Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại buổi đối thoại giữa chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Thanh niên Nghệ An sáng tạo khởi nghiệp, lập nghiệp", nhân Tháng thanh niên được tổ chức ngày 16-3.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, hiện nay tỉnh Nghệ An có gần 10.000 lượt lao động xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc. Bình quân hằng năm có từ 500 - 700 người lao động của tỉnh được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, nhận sang làm việc.
Mức tiền lương hấp dẫn từ 1.000 - 1.500 USD/người, góp phần vào việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng và tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh nhà.
Tuy nhiên vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động theo chương trình EPS đợt 1 năm 2023 tại 8 địa phương thuộc một số tỉnh, thành, trong đó có 3 địa phương của Nghệ An là huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò và huyện Hưng Nguyên.
Nguyên nhân là các địa phương này có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên/hoặc tỉ lệ lao động hết hạn không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Đức Trung - chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết các khu công nghiệp trong tỉnh đang có 135 doanh nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm cho 35.000 lao động và trong vòng ba năm tới cần 80.000 - 100.000 lao động, nhất là các lĩnh vực sản xuất điện tử, da giày, dệt may.
Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu đó thì giải pháp là nâng cao công tác đào tạo; gắn kết giữa cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động. Để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, lao động cần thay đổi kỹ năng, phương pháp, trang bị thêm kỹ năng mềm, ý thức, thái độ chuyên nghiệp.
Nhắc đến câu chuyện ba địa phương trong tỉnh bị tạm dừng tuyển chọn lao động theo chương trình EPS sang Hàn Quốc, ông Trung cho biết việc này đã làm mất đi quyền lợi, cơ hội việc làm của các lao động khác có nguyện vọng, đủ điều kiện theo chương trình EPS.
Ông Trung đề nghị các sở ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về tay nghề, ngoại ngữ và ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, hợp đồng lao động.
Trao đổi về chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng mô hình, trang trại, ông Trung cho rằng các ngành, các địa phương phải hướng dẫn thanh niên công tác này theo đúng quy định pháp luật.
UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, báo cáo HĐND tỉnh tạo thuận lợi nhất trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất nông nghiệp để xây dựng mô hình, mở trang trại của thanh niên.
Các thanh niên tại nhiều địa phương còn đặt nhiều câu hỏi cho người đứng đầu tỉnh Nghệ An xung quanh các nội dung như chính sách vay vốn, hỗ trợ từ các quỹ đầu tư để khởi nghiệp; tạo việc làm cho thanh niên xuất ngũ, giúp đỡ những thanh niên hoàn lương phát triển kinh tế, tái hòa nhập cộng đồng…
Nhấn mạnh lãnh đạo tỉnh rất tin tưởng vào khả năng, phẩm chất của thế hệ thanh niên tỉnh nhà, ông Trung mong muốn các bạn trẻ tự tin, tâm huyết, mạnh mẽ, miệt mài để thực hiện mục tiêu đặt ra.
"Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thanh niên cũng phải kiên trì, nỗ lực, lựa chọn mục tiêu để có những hành động cụ thể với tinh thần dám nghĩ, dám làm, không làm thì không bao giờ có thành công", ông Trung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận