10/01/2020 07:47 GMT+7

Liên minh dân quân Hashd al-Shaabi: Từ cướp đường thành thế lực chính trị

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Cuối năm 2019, lực lượng Hashd al-Shaabi đã kêu gọi tấn công đại sứ quán Mỹ, từ đó dẫn đến vụ Mỹ ám sát tướng Soleimani. Hashd al-Shaabi sẽ trở nên nguy hiểm nếu xung đột Mỹ - Iran bùng nổ.

Liên minh dân quân Hashd al-Shaabi: Từ cướp đường thành thế lực chính trị - Ảnh 1.

Chiến binh lực lượng dân quân Hashd Al-Shaabi chiến đấu chống IS - Ảnh: AFP

Nhà sử học Pierre-Jean Luizard - giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) - giải thích tóm tắt: "Lực lượng Hashd al-Shaabi tập hợp toàn bộ các nhóm dân quân dòng Shiite ở Iraq. Tương tự Hezbollah ở Lebanon, Hashd al-Shaabi hoạt động như một quốc gia trong một quốc gia. Họ được Vệ binh cách mạng Iran trang bị vũ khí, tài trợ và huấn luyện".

Thành lập để đánh IS

Ngày 13-6-2014, tại Najaf cách Baghdad 160km, ba ngày sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm Mosul ở miền bắc Iraq, đại giáo chủ Ali al-Sistani - lãnh tụ tối cao dòng Hồi giáo Shiite ở Iraq - đã kêu gọi thánh chiến chống IS.

Hàng ngàn người tình nguyện tham gia các lực lượng bán quân sự. Hashd al-Shaabi (tiếng Ả Rập có nghĩa là "Các đơn vị động viên nhân dân") ra đời.

Theo báo Le Monde (Pháp), nhiều người tình nguyện đã từng tham gia đánh quân đội Mỹ chiếm đóng trong những năm 2000, sau đó tham gia nội chiến giữa các nhóm Shiite với các nhóm Sunni.

Lúc đó nhiều người dân Iraq vẫn xem thành phần này như "thảo khấu" chuyên đi gây rối. Sau khi gia nhập lực lượng Hashd al-Shaabi, họ đã chính danh trở thành chiến binh chiến đấu chống IS .

Với sự giám sát chặt chẽ của các cố vấn chính trị và quân sự Iran được điều ra mặt trận, lực lượng Hashd al-Shaabi dần dần mở rộng ảnh hưởng.

Liên minh dân quân Hashd al-Shaabi: Từ cướp đường thành thế lực chính trị - Ảnh 2.

Tháng 11-2016, các tay súng dòng Shiite trong lực lượng Hashd al-Shaabi tham gia tái chiếm Mosul đang bị IS kiểm soát - Ảnh: AFP

60-70 nhóm với hàng trăm ngàn quân

Đứng đầu lực lượng Hashd al-Shaabi là Falih al-Fayyadh, cố vấn an ninh quốc gia Iraq. Tuy nhiên, nhân vật số hai - chỉ huy phó phụ trách quân sự Abu Mahdi al-Muhandis (chỉ huy nhóm dân quân Kataeb Hezbollah) - mới thực sự là người lãnh đạo vì là người thân cận với Iran.

Abu Mahdi al-Muhandis đã bị máy bay Mỹ ám sát cùng với tướng Iran Qasem Soleimani hôm 3-1-2020 tại Baghdad. Hashd al-Shaabi đã kêu gọi báo thù.

Tính đến cuối năm 2017, Quốc hội Iraq khẳng định quân số lực lượng Hashd al-Shaabi vào khoảng 110.000 tay súng.

Hashd al-Shaabi gồm từ 60-70 nhóm dân quân. Đa số thuộc dòng Shiite, phần còn lại là các dòng Hồi giáo khác và cả Thiên Chúa giáo.

Hashd al-Shaabi được Iran trang bị vũ khí và tài trợ. Lực lượng này được chia thành nhiều lữ đoàn. Một số nhóm lớn như Tổ chức Badr (dòng Shiite) có mặt trong nhiều lữ đoàn.

Chính phủ của Thủ tướng Haider al-Abadi (2014-2018) muốn phi chính trị hóa các nhóm dân quân bằng cách sáp nhập các nhóm này vào lực lượng vệ binh quốc gia nhưng vào tháng 7-2015, Quốc hội Iraq không thông qua kế hoạch này.

Đến cuối tháng 11-2016, Quốc hội thông qua đạo luật công nhận liên minh dân quân Hashd al-Shaabi là thành phần của quân đội Iraq, đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của thủ tướng. Tuy nhiên, quy chế chỉ đạo này chỉ mang tính chất lý thuyết.

Liên minh dân quân Hashd al-Shaabi: Từ cướp đường thành thế lực chính trị - Ảnh 3.

Lữ đoàn 13 thuộc lực lượng Hashd al-Shaabi với tấm panô đại giáo chủ Ali al-Sistani trong lễ tốt nghiệp cuối tháng 8-2019 - Ảnh: AFP

Mục tiêu thành lập chính phủ Shiite ở Iraq

Ngày 15-12-2017, đại giáo chủ Ali al-Sistani đã kêu gọi giải thể liên minh dân quân Hashd al-Shaabi và chuyển các tay súng lực lượng này vào bộ máy an ninh nhà nước.

Hầu hết các nhóm dân quân Shiite đều thân Iran, cùng nhắm đến mục tiêu thành lập một chính phủ Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq dựa theo chế độ chính trị thần quyền Velayat-e faqih do lãnh đạo tối cao Ali Khomeini ở Iran chủ xướng.

Trong khi đó, trong Hashd al-Shaabi có sáu nhóm dòng Shiite thân cận với đại giáo chủ Ali al-Sistani kiên quyết bác bỏ giáo luật Velayat-e faqih.

Năm 2018, sau khi IS bại trận, liên minh dân quân Hashd al-Shaabi muốn giữ vai trò chính trị ở Iraq. Do dân quân không thể giới thiệu ứng cử viên nên một số nhà lãnh đạo dân quân từ chức để tham gia bầu cử. Họ thành lập một liên minh mới tên là "Liên minh Fatah".

Hiện nay, lực lượng Hashd al-Shaabi đang bị chia rẽ bởi nhiều nhóm gồm nhóm ủng hộ Khomeini, nhóm ủng hộ Sistani và nhóm ủng hộ nhà chính trị Muqtada al-Sadr.

Một số tay súng lực lượng Hashd al-Shaabi bị cáo buộc phạm nhiều tội ác chiến tranh trong nội chiến Iraq lần thứ hai (2013-2017) như thảm sát, bắt cóc, giết người, thủ tiêu, tống tiền, hiếp dâm, cướp bóc đối với người dân dòng Sunni trong các khu vực bị IS chiếm đóng.

Liên minh dân quân Hashd al-Shaabi: Từ cướp đường thành thế lực chính trị - Ảnh 4.

Lực lượng Hashd al-Shaabi đã hô hào tấn công đại sứ quán Mỹ ở Baghdad vào cuối năm 2019 - Ảnh: REUTERS

Có thực nước Mỹ không còn cần dầu Trung Đông như ông Trump nói? Có thực nước Mỹ không còn cần dầu Trung Đông như ông Trump nói?

TTO - Ngày 8-1 Tổng thốngTrump tuyên bố nước Mỹ giờ không còn lệ thuộc vào dầu mỏ của Trung Đông nữa, nhưng nhiều chuyên gia phân tích cho rằng mọi việc không đơn giản như vậy.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên