nông nghiệp Bangladesh, trong 8,8 triệu ha đất canh tác có 400.000ha không thể sử dụng được vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân hạn hán và nhiễm mặn.

Viện Phát triển nghiên cứu đất Bangladesh (SRDI) dự báo do biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao, khoảng 53% diện tích vành đai ven biển sẽ bị tình trạng nhiễm mặn ảnh hưởng trực tiếp.

Ông Bashir Ahmed - giám đốc dự án thuộc chương trình biến đổi khí hậu của tổ chức BRAC - nhận xét: "Sáng kiến trồng hoa hướng dương là tia hy vọng cho người nông dân ở các huyện ven biển, biến đất cằn cỗi thành biển hoa vàng. Một số nông dân thậm chí còn mong muốn thành lập doanh nghiệp chế biến dầu hướng dương để tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập".

Ông Jashim Uddin ở Cục Khuyến nông giải thích: "Có thể trồng hoa hướng dương trên khắp đất nước, nhưng khu vực ven biển cho năng suất tốt nhất. Những khu vực này có độ mặn cao, vì vậy không thể trồng lúa mùa Boro. Mù tạt cũng không phải là lựa chọn tốt để trồng trên đồng nhiễm mặn, nhưng trồng hoa hướng dương và đậu nành lại là lựa chọn đúng đắn".

Hoa hướng dương có khả năng chịu mặn và phát triển nhanh, tạo thu nhập cho nông dân ven biển Bangladesh - Ảnh: BRAC

Hoa hướng dương có khả năng chịu mặn và phát triển nhanh, tạo thu nhập cho nông dân ven biển Bangladesh - Ảnh: BRAC

Hoa hướng dương giải quyết nhu cầu dầu ăn

Ông Tousif Ahmed Qureshi - giám đốc cấp cao chương trình biến đổi khí hậu của tổ chức BRAC - ghi nhận: "Đất khu vực ven biển và các tầng nước ngầm ở Bangladesh đều có độ mặn cao do hiện tượng nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng.

Ngoài ra, lốc xoáy và sóng thủy triều gây thiệt hại cho đê điều nên nước mặn xâm nhập cản trở sản xuất nông nghiệp". Trong bối cảnh ấy, trồng hoa hướng dương có thể mang lại thu nhập cho nông dân.

Viên chức Ashim Kumar Das - phụ trách nông nghiệp tại thị xã Koyra (huyện Khulna) - giải thích: "Thông thường nhiều vùng đất rộng lớn bị bỏ hoang sau khi thu hoạch lúa mùa Aman và khoảng 1.200 - 1.300ha đất được sử dụng trồng dưa hấu. Năm nay, chúng tôi đã thử đề nghị nông dân trồng hoa hướng dương trên lối đi ruộng dưa hấu".

Báo Bdnews24 (Bangladesh) nhận xét nông dân canh tác hoa hướng dương ngoài tăng thêm thu nhập còn góp phần giải quyết bài toán đáp ứng nhu cầu dầu ăn trong nước. Hạt hoa hướng dương chứa tới 45 - 55% hàm lượng dầu.

Nhu cầu dầu ăn của Bangladesh vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm, trong đó chỉ khoảng 300.000 tấn dầu ăn được sản xuất trong nước từ hạt mù tạt, hạt mè, hạt hướng dương và phần còn lại phải nhập khẩu.

Chính phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến hướng tới sản xuất 1 triệu tấn dầu ăn vào năm 2025 mà không ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo.

Cục Khuyến nông ghi nhận có ít nhất 0,9 triệu ha đất nhiễm mặn tại các khu vực ven biển và hầu hết chỉ trồng một vụ duy nhất hoặc bỏ hoang. Ước tính nếu canh tác đúng cách, diện tích đất này có thể mang lại từ 1,2 - 1,3 triệu tấn hạt có dầu, cho ra từ 400.000 - 450.000 tấn dầu ăn, tương đương 16% nhu cầu dầu ăn trong nước.

Ông Jashim Uddin tính toán: "Hiện tại đã có 10% nhu cầu dầu ăn được sản xuất. Nếu sản xuất thêm 16%, chúng ta có thể đáp ứng tổng cộng 26% nhu cầu dầu ăn trong nước".

Trồng hoa hướng dương trên vùng đất mặn ven biển không cản trở nông dân trồng lúa mà còn đáp ứng nhu cầu dầu ăn trong gia đình họ hoặc họ còn có thể mang đi bán.

Ông Uddin khẳng định trồng hoa hướng dương tốt hơn trồng đậu nành vì dễ làm ra dầu ăn hơn. Nông dân có thể đem hạt hướng dương tới nhà máy chế biến dầu ăn ở địa phương để làm ra dầu ăn mang về dùng, còn đối với đậu nành thì chưa được.

GS.TS Holly Michael tại Đại học Delaware (Mỹ) là nhà địa chất thủy văn ven biển đã nghiên cứu nước trên bề mặt đất liền và biển trong 25 năm nay. Trên tạp chí The Conversation (Mỹ), bà đã đưa ra một số giải pháp nhằm ngăn chặn nước mặn xâm nhập như sau:

* Hạn chế khai thác nước mặt và bơm nước ngầm.

* Bơm nước thải đã qua xử lý vào các tầng nước ngầm dễ bị tổn thương để tăng lực đẩy đẩy lùi nước mặn xâm nhập.

* Bơm nước ngầm nhiễm mặn hoặc lắp đặt rào chắn ngầm có thể chặn nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền.

* Xây dựng đê hoặc duy trì hệ thống cồn cát sạch để ngăn nước mặn từ biển. Phương pháp này có tác dụng ngăn lũ lụt và nước mặn xâm nhập trên bề mặt chứ không phải dưới lòng đất.

Một khi nước ngầm đã nhiễm mặn thì khó có thể loại bỏ muối, lúc đó chỉ có thể xây dựng nhà máy khử muối và chuyển sang trồng cây chịu mặn như hoa hướng dương.

*********

Tại phiên điều trần căng thẳng kéo dài đến tận đêm, Hội đồng quản lý nước của bang California (Mỹ) đã bỏ phiếu áp đặt đóng phí sử dụng nước ngầm. Tình trạng khai thác tầng nước ngầm ở Mỹ đã đến mức báo động. Tại bang Minnesota, nước ngầm cạn kiệt còn liên quan đến món khoai tây chiên.

>> Kỳ tới: Nguồn nước ngầm chết vì khoai tây chiên

Lời kêu gọi từ đất khát - Kỳ 1: Đào mương, đắp bờ trữ nước mưaLời kêu gọi từ đất khát - Kỳ 1: Đào mương, đắp bờ trữ nước mưa

Do biến đổi khí hậu, hạn hán xảy ra với cường độ ngày càng khốc liệt. Cấp nước ngọt cho dân vùng khô hạn, hạn mặn chỉ là giải pháp trước mắt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên