24/04/2019 07:29 GMT+7

Làm gì để ngăn nạn nâng điểm, sửa điểm?

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, phó vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), chia sẻ về thực trạng đánh giá học sinh ở trường phổ thông còn chưa sát thực; việc nâng điểm, sửa điểm trên học bạ cho học sinh nhằm "làm đẹp hồ sơ" vẫn xảy ra.

Làm gì để ngăn nạn nâng điểm, sửa điểm? - Ảnh 1.

Tới đây khi giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các nhà trường phổ thông thì các vấn đề tiêu cực, trong đó có chuyện nâng, sửa điểm cũng sẽ hạn chế

Phó vụ trưởng Vụ giáo dục trung học NGUYỄN XUÂN THÀNH

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết:

- Hiện nay việc đánh giá thường xuyên (quá trình học tập) của học sinh đang thực hiện theo quy định về số đầu điểm được tính theo hệ số rồi tính điểm trung bình.

Đối với một số môn như toán, ngữ văn, ngoại ngữ, các bài kiểm tra học kỳ thường được tổ chức ra đề chung, tổ chức kiểm tra theo hình thức xáo trộn học sinh giữa các lớp và chấm chéo để giáo viên không chấm điểm học sinh lớp mình dạy, đảm bảo khách quan.

Các môn học còn lại đều do giáo viên tự ra đề, chấm bài, nhập sổ điểm cho học sinh lớp mình dạy. Việc nới lỏng để cho điểm dễ dãi xảy ra chủ yếu đối với các đầu điểm do giáo viên tự đánh giá với học sinh lớp mình dạy.

Sửa điểm vì thương học sinh?

* Vậy theo ông, quy định đánh giá như thế này là kẽ hở cho việc tiêu cực như nâng điểm, sửa điểm nhằm các động cơ khác nhau trong các trường phổ thông?

- Việc nâng điểm, sửa điểm nếu có xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Gần đây ở nhiều địa phương có quy định xét điểm quá trình (học bạ) trong tuyển sinh đầu cấp, hoặc một số trường đại học cũng tuyển sinh bằng xét học bạ. Việc này có thể khiến giáo viên dạy các lớp cuối cấp vì thương học sinh nên chấm điểm dễ, sửa điểm.

Nhưng nếu thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT thì việc sửa điểm cũng không dễ.

Với các trường sử dụng sổ điểm giấy, khi giáo viên đã nhập điểm vào sổ cái (sổ điểm chung) nếu muốn sửa phải có lý do hợp lý và ký vào để thể hiện trách nhiệm.

Một số nơi hiện nay sử dụng sổ điểm điện tử thì việc sửa điểm càng không thể thực hiện khi điểm đã nhập và đưa lên hệ thống.

Trong lớp học, học sinh nào giỏi, kém thì mọi người đều biết nên việc nâng điểm bất thường có thể học sinh, phụ huynh đều có ý kiến.

Tới đây khi giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các nhà trường phổ thông thì các vấn đề tiêu cực, trong đó có chuyện nâng, sửa điểm cũng sẽ hạn chế.

Làm gì để ngăn nạn nâng điểm, sửa điểm? - Ảnh 3.

Phó vụ trưởng Vụ giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành - Ảnh: VĨNH HÀ

Phải thay đổi cách đánh giá

* Ở góc độ quản lý nhà nước, theo ông, cần có những thay đổi gì để ngăn tình trạng tiêu cực trong đánh giá thường xuyên với học sinh phổ thông?

- Không phải chỉ khi có tiêu cực nâng điểm, sửa điểm, hay sai sót trong đánh giá thường xuyên thì mới thay đổi quy định mà khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, những cái đi kèm mang tính bắt buộc là phải đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá.

Theo đó, quy định đánh giá học sinh phải thay đổi về nội dung để phù hợp với mục đích phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Cụ thể đề bài, cách thức tổ chức đánh giá sẽ đa dạng, linh hoạt và để học sinh bộc lộ năng lực chứ không phải ghi nhớ kiến thức thuần túy.

Việc đánh giá không phải chỉ qua bài kiểm tra mà qua hoạt động học, qua sản phẩm học sinh tạo nên từ ứng dụng kiến thức giải quyết vấn đề.

Đánh giá thường xuyên không chỉ thể hiện ở điểm số mà ở quá trình tiến bộ, thái độ, ý thức kỷ luật, khả năng hợp tác...

Và như vậy, sẽ phải thay đổi việc cho bao nhiêu đầu điểm, rồi cộng lại chia trung bình lấy một con số. Mà cần chia nhiều "ngăn" khác nhau trong hồ sơ học tập của học sinh.

Trong đó có ngăn đánh giá của giáo viên trực tiếp dạy học về năng lực, thái độ... Có ngăn đánh giá theo thước đo chung của trường/phòng giáo dục.

Nhờ đó, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh sẽ chính xác, khách quan hơn; việc sử dụng kết quả đánh giá cũng linh hoạt, phù hợp hơn.

Về việc này, trước đây Bộ GD-ĐT cũng có hướng dẫn các trường linh hoạt trong việc đánh giá học sinh qua các dự án học tập, sản phẩm học tập chứ không nhất thiết chỉ được kiểm tra học sinh trên lớp.

Nhưng do quy chế đánh giá chưa thay đổi nên nhiều trường vẫn cứng nhắc trong việc thực hiện.

* Theo ông, có nên duy trì việc sử dụng kết quả đánh giá thường xuyên để xét tuyển sinh đầu cấp không? Nếu nên thì phải làm thế nào khi có nhiều "ngăn" khác nhau như ông nói?

- Tùy theo từng địa phương, sở GD-ĐT trình UBND tỉnh/thành phố có phương án tuyển sinh đầu cấp, trong đó có phương thức sử dụng kết quả đánh giá học sinh trong việc sàng lọc, xét tuyển đầu cấp đối với một số loại hình trường.

Nhưng theo tôi, nếu sử dụng kết quả đánh giá thường xuyên để xét tuyển thì chỉ nên dùng kết quả đánh giá theo thước đo chung của trường/phòng (sử dụng chung đề, chấm chéo giữa giáo viên trong trường, bố trí học sinh kiểm tra theo thứ tự tên chứ không theo lớp) sẽ khách quan hơn và tránh được việc giáo viên nâng điểm cho học sinh.

Trong các trường hợp đặc biệt, trường có thể xem xét thêm các điểm số, các tiêu chí khác đánh giá năng khiếu, thành tích của học sinh trong các hoạt động giáo dục được ghi trong hồ sơ như các tiêu chí phụ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên học tập nước ngoài trong việc tuyển sinh đầu cấp bằng xét tuyển hồ sơ. Đối với những trường cần độ sàng lọc cao trong tuyển sinh, ngoài việc xem xét thành tích bao gồm điểm số học tập và thành tích hoạt động thể hiện năng lực chung, năng khiếu, phẩm chất học sinh, nên thêm phần phỏng vấn hoặc bài viết của học sinh theo chủ đề được yêu cầu.

Làm gì để ngăn nạn nâng điểm, sửa điểm? - Ảnh 4.

Học sinh Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) làm bài kiểm tra môn văn giữa học kỳ 2 năm học 2018-2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG

* TS NGUYỄN HÀ THANH (giảng viên khoa toán - tin Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Nên bỏ quy định lấy điểm lớp 12 xét tốt nghiệp

Trong bối cảnh thi cử như ở Việt Nam hiện nay, Bộ GD-ĐT nên bỏ quy định lấy điểm lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT (cùng với điểm thi THPT quốc gia) cho học sinh.

Quy định này cùng với đặc điểm một số trường ĐH tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ sẽ làm cho tình trạng sửa điểm, nâng điểm cho học sinh khối 12 ngày càng lan rộng, tồi tệ hơn.

Theo tôi, nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu 2 trong 1 mà nên giao cho các địa phương tự tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT. Phần còn lại giao cho các trường ĐH, CĐ tự lên phương án và tổ chức tuyển sinh vào trường mình theo đặc thù và nhu cầu đào tạo của mỗi trường.

* Bà P.T.THẢO (phụ huynh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, TP.HCM):

Hãy dạy cho con chúng tôi sự trung thực

Con tôi mấy hôm nay rất buồn, cháu nói rằng: nếu nội dung tố cáo đó là sự thật thì ê mặt quá. Bởi đây là ngôi trường lâu đời, nổi tiếng ở quận Gò Vấp và chỉ những học sinh khá, giỏi mới có thể thi đậu vào. Việc nâng điểm - nếu có - là một cách nhanh nhất làm hư học sinh.

Rồi đây, học sinh được nâng điểm sẽ trở thành người như thế nào, khi còn ngồi trên ghế nhà trường em đã được những người lớn dạy cho cách dối trá?

Tôi mong các cơ quan chức năng sớm có câu trả lời về vụ việc. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng, các thầy cô làm việc trong ngành GD-ĐT hãy trả lại môi trường trong sáng cho con em chúng tôi, để các em được học hành và phấn đấu với năng lực thật sự của mình.

Tôi mong các thầy cô hãy dạy học sinh của mình: khi các em bị điểm thấp thì các em phải nỗ lực học tập chứ không thể có những điểm số từ sự đi xin hoặc đi mua.

H.HG. ghi

Yêu cầu sớm hoàn tất điều tra gian lận thi cử

Đó là chia sẻ của ông Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - với Tuổi Trẻ ngay sau khi nghe Bộ GD-ĐT và Bộ Công an báo cáo về vụ gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 vào chiều 23-4.

Theo ông Bình, tại cuộc họp, ủy ban đã được báo cáo về tổng số bài thi được phát hiện nâng sửa điểm tại Hòa Bình và Sơn La là 108 bài. Hiện tại, các cơ quan vẫn đang điều tra xem sai phạm đến đâu. Do đang trong quá trình điều tra nên chưa công bố được thông tin cụ thể hơn.

Trước báo cáo này, ủy ban đã yêu cầu cơ quan điều tra khẩn trương làm nhanh, làm rõ, có lưu ý đến số thí sinh được nâng sửa điểm, nhưng kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm trúng tuyển và đang được tiếp tục theo học tại các trường đại học.

"Hiện có 12 thí sinh ở diện này, bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã nêu trước mắt các em đủ điểm trúng tuyển vẫn được theo học, còn nếu điều tra sai phạm ra đến đâu sẽ xử lý đến đó. Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội yêu cầu các cơ quan phải hoàn thành điều tra sớm trước khi hết hạn điều tra - theo thời hạn một năm tính từ thời điểm cơ quan điều tra vào cuộc" - ông Bình chia sẻ.

Theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD-ĐT, Bộ Công an đã tích cực điều tra, xử lý? Ông Bình khẳng định việc điều tra đã được thực hiện tích cực vì hành trình đi tìm điểm gốc rất khó khăn.

Nếu là bài thi tự luận thì còn có thể nhận dạng qua nét chữ, nhưng với bài thi trắc nghiệm, việc chọn đáp án chỉ đơn giản là khoanh tròn thì phải có sự vào cuộc của công nghệ cao mới tìm ra.

Đây là công việc khó khăn, phức tạp, nên theo cơ quan điều tra, phải đến cuối tháng 2-2019, việc điều tra mới truy ra được đâu là nét khoanh của học sinh, đâu là của người sửa bài.

Theo đó, việc xử lý tiếp theo sẽ còn phụ thuộc vào kết quả điều tra tới đây. Trong đó, chính việc tìm ra điểm thật, tìm ra bài thí sinh được nâng sửa điểm là căn cứ quan trọng để điều tra tiếp những vi phạm liên quan.

NGỌC HÀ

Người sửa điểm thi bị khởi tố, người Người sửa điểm thi bị khởi tố, người 'mua điểm' bị xử lý thế nào?

TTO - Theo các chuyên gia, trong vụ sửa điểm thi THPT quốc gia, cần làm rõ trách nhiệm của những người mua điểm, đồng thời hành vi mua điểm và sửa điểm có dấu hiệu của tội đưa và nhận hối lộ.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên