23/10/2020 18:08 GMT+7

Lao động di cư Việt Nam đang chịu mức phí cao nhất?

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nói thấy câu hỏi kỳ họp trước ông đã đặt ra "phải chăng việc tồn tại nhiều loại chi phí như trên làm cho lao động di cư Việt Nam đang chịu mức phí cao nhất?" chưa được trả lời thỏa đáng.

Lao động di cư Việt Nam đang chịu mức phí cao nhất? - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) - Ảnh: Quochoi.vn

Câu hỏi được ông Nhân nhắc lại tại buổi thảo luận về dự thảo Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) chiều 23-10.

Chi phí chồng chi phí?

Ông Nhân nói đến bất cập về một loạt chi phí người lao động có thể phải đóng được quy định trong dự thảo luật như tiền dịch vụ, Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước, tiền ký quỹ...

Một trong những mục đích của tiền dịch vụ được quy định tại Điều 24 được giải trình nhằm "hỗ trợ người lao động trong quá trình làm việc ở nước ngoài, trong tình huống xảy ra rủi ro, phát sinh...". 

"Giải trình như trên liệu có thỏa đáng khi tiền dịch vụ do bản thân người lao động đóng và khi xảy ra rủi ro, phát sinh thì quay ngược lại hỗ trợ cho chính người lao động?", ông Nhân cho rằng việc lấy tiền của người lao động để giải quyết rủi ro của chính họ không phải là hành động hỗ trợ.

Mặt khác, dự luật có quy định về việc doanh nghiệp (DN) phải hoàn trả tiền dịch vụ và lãi suất khi người lao động đi làm việc phải về nước trước thời hạn và không do lỗi của người lao động. Tuy nhiên vẫn bỏ ngỏ trường hợp người lao động về nước trước hạn và do lỗi của người lao động.

Nếu không có quy định, trường hợp này có thể hiểu là người lao động không thể lấy lại tiền dịch vụ và số tiền này có thể ngầm hiểu được sử dụng để đền bù hợp đồng. Trong khi việc đền bù hợp đồng trong trường hợp này đã được quy định là lấy từ tiền ký quỹ của người lao động. 

Như vậy, người lao động mất cả tiền dịch vụ lẫn tiền ký quỹ khi vi phạm hợp đồng.

Lao động di cư Việt Nam đang chịu mức phí cao nhất? - Ảnh 2.

Nhiều người lao động đăng ký kỳ thi tuyển tiếng Hàn để tìm cơ hội được làm việc ở Hàn Quốc - Ảnh: Đ.BÌNH

Phải công khai hợp đồng lao động

Cũng theo ông Nhân, dự thảo luật quy định trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận đã trả tiền dịch vụ thì DN dịch vụ chỉ thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ mà hai bên đã thỏa thuận. Song làm thế nào để người lao động biết nước tiếp nhận đã trả tiền dịch vụ chưa?

Dù dự thảo luật có quy định "ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ" nhưng chưa có cơ chế công khai thông tin này. Trong khi đây chính là một trong những quyền của người lao động được biết thông tin trên nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

"Do hợp đồng cung ứng lao động quy định những vấn đề rất quan trọng liên quan trực tiếp đến người lao động về điều kiện, môi trường làm việc, tiền lương, tiền công và các chế độ khác nên toàn bộ hợp đồng này phải được công khai để người lao động có cơ sở đối chiếu với hợp đồng lao động mình trực tiếp ký với DN dịch vụ, thay vì các thông báo tuyển dụng với thông tin nhỏ giọt thường thấy trên Internet", đại biểu Nhân nhấn mạnh.

Đại biểu tỉnh Bình Dương cũng lưu ý việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua giám sát đã đề nghị bãi bỏ Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước. Nhưng đến báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại thay đổi quan điểm, bảo vệ sự tồn tại của quỹ này và khẳng định "nhiệm vụ chi của quỹ tập trung vào hỗ trợ, giải quyết những vấn đề rủi ro của người lao động…".

Như vậy, trong cùng chức năng xử lý rủi ro của người lao động lẫn DN, dường như có ba nguồn chi để khắc phục là tiền dịch vụ, tiền ký quỹ và Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước.

"Với quy định về các loại chi phí như trên, dự luật vẫn chưa thể trả lời cho câu hỏi lao động di cư Việt Nam có tiếp tục chịu mức phí cao nhất hay không, do đó hiệu quả sau giám sát chưa thể phát huy trong lần sửa đổi này", ông Nhân nói.

Phải tạo chỗ dựa vững chắc cho người lao động

Cũng tại buổi thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng cần phải tìm cho ra lý do vì sao khu vực FDI vẫn chưa thể tạo ra nhiều việc làm và thu nhập tốt, và vì sao vẫn còn nhiều lao động phải men theo dòng chảy lao động di cư, tìm kiếm việc làm, thu nhập bên ngoài lãnh thổ.

Đặc biệt, hôm nay 23-10 là tròn một năm thảm kịch 39 người Việt tử vong trong thùng xe container ở Anh, và cũng là lần thảo luận cuối cùng trước khi Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo luật.

"Vẫn còn đó không ít băn khoăn liệu rằng dự luật lần này tạo chỗ dựa vững chắc cho người lao động di cư bằng con đường chính thống, hợp pháp như thế nào, đó mới chính là bản chất tận cùng và nhân văn của dự luật", ông Nhân nói.

Tòa án Anh phát lại lời trăng trối của nạn nhân vụ 39 người Việt chết trong container Tòa án Anh phát lại lời trăng trối của nạn nhân vụ 39 người Việt chết trong container

TTO - "Tuân đây, anh xin lỗi. Anh không chăm sóc mẹ con em được nữa. Anh xin lỗi. Anh không thở được. Tất cả là lỗi của anh. Anh phải đi rồi".

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên