14/12/2024 09:54 GMT+7

Lộ trình của ông Trump với Ukraine

Mặc dù dư luận vẫn cho rằng cam kết của ông Donald Trump về chấm dứt chiến sự ở Ukraine trong 24 giờ rất khó thành hiện thực, nhưng dường như tổng thống Mỹ đắc cử đã âm thầm triển khai kế hoạch này.

Lộ trình của ông Trump với Ukraine - Ảnh 1.

Ông Trump bắt tay ông Zelensky tại buổi lễ mở lại nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày 7-12 - Ảnh: Reuters

Lộ trình vận động của ông Trump có thể phân ra thành bốn giai đoạn: một giai đoạn "tiền trạm" và ba giai đoạn "thực chất" nhằm tập trung phân tách từng vấn đề nan giải trong "bộ ba bất khả thi" về lãnh thổ, an ninh và kinh tế trong chiến sự Ukraine.

Tôi muốn đạt được thỏa thuận và cách duy nhất để đạt được thỏa thuận là không bỏ rơi (Ukraine).

Tạp chí Time ngày 12-12 dẫn lời "Nhân vật của năm 2024" Donald Trump

Các giai đoạn đầu

Giai đoạn "tiền trạm" bao gồm toàn bộ quá trình ông Trump và đội ngũ của ông rò rỉ thông tin thăm dò lập trường các bên ra truyền thông trong quá trình tranh cử tổng thống Mỹ.

Quá trình này được tiến hành từ tháng 4-2024, ngay sau động thái do chính ông Trump đề xuất Ukraine nhân nhượng bán đảo Crimea và tăng cường từ tháng 6-2024 với một trong các phương án không chính thức do đội ngũ của ông tung ra nhằm thăm dò phản ứng của dư luận các bên đối với cả ba vấn đề trụ cột về lãnh thổ, kinh tế và an ninh của Ukraine.

Đội ngũ của ông Trump chốt lại giai đoạn "tiền trạm" bằng sự kiện công bố bản sơ phác về kế hoạch hòa bình đầu tiên được ông J. D. Vance, khi đó là ứng viên phó tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa, vào tháng 9-2024 với chủ trương "đóng băng xung đột" về lãnh thổ, thiết lập các "vùng đệm" phi quân sự do Liên minh châu Âu (EU) đảm bảo an ninh.

Đây là nền tảng quan trọng để nhóm của ông chuyển sang giai đoạn "thực chất" gồm ba giai đoạn tiến hành sau thời điểm ông Trump chính thức trở thành tổng thống đắc cử của Mỹ vào ngày 6-11.

Giai đoạn "thực chất" đầu tiên có trọng tâm tìm kiếm sự dàn xếp tối ưu về lãnh thổ dựa trên phác thảo tháng 9 của ông Vance.

Với lập trường dùng thực trạng thiệt hại về kinh tế để gây sức ép nhân nhượng về lãnh thổ, ông Trump đã trực tiếp truyền tải thông điệp "không cam kết" duy trì viện trợ khi điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 6-11, trong bối cảnh truyền thông liên tục đưa tin về khả năng cầm cự chỉ trong sáu tháng của Ukraine nếu bị cắt giảm nguồn viện trợ trong năm 2025.

Ngay sau đó, ông Trump được cho là đã điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào ngày 10-11 để nhờ ông Scholz truyền tải thông điệp đến Tổng thống Nga Putin vào ngày 15-11 về khả năng duy trì viện trợ cho Ukraine nếu Nga không chịu xuống thang chiến sự.

Động thái hiện thực hóa năng lực tương tác với Nga của đội ngũ ông Trump dường như đã có tác động đáng kể đến lập trường lãnh thổ của Ukraine, khi ông Zelensky bắt đầu thừa nhận muốn kết thúc chiến sự với Nga trong năm 2025 bằng "các biện pháp ngoại giao" vào ngày 16-11.

Sau khi hạ nghị sĩ Mike Waltz - cố vấn an ninh quốc gia dự kiến trong chính quyền Trump sắp tới - ngày 24-11 bổ sung khả năng giúp Ukraine có được thêm sự đảm bảo an ninh từ các đồng minh châu Âu của Mỹ, ông Zelensky đã chính thức chuyển đổi lập trường từ gia nhập NATO cho "toàn bộ lãnh thổ" Ukraine chuyển thành "từng phần lãnh thổ" khi trả lời phỏng vấn Hãng tin Sky News (Anh) vào ngày 29-11.

Tuyên bố ngày 29-11 của phía Ukraine có thể xem là bước ngoặt nền tảng quan trọng giúp cho ông Trump có thể công khai sự ưu tiên đối với "kế hoạch hòa bình" của Keith Kellogg - người được đề cử giữ vai trò đặc phái viên về Ukraine trong chính quyền mới, mở ra giai đoạn tiếp theo tập trung vào các thỏa thuận đảm bảo an ninh cho Ukraine.

"Châu Âu hóa" an ninh của Ukraine?

Chuyển sang giai đoạn "thực chất" thứ hai tập trung vào dàn xếp nhóm đòi hỏi về an ninh, ông Trump có xu hướng chỉ giữ vai trò điều phối và chuyển giao vị trí thực hiện sang cho các đối tác châu Âu của Mỹ trong tháng 12-2024.

Chỉ dấu điển hình cho xu hướng trên chính là cuộc gặp ba bên giữa Tổng thống Macron, Tổng thống Zelensky và Tổng thống đắc cử Trump tại thủ đô Paris vào ngày 7-12. Cuộc gặp này được cho là "điểm hội tụ" của một thỏa thuận đảm bảo an ninh phù hợp với đề xuất ở cả ba phía Ukraine, Mỹ và EU.

Lập trường ngày 29-11 của ông Zelensky khẳng định rằng Ukraine cần đảm bảo an ninh từ NATO, nghĩa là tính cả sự đảm bảo an ninh ban đầu từ các thành viên châu Âu đơn lẻ của NATO chứ không bắt buộc phải từ toàn thể khối NATO.

Điều này lại tương xứng với chiến thuật "châu Âu hóa" an ninh Ukraine của ông Trump khi đề xuất EU phải cử lực lượng đến giám sát đình chiến tại các khu vực phi quân sự dọc chiến tuyến giữa Ukraine và Nga.

Về phần mình, các thành viên EU của NATO đang bàn bạc về sự thành lập một "lực lượng gìn giữ hòa bình" hoặc giám sát ngừng bắn cụ thể và sẽ không phải tính là hoạt động của NATO ở Ukraine.

Thực tế này càng thuận lợi hơn khi Ngoại trưởng Nga Lavrov vào ngày 6-12 đã "cụ thể hóa" điều kiện an ninh tiên quyết của Nga bao gồm: không thiết lập căn cứ quân sự của nước ngoài cũng như không tổ chức bất kỳ cuộc tập trận quân sự nào với NATO ở Ukraine, nghĩa là "để ngỏ" cho khả năng các lực lượng EU xuất hiện với vai trò lực lượng giám sát đình chiến.

Không chỉ vậy, cũng trong tháng 12 này, ông Trump xác nhận đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Ukraine. Phía Trung Quốc cũng đang tiếp Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev vào ngày 12-12 nhằm vận động ba nguyên tắc "giảm leo thang chiến sự" và hạ nhiệt tình hình ở Ukraine.

Do đó với sự tham gia của "nước cờ châu Âu", nghị trình hòa bình Ukraine của ông Trump đang có những bước tiến đáng kể đến giai đoạn thứ ba nhằm đảm bảo các dàn xếp về an ninh được tất cả các bên cân nhắc.

Trong viễn cảnh lạc quan nhất, kế hoạch hòa bình này sẽ tiến đến giai đoạn thứ tư nhằm tập trung xử lý các đòi hỏi về kinh tế - vấn đề dễ đạt được đồng thuận nhất giữa các bên, khiến cho khả năng diễn ra "cú hích 24 giờ" vào tháng 1-2025 như cam kết của ông Trump trở nên đáng kỳ vọng.

Lộ trình của ông Trump với Ukraine - Ảnh 2.Ông Trump sẽ không kích để ngăn Iran phát triển hạt nhân?

Đội ngũ của ông Trump đang xem xét các biện pháp quân sự nhằm ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, bao gồm việc thực hiện các cuộc không kích.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên