Trực thăng tấn công của Trung Quốc diễn tập chung với tàu đổ bộ lớp Type 071 - Ảnh chụp màn hình Chinamil
"Nếu đặt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ở Biển Đông gia tăng nhanh chóng trong thời gian vừa qua, tần suất tổ chức tập trận liên tục của Trung Quốc như chúng ta thấy rất đáng lo ngại", thạc sĩ Nguyễn Thế Phương thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS, Trường đại học Khoa học xã hội & nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) đặt vấn đề.
Trung Quốc sẽ tiến hành thêm hai cuộc tập trận nữa bắt đầu vào ngày mai 24-8 và kéo dài tới ngày 29-8. Vị trí hai cuộc tập trận này tạo thành thế gọng kìm quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan nắm giữ.
Hồi đầu tháng 8, Trung Quốc cũng tiến hành tập trận quy mô lớn trong vịnh Bắc Bộ với các khoa mục đổ bộ chiếm đảo. Máy bay ném bom chiến lược H-6J cũng được huy động thực hiện các bài tập tấn công tầm gần và tầm xa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Thế Phương nhận định đối tượng mà Trung Quốc muốn hướng tới thông qua các cuộc tập trận này chủ yếu là Mỹ và Đài Loan, tiếp theo là các nước có liên quan tới tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
"Thông điệp là: trong bối cảnh căng thẳng và đại dịch hiện nay, Trung Quốc có đủ sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu cần thiết để chống lại bất kỳ sức ép hay hành động gây hấn nào", nghiên cứu viên của SCIS nhận định.
Diễn tập đổ bộ tấn công trên tàu đổ bộ Type 071 của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình Chinamil
Theo ThS Thế Phương, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung-Đài vẫn đang cao, các động thái và phát ngôn gần đây của Đài Loan, chẳng hạn hợp đồng mua 66 tiêm kích F-16 từ Mỹ, dường như đã khiến Trung Quốc "nóng mặt" và nhận thấy cần phải gây sức ép.
"Các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh và áp dụng chiến tranh tâm lý nhắm vào công chúng tại Đài Loan. Tập trận là một phần trong nỗ lực đó bên cạnh các động thái như triển khai máy bay chiến đấu đe dọa không phận Đài Loan.
Trung Quốc đang cố gắng mô phỏng các chiến dịch chiếm Đài Loan và đảo Đông Sa, một hòn đảo chiến lược quan trọng do Đài Loan kiểm soát. Điều này gây áp lực lớn cho Đài Loan và thu hút sự chú ý từ Mỹ cũng như các nước khác có liên quan", ThS Thế Phương lập luận.
Tên lửa chống hạm của Đài Loan khai hỏa trong một video phô diễn sức mạnh quân sự của Đài Bắc - Ảnh chụp màn hình
Về cuộc tập trận phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 24-8, ông Thế Phương cho rằng cần đặt nó trong một chuỗi các cuộc tập trận của Trung Quốc trước đó.
Kể từ đầu tháng 8, Trung Quốc tiến hành tập trận liên tục ở Chiết Giang, Quảng Đông và khu vực bắc Biển Đông (trong đó có Hoàng Sa). Các khoa mục tập trung vào các hoạt động tác chiến đổ bộ và phối hợp quân binh chủng tác chiến biển.
"Cần lưu ý một thực tế là đa phần các cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch trước trong một khoảng thời gian dài, có một số cuộc tập trận mang tính thường niên. Phản ứng của các quốc gia không nên mang tính thái quá", chuyên gia Thế Phương nêu quan điểm.
Nhiều loại vũ khí xuất hiện
Chuyên gia Thế Phương lưu ý thông qua các cuộc tập trận gần đây, Trung Quốc đã phô diễn một số các loại vũ khí quan trọng như máy bay H-6J, hay thiết giáp tấn công đổ bộ Type 05 với thiết kế khá độc đáo.
"Đài truyền hình trung ương Trung Quốc mới đây còn đưa ra những hình ảnh về một loại tên lửa không đối đất mới, có khả năng mang tới 6 loại đạn khác nhau. Một số tin đồn về việc Trung Quốc sẽ chế tạo máy bay J-20 phiên bản hai chỗ ngồi cũng xuất hiện.
Loại máy bay này được cho là sẽ đóng vai trò như một trung tâm chỉ huy và kiểm soát các loại máy bay không người lái, thậm chí là trung tâm chỉ thị mục tiêu cho các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa đối hải siêu thanh của Trung Quốc", ông Thế Phương thông tin thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận