10/01/2020 06:21 GMT+7

Liên quân ở Iraq: Ai còn ở lại và ai rút đi?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Các đối tác của Washington trong liên quân chống IS ở Iraq đang loay hoay như gà mắc tóc. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran, cuộc chiến chống khủng bố IS tạm ngừng, các lực lượng mạnh ai nấy lo.

Liên quân ở Iraq: Ai còn ở lại và ai rút đi? - Ảnh 1.

Đức vẫn để lại 90 binh sĩ tiếp tục huấn luyện cho lực lượng người Kurd trong khu tự trị Kurdistan - Ảnh: AFP

Mỹ không thông báo trước vụ không kích ám sát tướng Iran Qasem Soleimani cho Pháp, Đức hay thậm chí với các nước mạng lưới Five Eyes (Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và Anh) hoặc trao đổi tin tình báo gì mặc dù các nước này tham gia liên quân chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ năm 2014 với Mỹ. Do đó, mỗi nước trong liên quân tự đưa ra quyết định.

NATO, Đức, Canada rút một bộ phận

Hôm 6-1-2020, sau khi cam kết tiếp tục hợp tác với Iraq đấu tranh chống IS, Đức quyết định điều chuyển 1/4 quân số lực lượng Đức ở Iraq gồm 35 binh sĩ đóng ở Baghdad và Taji (cách Baghdad gần 30km) đến căn cứ không quân Đức ở Jordan và Kuwait.

Ông Hans-Peter Bartels, ủy viên Quốc hội Đức phụ trách quân đội giải thích: "Chúng tôi mong muốn giúp đỡ Chính phủ Iraq nhưng chúng tôi không thể để lực lượng chúng tôi mạo hiểm cho đến khi tình hình rõ ràng hơn".

Dù vậy, Đức vẫn để lại 90 binh sĩ tiếp tục làm nhiệm vụ huấn luyện trong khu tự trị Kurdistan của người Kurd ở miền bắc Iraq.

Canada thông báo tạm rút một bộ phận trong 500 binh sĩ ở Iraq sang nước láng giềng Kuwait. Lực lượng này trước đó tham gia công tác huấn luyện của NATO ở Iraq.

Lực lượng NATO tham gia liên quân chống IS gồm hàng trăm nhân viên dân sự và quân sự đến từ các nước thành viên NATO. Lực lượng này cũng thông báo tạm rút người khỏi Iraq.

Một số nước khác đưa số ít quân sang Iraq cũng quyết định rút đi. Ví dụ như Romania đã quyết định điều chuyển 14 binh sĩ sang nơi khác.

Liên quân ở Iraq: Ai còn ở lại và ai rút đi? - Ảnh 2.

Các binh sĩ Anh chống IS ở Iraq - Ảnh: AFP

Anh, Pháp, Ý vẫn ở lại

Theo Đài France Info (Pháp), hôm 7-1 Pháp thông báo không có ý định rút binh lính khỏi Iraq mà chỉ tăng cường củng cố an ninh.

Pháp là thành viên đặc biệt tích cực trong liên quân với lực lượng không quân tham chiến đáng kể (hàng chục máy bay Rafale) và hải quân (4 lần triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle trong vòng 4 năm) thông qua chiến dịch Chammal.

Sau khi chiến sự ở Mosul kết thúc năm 2017, 160 binh sĩ Pháp tham gia công tác huấn luyện cho quân đội Iraq với hai nhiệm vụ quan trọng: huấn luyện cho sư đoàn 6 Iraq về chiến tranh đô thị và huấn luyện cho lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố Iraq thu thập thông tin về mìn tự tạo để phát hiện các toán khủng bố.

Hiện thời hoạt động huấn luyện của lực lượng Pháp tạm dừng cho đến khi có lệnh mới. Các binh sĩ còn lại làm việc tại văn phòng bộ chỉ huy liên quân trong Vùng Xanh ở Baghdad.

Ý vẫn duy trì 600 binh sĩ ở Iraq, trong đó có một đội đặc nhiệm.

Khoảng 450 binh sĩ Ý huấn luyện cho các chiến binh người Kurd ở Irbil (thủ phủ khu tự trị Kurdistan). 50 binh sĩ Ý đồn trú trong một căn cứ quân sự Mỹ ở Baghdad được chuyển đến khu vực an toàn hơn vào đầu tuần này, một ngày sau cái chết của tướng Soleimani.

Anh quyết định không rút 400 binh sĩ khỏi Iraq. Các binh sĩ Anh làm nhiệm vụ huấn luyện và cung cấp trang thiết bị cho lực lượng an ninh Iraq. Để đề phòng, 50 binh sĩ đã được chuyển ra ngoài Baghdad.

Liên quân ở Iraq: Ai còn ở lại và ai rút đi? - Ảnh 3.

Liên quân chống IS ra đời năm 2014, trong đó lực lượng Mỹ giữ vai trò chủ chốt - Ảnh: AFP

Tạm dừng cuộc chiến chống IS

Trong tình hình căng thẳng Mỹ - Iran hiện nay, lực lượng Mỹ ở Iraq ưu tiên tăng cường bảo vệ vị trí đóng quân trước đã và tạm ngưng cuộc chiến chống IS.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly kêu gọi: "Ưu tiên hiện thời cũng như hôm qua và sắp tới của Pháp là tiếp tục chiến đấu chống IS, không để chúng trỗi dậy trở lại và tuyên truyền trên Internet". Bà đề nghị liên quân chống IS nên tiếp tục sứ mệnh.

Ủy viên Quốc hội Đức Hans-Peter Bartels cảnh báo: "Nếu liên quân rời khỏi Iraq, Iraq sẽ phải một thân một mình chống IS".

Báo Les Echos (Pháp) nhận định một khi tạm dừng hoạt động chống IS, chắc chắn liên quân sẽ không còn kiểm soát địa bàn trong khi vẫn còn nhiều tay súng IS nằm vùng sẵn sàng quấy rối trở lại nếu để cho quân đội Iraq đơn phương chống IS.

Vì sao liên quân hiện diện ở Iraq?

Năm 2014, IS đánh chiếm 1/3 lãnh thổ Iraq và nhiều vùng rộng lớn ở Syria. Iraq đã gửi thư cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu giúp đỡ.

Theo yêu cầu của Iraq, liên minh quốc tế chống IS ở Iraq và Syria được thành lập trong khuôn khổ chiến dịch Inherent Resolve và do Mỹ đứng đầu.

Liên quân gồm các lực lượng của 76 quốc gia với quân số hàng ngàn binh sĩ và cố vấn giúp huấn luyện quân đội Iraq. Lực lượng Mỹ đóng vai trò chủ chốt với 5.200 quân.

Iran nói tôn trọng chủ quyền Iraq sau vụ bắn tên lửa Iran nói tôn trọng chủ quyền Iraq sau vụ bắn tên lửa

TTO - Iran dường như chuẩn bị rất kỹ cho đòn báo thù Mỹ, từ lựa chọn mục tiêu và hạn chế thương vong đến cả vấn đề pháp lý, cho rằng đây là một hành động tự vệ thích đáng.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên