10/09/2018 11:06 GMT+7

Lộ trình loại bỏ glyphosate ở châu Âu

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Ngày cuối tuần 11-8-2018, lão nông Jean-Claude Terlet (71 tuổi) thức dậy từ sáng sớm đi 70km đến chợ Saint-Quentin (tỉnh Aisne ở Pháp) bán dâu tây như mọi tuần.

Lộ trình loại bỏ glyphosate ở châu Âu - Ảnh 1.

Lão nông Jean-Claude Terlet bán dâu tây tại chợ - Ảnh: JMF

Vào thời điểm đó, tòa án ở San Francisco (Mỹ) vừa tuyên bản án lịch sử buộc Công ty Monsanto phải bồi thường cho người làm vườn Dewayne Johnson 289 triệu USD. 

Đây là lần đầu tiên tòa án ở Mỹ thừa nhận mối liên hệ nhân quả giữa sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup có nguồn gốc glyphosate và bệnh ung thư.

Glyphosate là sản phẩm nguy hiểm. Cách tốt nhất để bảo vệ là không còn tìm thấy chúng trong các cửa hàng

Bộ trưởng Môi trường Bỉ CARLO DI ANTONIO

Hai vụ kiện tiêu biểu ở Pháp

Trường hợp của lão nông Jean-Claude Terlet tương tự như ông Dewayne Johnson ở Mỹ. Trong 40 năm trồng rau quả trong 12.000m² nhà kính, ông đã phun khoảng 750 lít thuốc Roundup do Monsanto sản xuất. 

Đến năm 2016, kết quả chẩn đoán cho thấy ông có bướu trong tuyến tiền liệt. Nước tiểu có tỉ lệ glyphosate cao bất thường, đến 0,25mg glyphosate mỗi lít. Năm sau, ông phải chịu phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt. 

Cha ruột, cha vợ và hai bác của ông cũng chết vì ung thư tuyến tiền liệt. Tất cả họ đều là nông dân.

Tháng 5-2017, ông quyết định gửi đơn đến tòa án ở Lyon kiện Monsanto về hành vi đầu độc bằng thuốc diệt cỏ. Ông đã được chỉ định đến tháng 9-2018 đi giám định để xem căn bệnh ung thư của ông có phải do sử dụng glyphosate hay không. 

Ông nói: "Monsanto bị tuyên án là hoàn toàn đúng đắn. Lúc trước họ cứ giới thiệu glyphosate như một sản phẩm kỳ diệu. Ai cũng mua để xài. Không ai đo lường được hậu quả có thể xảy ra trung hạn và dài hạn. Bây giờ thì hậu quả đã đến". 

Ý thức vụ kiện sẽ kéo dài và tốn kém trong lúc đã cao tuổi, lão nông Terlet vẫn quyết tâm: "Tôi là người rất gan góc, tôi sẽ theo đuổi đến cùng".

Cuối tháng 5-2018, đến lượt vợ chồng bà Sabine và ông Thomas Grataloup ở tỉnh Isère đã kiện Monsanto vì thuốc diệt cỏ Glyper (thuốc generic của Roundup). 

Bà Sabine kể: "Một ngày mùa hè năm 2006, tôi phun thuốc Glyper để diệt cỏ ở bãi tập ngựa cạnh nhà. Sau đó tôi cảm thấy nhức đầu và nhận ra có mùi hóa chất trong miệng. Lúc đó tôi đang mang thai ba, bốn tháng mà không biết".

Giai đoạn này là lúc thực quản và thanh quản của phôi thai hình thành.

Bé trai Théo chào đời vào tháng 5-2007 bị hẹp thực quản và dị tật khí quản. Bốn tháng tuổi bé đã phải chịu phẫu thuật mở khí quản. 

Năm 10 tuổi bé đã trải qua 52 lần phẫu thuật. Suốt đời bé không thể thở bằng mũi, phải tránh dùng thức ăn khô, không thể tắm và nói chuyện với giọng như bị nghẹt. Gia đình Grataloup khẳng định bé Théo đã bị ngộ độc glyphosate trong bụng mẹ.

Trong hồ sơ kiện, bác sĩ điều trị khẳng định glyphosate có liên quan đến hội chứng đa dị tật của bé Théo. 

Monsanto gạt phắt với lời khẳng định: "Glyphosate đã được sử dụng từ hơn 40 năm nay, là một trong những hoạt chất được nghiên cứu nhiều nhất thế giới và không có cơ quan y tế nào đánh giá glyphosate gây độc đối với sinh sản". 

Monsanto đã từng quảng cáo một con chó chôn cục xương rồi moi lên ăn. Con chó vẫn sống nhăn dù cục xương ngấm thuốc Roundup. 

Luật sư của gia đình Grataloup lý giải: "Nhãn trên sản phẩm Glyper không ghi dòng chữ "không được hít". Như vậy Monsanto đã có vi phạm, đặc biệt khi Monsanto đã biết các nguy cơ về thuốc diệt cỏ này".

Lộ trình loại bỏ glyphosate ở châu Âu - Ảnh 3.

Gia đình Grataloup với bé Théo, nạn nhân chất diệt cỏ glyphosate - Ảnh: AFP

Gia hạn và... cấm

Tại Pháp, luật về chuyển đổi năng lượng và vì tăng trưởng xanh năm 2015 đã quy định từ ngày 1-1-2017 cấm các đơn vị tập thể sử dụng glyphosate ở nơi công cộng và từ năm 2019 cấm bán tự do cho cá nhân các loại hóa chất diệt cỏ như Roundup. 

Cuối tháng 11-2017, Tổng thống Emmanuel Macron đã hứa đến năm 2021 sẽ hạn chế sử dụng glyphosate và đến năm 2023 sẽ cấm hẳn. 

Tại Bỉ ngày 25-5-2018, Hội đồng bộ trưởng đã thông qua nghị định cấm cá nhân sử dụng các loại thuốc diệt cỏ không chuyên biệt, trong đó có Roundup.

10 ngày sau khi tòa án ở San Francisco buộc Monsanto bồi thường cho người làm vườn Dewayne Johnson, Đảng Sinh thái châu Âu-Xanh (EELV) ở Pháp đã gửi hai bức thư đến tòa án hành chính ở Lyon, nơi Monsanto đặt hội sở tại Pháp, và tòa án hành chính ở Cergy-Pontoise, nơi đặt hội sở của Công ty nông hóa Nufarm chuyên bán thuốc diệt cỏ có nguồn gốc glyphosate. Thư đề nghị tòa án khẩn cấp ban hành lệnh tạm dừng sử dụng glyphosate.

Trong phạm vi toàn châu Âu, sau hai năm tranh luận về glyphosate, ngày 27-11-2017 Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn thêm năm năm đối với giấy phép cấp cho glyphosate (hết hạn vào cuối năm 2017). 

Trong 28 nước thành viên EU, 18 nước bỏ phiếu đồng ý, 9 nước bỏ phiếu chống và 1 nước bỏ phiếu trắng (Bồ Đào Nha).

Ủy ban châu Âu đưa ra đề xuất gia hạn cho glyphosate dựa theo báo cáo kết luận glyphosate không gây ung thư của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) và Cơ quan Quản lý hóa chất châu Âu (ECHA). 

Song các báo Le Monde (Pháp), The Guardian (Anh) và La Stampa (Ý) tiết lộ EFSA đã lấy tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học ăn lương của Monsanto rồi "cắt - dán" thành hồ sơ thẩm định glyphosate năm 2015. 

Các phần "cắt - dán" liên quan đến những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất về tính độc hại, nguy cơ gây ung thư, nguy cơ tác động đến sinh sản của glyphosate. EFSA cũng đã loại bỏ các nghiên cứu xác định nguy cơ gây bệnh ung thư của glyphosate.

Cuối năm ngoái, sáu bộ trưởng nông nghiệp của Pháp, Bỉ, Hi Lạp, Luxembourg, Slovenia và Malta đã đồng gửi thư cho Ủy ban châu Âu đề nghị có lộ trình loại trừ glyphosate để tìm các chất thay thế. 

Thư cho biết hơn 1 triệu công dân châu Âu đã ký tên vào kiến nghị cấm glyphosate và nghị quyết của nghị viện châu Âu cũng đã yêu cầu đến ngày 15-12-2022 loại bỏ glyphosate.

Người đầu tiên trên thế giới thắng kiện Monsanto

Cách đây 14 năm, nông dân Paul François ở tỉnh Charente (Pháp) hít phải hơi thuốc diệt cỏ Lasso do Monsanto sản xuất trong khi trồng bắp đến mức phải đi cấp cứu. Ông bị hôn mê nhiều tháng, lên cơn động kinh, mất trí nhớ.

Năm 2007, ông quyết định kiện Monsanto. Sau 5 năm tố tụng, tháng 2-2012 tòa tuyên Monsanto phải bồi thường. Đây là lần đầu tiên ở Pháp và trên thế giới, một công dân bình thường kiện thắng Monsanto.

Monsanto kháng cáo. Tháng 9-2015, tòa phúc thẩm ở Lyon tuyên y án sơ thẩm.

Monsanto lại tiếp tục kháng cáo. Dự kiến phiên tòa sẽ mở lại vào đầu năm 2019.

________

Kỳ tới: Khi các bà nội trợ Argentina đi kiện

Chất diệt cỏ glyphosate gây ung thư: 10.000 người Mỹ kiện Monsanto Chất diệt cỏ glyphosate gây ung thư: 10.000 người Mỹ kiện Monsanto

TTO - "Đừng để một công ty đa quốc gia thu lợi bằng sinh mạng người khác và quyết định thay cho mình. Cha và em trai tôi đã chết vì ung thư. Con trai tôi làm việc ở nông trại và đang mắc bệnh về xương", một nông dân ở Mỹ phát biểu.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên