Những bức ảnh do người dân ghi lại đã nhìn thấy núi Himalaya sau hơn 30 năm - Ảnh: TWITTER
Trước đó để ngăn dịch COVID-19 lây lan, Ấn Độ ra lệnh giới nghiêm 21 ngày, theo đó yêu cầu tạm dừng nhiều doanh nghiệp sản xuất, cấm tụ họp, hạn chế xe cộ… Những biện pháp này ngoài giảm nguy cơ lây lan virus corona còn giúp chất lượng không khí cải thiện đáng kể.
Chỉ trong ngày đầu tiên giới nghiêm, lượng bụi PM10 trong không khí ở nhiều địa phương, trong đó có Delhi, giảm 44%. 85 thành phố lớn trên cả nước đã ghi nhận bầu không khí sạch hơn chỉ sau một tuần hạn chế tiếp xúc xã hội.
Sau gần 20 ngày giới nghiêm, chỉ số chất lượng không khí trung bình luôn ở mức tốt, khác hẳn với giai đoạn nửa đầu tháng 3 chỉ có đúng 3 ngày chất lượng không khí ở mức chấp nhận được.
Ủy ban Ô nhiễm Trung ương Ấn Độ cho rằng lệnh giới nghiêm góp phần cải thiện đáng kể chất lượng không khí trong nước.
Nhiều nơi ở bang Punjab có thể nhìn thấy Himalaya rõ mồn một - Ảnh: TWITTER
Không khí trong lành giúp người dân ở bang Punjab, miền bắc Ấn Độ, có thể nhìn thấy dãy núi Himalaya dù cách xa đến 200km.
Thích thú với khung cảnh lạ lẫm này, nhiều người lập tức đăng tải ảnh chụp Himalaya rõ mồn một từ mọi góc nhìn: sau nhà, trong sân, trên phố…
"Lần đầu tiên sau 30 năm tôi mới thấy lại dãy Himalaya. Một phần là nhờ tình trạng giới nghiêm giúp bầu không khí trong lành, tầm nhìn xa hơn", tài khoản Manjit Kang viết.
Cựu ngôi sao môn cricket Ấn Độ Harbhajan Singh cũng thích thú "khoe" ảnh núi từ sân thượng nhà riêng: "Thật khó lòng hình dung được chuyện này. Rõ ràng chúng ta đã gây ô nhiễm môi trường tác động mạnh đến Trái đất".
Chất lượng không khí ở Ấn Độ hằng năm thường vượt giới hạn an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra đến 5 lần. Mỗi năm, nước này ghi nhận trung bình từ 1-1,5 triệu ca tử vong do các căn bệnh có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí.
Năm 2019, trong danh sách 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới của AirVisual, Ấn Độ "góp" tới 21 thành phố.
Đến sáng 10-4, Ấn Độ ghi nhận khoảng 8.700 ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 800 trường hợp tử vong.
Tín hiệu tích cực toàn cầu
Trước đó, theo nghiên cứu của tổ chức khí hậu phi lợi nhuận Carbon Brief, trong thời gian dịch COVID-19 diễn ra, lượng CO2 thải ra môi trường của Trung Quốc giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương giảm 200 triệu tấn).
Hoạt động công nghiệp gián đoạn không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác đã giúp giảm lượng khí thải carbon trên toàn cầu.
Carbon Brief thống kê so với cùng kỳ, lượng tiêu thụ than đá cho hoạt động nhiệt than giảm 36%. Lượng than cốc sử dụng giảm 23%, lượng NO2 cho hoạt động vệ tinh giảm 37%, trữ lượng tinh chế dầu giảm 34%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận