09/01/2020 13:59 GMT+7

Có thực nước Mỹ không còn cần dầu Trung Đông như ông Trump nói?

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Ngày 8-1 Tổng thốngTrump tuyên bố nước Mỹ giờ không còn lệ thuộc vào dầu mỏ của Trung Đông nữa, nhưng nhiều chuyên gia phân tích cho rằng mọi việc không đơn giản như vậy.

Có thực nước Mỹ không còn cần dầu Trung Đông như ông Trump nói? - Ảnh 1.

Ảnh (minh họa): REUTERS

Theo đài CNN, ngày 8-1, khi bình luận về vấn đề giá dầu và mối liên hệ với những căng thẳng quan hệ Mỹ - Iran, ông Trump nói: "Chúng ta đã độc lập, và chúng ta không còn cần dầu của Trung Đông nữa".

Mặc dù đúng là hiện nay sản lượng khai thác dầu của Mỹ giờ đã vượt qua cả Saudi Arabia và Nga, song đài CNN dẫn phân tích của các chuyên gia cho thấy thực sự Mỹ chưa thể rời bỏ nguồn nhiên liệu này, cũng như chưa thể "độc lập" trong quan hệ với Trung Đông.

"Dầu đá phiến không phải siêu nhân"

Sự thật, Mỹ hiện đang là nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Kể từ năm 2011, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gấp đôi, đạt gần 13 triệu thùng mỗi ngày và xuất đi khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày.

Theo những số liệu thống kê mới nhất từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, trong tháng 10-2019, lượng nhập khẩu dầu ròng của Mỹ chỉ là 2,9 triệu thùng mỗi ngày, giảm đáng kể so với mức 8,7 triệu thùng của một thập kỷ trước đó.

Sự bùng nổ của ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến (shale oil) của Mỹ bắt đầu trong thập kỷ qua đã giảm bớt đáng kể áp lực phụ thuộc của Mỹ vào dầu nhập từ nước ngoài, đặc biệt giúp Washington xóa hẳn nỗi ám ảnh tái diễn lệnh cấm vận dầu của Ả Rập vào những năm 1970 từng khiến nền kinh tế Mỹ tê liệt.

Cũng bởi sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ mà những biến cố gây trục trặc, đứt đoạn nguồn cung dầu mỏ gần đây cũng đã không gây ảnh hưởng nghiêm trọng cũng như kéo dài với giá dầu.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ vẫn còn phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông, cụ thể là dầu của Saudi Arabia.

"Chúng ta không bị bao vây nữa. Nhưng dầu đá phiến không phải siêu nhân", bà Helima Croft, người phụ trách chiến lược hàng hóa toàn cầu tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets (Canada), nhận xét.

Giới chuyên gia cho rằng cần phải nhớ một điều dầu là loại hàng hóa được giao dịch toàn cầu. Điều này có nghĩa khi xảy ra việc mất nguồn cung ở nơi này thì có thể đẩy giá dầu ở nơi khác, ví như ở Mỹ.

Chẳng hạn hiện tại, các nhà đầu tư luôn thận trọng trước mọi biến cố có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu tại eo biển Hormuz, vị trí án ngữ ở Trung Đông mà mọi thùng dầu được xuất đi từ khu vực Vịnh Ba Tư đều phải qua trước khi đến được với khách hàng trên toàn thế giới.

"Sự thật là bất cứ sự gián đoạn nguồn cung dầu nào, dù ở đâu, cũng sẽ đẩy giá dầu lên khắp nơi, trong đó có Mỹ", ông Bob McNally, chủ tịch hãng tư vấn Rapidan Energy Group của Mỹ, nhận định.

Trong tháng 9 năm ngoái, khi xảy ra vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, giá dầu thô đã tăng vọt 15%, mức tăng cao nhất trong một thập kỷ. Khi đó, ông Trump đã cam kết sử dụng dầu từ nguồn dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ để đảm bảo "các thị trường có đủ nguồn cung".

"Nếu chúng ta không cần dầu từ Trung Đông, vậy hà cớ gì tổng thống cảm thấy buộc phải trấn an thế giới, ngay trước khi thị trường mở cửa lại, rằng chúng ta đã sẵn sàng sử dụng nguồn dầu dự phòng", ông McNally, cựu cố vấn năng lượng dưới thời Tổng thống George W. Bush, bình luận.

Mỹ vẫn rất cần Saudi Arabia

Tài xoay xở của Saudi Arabia trong việc khôi phục sản lượng dầu nhanh chóng sau khi bị tấn công năm ngoái cũng là yếu tố quan trọng khiến giá dầu mau chóng bình ổn trở lại.

Và cũng bởi khoảng thời gian bị gián đoạn nguồn cung khá chóng vánh nên phần nào đã thay đổi cảm nhận của người Mỹ về sự lệ thuộc vào OPEC trong bối cảnh hiện nay.

Bà Helima Croft cho rằng: "Nếu Saudi Arabia đứng ngoài thị trường dầu mỏ, chúng ta sẽ có đánh giá khác về sự lệ thuộc lẫn nhau giữa chúng ta (nước Mỹ - PV) và khu vực Trung Đông".

Một luận điểm quan trọng khác nữa theo các chuyên gia là Mỹ không có khả năng ngay lập tức tăng vọt sản lượng dầu khai thác trong tình huống đột ngột thiếu nguồn cung. Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ cần nhiều tháng, chưa kể phải chịu sức ép tăng giá nếu muốn tăng sản lượng ngay lập tức.

"Nếu xảy ra thiếu hụt nguồn cung, các nhà sản xuất dầu đá phiến không thể búng nhẹ như bật công tắc điện", bà Croft bình luận.

Trong khi đó, chỉ Saudi Arabia có đủ năng lực cần thiết để nhanh chóng phản ứng với tình huống đó. Đây cũng là lý do năm 2018 ông Trump đề nghị Saudi Arabia tăng thêm lượng dầu mỏ khai thác để thay thế sự thiếu hụt nguồn cung vì các lệnh trừng phạt áp lên Iran.

"Nếu anh có khả năng đứng một mình, anh không cần phải nhờ vả Saudi tăng thêm lượng dầu", bà Croft nhận xét.

Hiện tại, hầu hết dầu nhập khẩu của Mỹ đến từ Canada và Mexico. Tuy nhiên, Saudi Arabia và Iraq lần lượt là các nguồn cung dầu lớn thứ 3 và thứ 4 của nước này.

Mỹ nhập khẩu trung bình 906.000 thùng dầu mỗi ngày từ Vịnh Ba Tư trong suốt 10 tháng đầu năm 2019, trong khi năm 2018 con số này là 1,5 triệu thùng.

"Việc sản xuất của Mỹ đã làm thay đổi tình thế. Chúng ta không thể phớt lờ điều đó. Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng chúng ta sẽ không cảm thấy các ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng nếu gặp phải các tình huống cắt nguồn cung kéo dài, lớn tại Trung Đông là điều không chính xác", bà Croft kết luận.

Bàn cờ thế Trung Đông sang trang mới Bàn cờ thế Trung Đông sang trang mới

TTO - Trong một động thái bất ngờ, đậm tính cách cá nhân, Tổng thống Trump đã quyết định ra lệnh tấn công hạ sát tướng Soleimani của Iran, gây sốc ngay chính các lãnh đạo quân sự và đồng minh của Mỹ, đẩy bàn cờ thế Trung Đông sang một cục diện mới.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên