Em Đinh Hữu Thiên Phúc (học sinh lớp 11A5) nói về lý do ra đời nghiên cứu hiến mô tạng - Video: HOÀNG LỘC
Và đó chính là chất xúc tác thôi thúc, để lần đầu tiên một đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về hiến mô tạng được thực hiện bởi nhóm học sinh của Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) ra đời.
Hai học sinh làm chủ nhiệm đề tài "Thay đổi nhận thức về việc hiến tặng mô tạng - Thách thức và niềm tin với học sinh THPT" gồm em Đinh Hữu Thiên Phúc (học sinh lớp 11A5) và em Phạm Hùng (học sinh lớp 12A7).
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, em Đinh Hữu Thiên Phúc nói rằng trong một lần tình cờ được xem câu chuyện xúc động của mẹ và bé Hải An trên sóng truyền hình. "Đó là câu chuyện rất xúc động, một nghĩa cử cao đẹp truyền một thông điệp nhân đạo sâu sắc" - Phúc nói.
Và từ Hải An thôi thúc em cùng người bạn Phạm Hùng say mê tìm hiểu về hiến ghép tạng cứu người. Ở đó, các em cảm thấy ray rứt trước câu chuyện buồn về Minh Đăng (13 tuổi), Nguyễn Anh Đức (16 tuổi) đành phải kết thúc cuộc sống bởi không có nguồn tạng thay thế.
Em Đinh Hữu Thiên Phúc (học sinh lớp 11A5) và em Phạm Hùng (học sinh lớp 12A7) đang trao đổi về đề tài nghiên cứu hiến mô tạng - Ảnh: HOÀNG LỘC
May mắn thay, các em như được truyền thêm động lực bởi câu chuyện lấp lánh niềm tin từ Hải An, Phạm Công Tuấn Anh, Trịnh Đình Vàng…những người đã dâng hiến một phần của cơ thể của bản thân để cứu sống nhiều mảnh đời đang bên bờ vực thẳm.
Thế nhưng, không phải ai cũng biết về những con người và việc làm cao cả này của họ. "Chúng em phải làm gì đó để tác động vào nhận thức, suy nghĩ để cho nhiều người hiểu giá trị của việc hiến tạng nối dài sự sống. Và với bản thân em cũng sẽ sẵn sàng hiến tạng nếu không may có gì bất trắc, qua đời" - Phúc quả quyết.
Cô Nguyễn Thị Thúy - giáo viên hướng dẫn đề tài nghiên cứu về hiến mô, tạng cho Phúc và Hùng - nói đề tài nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 3 đến nay để tham dự cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT cấp tỉnh vào tháng 12.
Thông qua việc chia sẻ các câu chuyện hiến tạng bằng nhiều hình thức như tọa đàm, chia sẻ trên các trang mạng, thông qua các bảng câu hỏi để đánh giá và từ đó định hướng làm thay đổi dần nhận thức của các em học sinh về việc hiến mô tạng.
"Đề tài nghiên cứu này không nhắm đến việc có bao nhiêu người đăng ký tham gia hiến tặng mô tạng, mà chính là làm thay đổi nhận thức, tạo sự lan tỏa đến tất mọi người về nghĩa cử cao đẹp này" - cô Thúy chia sẻ.
Suốt bao năm gắn bó với công việc điều phối hiến ghép tạng, nhưng khi được tiếp cận với đề tài nghiên cứu của cô trò Trường THPT Nguyễn Du, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu - trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) khiến bà không khỏi bất ngờ.
"Tôi vui, hạnh phúc và rất ngạc nhiên khi các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường đã có suy nghĩ, lựa chọn đề tài này. Và đây là lần đầu tiên chúng tôi được chính các thầy cô, các em học sinh tìm đến với mong muốn có tư vấn sâu hơn để cùng chung tay lan tỏa việc làm cao cả là hiến tạng cứu người" - bác sĩ Thu nói.
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu - trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM), nói về cảm xúc khi tiếp cận đề tài - Video: HOÀNG LỘC
Theo đánh giá của bác sĩ Thu, đề tài này rất mới, có thể nói đây là đề tài đầu tiên về hiến ghép tạng được các em học sinh THPT tại Việt Nam thực hiện.
"Tôi hi vọng đây là một tiền đề để các cấp học cao hơn của Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế suy nghĩ đến việc phối hợp với nhau đưa chương trình này vào trong học đường dưới dạng các giờ ngoại khóa, giờ tọa đàm cùng tìm hiểu sâu hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn về hiến ghép tạng" - bác sĩ Thu nói.
Gần 13.000 người đăng ký hiến tạng
Theo bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, thông qua các hình thức đăng ký như trực tiếp, qua email hoặc qua đường bưu điện, đến nay có gần 13.000 người đăng ký hiến tạng với đủ mọi thành phần xã hội. Đặc biệt, có nhiều gia đình gồm cha con, vợ chồng, mẹ con, anh chị em cùng đăng ký hiến tạng.
Tại tọa đàm "Thay đổi nhận thức về hiến, tạng mô tạng" tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Du (Bà Rịa Vũng Tàu) chiều 26 - 11, bác sĩ Thu đã trao thẻ hiến tạng cho 18 thầy cô giáo, hai phụ huynh học sinh và một cựu học sinh của trường.
Từ nguồn tạng hiến, đơn vị đã điều phối ghép tim, phổi, gan và giác mạc cho nhiều người bệnh cần để nối dài sự sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận