06/12/2022 16:18 GMT+7

Lệnh trừng phạt không tàn phá nước Nga như phương Tây hy vọng

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Từ tài chính tới năng lượng, các đòn trừng phạt được phương Tây đưa ra liên tục nhắm vào nhiều lĩnh vực của Nga những tháng qua sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Nhưng báo New York Times cho rằng hiệu quả chưa cao.

Lệnh trừng phạt không tàn phá nước Nga như phương Tây hy vọng - Ảnh 1.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp các biện pháp trừng phạt đối với hàng trăm quan chức chính phủ và các nhân vật thuộc giới tinh hoa Nga. Trong số những người bị áp đặt trừng phạt có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov - Ảnh: FINANCIAL TIMES

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga để phản ứng với chiến dịch quân sự của Matxcơva ở Ukraine là nặng nề nhất trong lịch sử. Những biện pháp trừng phạt kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng chưa từng được áp dụng với quốc gia nào như vậy.

Tính đến cuối tháng 10-2022, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Chính phủ Mỹ đã đưa ra khoảng 1.500 danh sách trừng phạt mới và 750 danh sách trừng phạt sửa đổi kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24-2. Ít nhất 37 quốc gia đã tham gia liên minh trừng phạt Nga.

Theo báo New York Times, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang tác động tới Nga theo 5 cách gồm tài chính, thương mại, công nghệ, năng lượng và giới tinh hoa Nga.

Chẳng hạn về tài chính, Bộ Tài chính Mỹ đang thực thi các biện pháp trừng phạt với các ngân hàng lớn nhất của Nga. Điều đó có nghĩa các ngân hàng này không được thực hiện các giao dịch với các ngân hàng và công ty trên khắp thế giới nào muốn tránh bị Chính phủ Mỹ trừng phạt.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin Chính phủ Mỹ và các nước đối tác đã đóng băng số tài sản trị giá 300 tỉ USD của Ngân hàng Trung ương Nga được cất giữ tại các ngân hàng trên khắp thế giới, từ đó hạn chế "khả năng tài trợ cho cuộc chiến".

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nền kinh tế Nga sẽ chứng kiến mức giảm 4,5% trong năm nay, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán mức giảm 3,4%. Suy thoái dự kiến tiếp tục trong năm tới. Hiện nay Nga đang vật lộn với tình trạng nhập khẩu giảm mạnh và thu nhập thực tế giảm.

Tuy nhiên, báo New York Times nhận định các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã không thể tàn phá nước Nga như các quan chức phương Tây hy vọng. Xương sống của nền kinh tế Nga - xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt - nhìn chung vẫn còn nguyên vẹn.

Giá dầu toàn cầu tăng sau khi chiến tranh nổ ra và Nga đã trên đà kiếm được nhiều tiền hơn trong năm nay từ việc bán dầu so với năm 2021, bất chấp phương Tây tìm nhiều cách cản trở. Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số các quốc gia đã tăng nhập khẩu dầu từ Nga.

Nền kinh tế Nga có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong những tháng tới do các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây nhắm vào năng lượng Nga (mới nhất là Liên minh châu Âu, nhóm G7 và Úc áp giá trần 60 USD/thùng lên dầu mỏ Nga xuất khẩu bằng đường biển) và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ quan trọng.

Tuy nhiên, các quan chức Nga đang nắm trong tay những dữ liệu kinh tế quan trọng, khiến các bên khác khó đánh giá tác động thực sự của các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu mà phương Tây áp dụng.

Năm 2021, Nga có quy mô kinh tế lên tới 1.770 tỉ USD, đứng thứ 11 thế giới.

Ông Medvedev: châu Âu sẽ đóng băng vì dám đối đầu Ông Medvedev: châu Âu sẽ đóng băng vì dám đối đầu 'gấu Nga' và 'tướng quân mùa đông'

TTO - Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo châu Âu sẽ phải trả giá vì dám tham gia vào một cuộc đối đầu không cân sức với "gấu Nga" và "tướng quân mùa đông", ám chỉ các lợi thế về thời tiết và dầu khí mà Nga đang có.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên