Theo đánh giá từ tờ Wall Street Journal (WSJ), việc dùng biện pháp quân sự là bước đi khác biệt so với chính sách lâu nay của Mỹ, vốn dựa vào ngoại giao và các biện pháp trừng phạt kinh tế để kiềm chế Tehran.
Các lựa chọn được cân nhắc
Nhóm cố vấn của ông Trump đang cân nhắc hai phương án chính để đối phó với Iran.
Đầu tiên là gia tăng áp lực quân sự bằng cách tăng cường hiện diện của lực lượng Mỹ tại Trung Đông, cung cấp thêm vũ khí hiện đại cho Israel như bom phá hầm nhằm vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân của Iran.
Phương án thứ hai là răn đe bằng biện pháp quân sự, kết hợp với các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc, để buộc Tehran phải tìm kiếm giải pháp ngoại giao.
Theo tờ WSJ, đây là chiến lược từng được áp dụng với Triều Tiên trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Tuy nhiên, kết quả đạt được không bền vững khi các cuộc đàm phán ngoại giao với Bình Nhưỡng sau đó bị đình trệ.
Áp lực đối với Iran
Các cố vấn của ông Trump nhận định, vị thế khu vực của Iran đã suy yếu do sự sụp đổ của đồng minh là cựu tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, cũng như các lực lượng như Hezbollah và Hamas chịu tổn thất lớn do chiến sự.
Thêm vào đó, các báo cáo mới đây về việc Iran tăng cường làm giàu uranium đã thúc đẩy các cuộc thảo luận ở các nước phương Tây.
Iran hiện có lượng uranium làm giàu ở cấp độ đủ để sản xuất ít nhất 4 quả bom hạt nhân. Theo các chuyên gia, Tehran chỉ cần vài ngày để chuyển đổi lượng uranium này thành nhiên liệu hạt nhân cấp độ vũ khí.
Mặc dù vậy, ông Trump được cho là vẫn muốn tránh nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến mới ở Trung Đông, đặc biệt khi các cuộc không kích vào cơ sở hạt nhân của Iran có thể đẩy Washington và Tehran vào thế đối đầu trực tiếp.
Tờ WSJ cho biết thêm đội ngũ của ông Trump còn cân nhắc khả năng hỗ trợ Israel tiến hành không kích các cơ sở hạt nhân trọng yếu của Iran. Tuy nhiên, giới chức Israel cho rằng việc tấn công các cơ sở này một cách độc lập sẽ gặp nhiều thách thức, nhất là khi nhiều cơ sở được xây dựng sâu dưới lòng đất.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bày tỏ đồng quan điểm với ông Trump về mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Iran. Ông cho rằng giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông Trump là cơ hội hiếm có để đối phó với Iran khi chế độ này đang ở thế yếu.
Thách thức ngoại giao
Bên cạnh các biện pháp quân sự, đội ngũ của ông Trump cũng xem xét tái áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt hơn.
Tuy nhiên, Tehran tuyên bố họ sẽ không đàm phán dưới áp lực và sẵn sàng trả đũa mạnh mẽ nếu bị tấn công.
Chính quyền của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã tỏ ý sẵn sàng giảm căng thẳng và đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lo ngại rằng cách tiếp cận ngoại giao có thể thất bại, giống như các nỗ lực trước đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận