25/06/2020 18:42 GMT+7

Lãnh đạo EVN: Có thể có sai sót ghi chỉ số điện nhưng 'không ai hưởng lợi'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay quy trình ghi chỉ số côngtơ, tính hóa đơn tiền điện đều tách bạch và thực hiện theo quy trình nên việc nhân viên ghi sai chỉ số hóa đơn tiền điện không ai được hưởng lợi.

Lãnh đạo EVN: Có thể có sai sót ghi chỉ số điện nhưng không ai hưởng lợi - Ảnh 1.

Đoàn công tác của EVN kiểm tra ghi chỉ số côngtơ điện - Ảnh: NA

Ngày 25-6, EVN cho biết đoàn công tác kiểm tra việc ghi chỉ số lập hóa đơn tiền điện và giải quyết kiến nghị của khách hàng do ông Võ Quang Lâm - phó tổng giám đốc EVN - làm trưởng đoàn sẽ đi kiểm tra thực tế tại các tổng công ty trực thuộc kéo dài tới hết tuần sau.

Tham gia đoàn có đại diện của Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học - công nghệ), Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương). Việc kiểm tra việc ghi chỉ số lập hóa đơn tiền điện và giải quyết kiến nghị của khách hàng sẽ được thực hiện lựa chọn ngẫu nhiên.

Nói về quy trình lắp đặt và ghi chỉ số côngtơ, bà Tô Lan Phương, trưởng ban kinh doanh Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, cho hay các côngtơ trước khi đưa vào sử dụng đều phải được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Khoa học - công nghệ.

Trong quá trình sử dụng nếu phải kiểm định thì nhân viên điện lực phải tháo côngtơ dưới sự chứng kiến của khách hàng, nếu khách hàng vẫn thắc mắc về kết quả sẽ đưa côngtơ đi kiểm định độc lập.

Đối với Hà Nội, hiện nay đã lắp đặt 70% côngtơ điện tử đo và truyền dữ liệu tự động, khách hàng có thể trực tiếp tra cứu chỉ số sử dụng điện hằng ngày trên website hoặc app. Đồng thời, có thể đăng ký kiểm soát nhu cầu sử dụng điện bằng cách đăng ký lượng điện tiêu thụ để có cảnh báo nếu sử dụng vượt quá mức cho phép để thay đổi hành vi tiêu dùng.

Lãnh đạo EVN: Có thể có sai sót ghi chỉ số điện nhưng không ai hưởng lợi - Ảnh 2.

Thiết bị được nhân viên điện lực sử dụng khi ghi chỉ số côngtơ cơ - chụp hình ảnh côngtơ và nhập dữ liệu về máy tính bảng - Ảnh: NA

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng - cho rằng những thắc mắc, khiếu nại của khách hàng khi thấy tiền điện tăng cao đột biến là chính đáng và ngành điện có trách nhiệm phải giải thích thỏa đáng và công khai, minh bạch thông tin.

Ông cũng đặt câu hỏi là liệu có sự can thiệp vào việc ghi chỉ số điện trên hóa đơn hay không, bởi không tránh khỏi trường hợp người đi đo làm sai lệch chỉ số.

"Ngành đo lường đã hậu kiểm chưa, phát hiện trường hợp nào gian lận số điện không?" - ông đặt câu hỏi và cho rằng cần phải thông tin và công bố thì mới giảm đi thắc mắc người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - trưởng ban kinh doanh của EVN - cho biết tỉ lệ lắp đặt côngtơ điện tử đạt 52%, cho phép trực tiếp truyền dữ liệu về hệ thống mà ít phải có sự can thiệp của con người nên hạn chế sai sót.

Tuy nhiên, với hệ thống côngtơ cơ, người công nhân phải trực tiếp đến hiện trường đọc côngtơ, ghi chỉ số vào máy tính bảng nên quá trình này có thể xảy ra sai sót và thực tế vừa qua đã có một số nhân viên "chưa làm tròn trách nhiệm".

"Người công nhân đi đọc và ghi chỉ số là 2 quá trình, nắng nóng khủng khiếp nhưng họ vẫn phải làm việc bình thường trên lưới nên khó làm hoàn toàn chính xác được" - ông Dũng cũng khẳng định toàn bộ quá trình này là độc lập.

Tức là người ghi chỉ số côngtơ điện thì không tính hóa đơn, người làm hóa đơn thì không thu tiền điện... nên không có động lực để cố tình làm sai và tất cả làm theo quy trình, nên làm sai thì chẳng ai được hưởng lợi.

Ông Võ Quang Lâm cũng cho rằng những sai sót xảy ra ở một số địa phương thời gian qua như Quảng Bình, Quảng Ninh, Nghệ An… là "sự cố cá nhân", rất đáng tiếc cho những nỗ lực của ngành trong thời gian qua và phải kỷ luật cán bộ.

Do đó, ông nhấn mạnh trách nhiệm của tập đoàn là tới đây sẽ kiện toàn hơn nữa ý thức cán bộ công nhân viên, tuân thủ quy định công vụ thông qua chương trình đào tạo bồi dưỡng. Đồng thời nâng cao hơn nữa hiện đại hóa ngành điện, tăng tỉ lệ côngtơ điện tử trong thời gian tới.

Vấn đề nằm ở côngtơ hay biểu giá?

Để kiểm tra thực tế, đoàn công tác đã rà soát ngẫu nhiên trong tổng số 3.600 cuộc gọi phản ảnh trên địa bàn Thanh Xuân và trực tiếp đến nhà khách hàng. Tại nhà khách hàng Hà Văn Dũng ở chỉ A3 khu tập thể Bệnh viện Nội tiết Thanh Xuân (Hà Nội), chủ hộ này cho hay là vừa nhận được hóa đơn tiền điện tháng 6 lên tới 900 kWh, tăng gấp đôi so với tháng trước đó.

Ông cho rằng đây là bất thường vì mọi sinh hoạt và việc sử dụng điện không thay đổi, nên đã yêu cầu kiểm tra côngtơ. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra không có gì bất thường và ông chấp thuận nhưng vẫn chưa thỏa mãn với giải thích của ngành điện, nhưng ông cho rằng vấn đề có thể không nằm ở côngtơ điện.

"Hiện đã sử dụng côngtơ điện tử, đo xa và đã có giám định, khó có thể sai sót nên tôi cũng không yêu cầu kiểm định độc lập. Mặc dù giải thích chưa được thỏa mãn nhưng tôi đề nghị rằng cách tính giá điện làm sao cho phù hợp về biểu giá" - ông Dũng nói.



NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên