Chứng kiến vụ gian lận thi cử chấn động với mức độ nghiêm trọng chưa từng có, có lẽ ai làm trong ngành giáo dục cũng thấy chua xót và xấu hổ. Nếu không xử lý nghiêm, sẽ để lại cho dư luận một nỗi lo lớn: nhiều quan chức hay những người có tiền có thể lung lạc được pháp luật.
Không chỉ thi cử, mà các lĩnh vực khác cũng sẽ bị người có quyền, có tiền lung lạc và tác động.
Việc đòi hỏi công bố danh tính thí sinh phải rất cẩn trọng, vì các em còn tương lai rất dài phía trước, nhưng dù ở một mức độ nào đó các em cũng sẽ phải chịu trách nhiệm của mình. Còn với phụ huynh liên quan thì phải công khai, xử lý nghiêm theo đúng mức độ, tính chất vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện thái độ kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ là phụ huynh dính dáng đến việc nhờ vả, "xin", "mua" điểm.
Nhưng không chỉ có cán bộ ngành giáo dục, mà cán bộ bất cứ ngành nào dính dáng đến việc gian lận thi cử đều phải nghiêm trị.
Nhiều cán bộ ngành giáo dục, công an trực tiếp can thiệp vào việc sửa điểm đã bị khởi tố, tạm giam. Những phụ huynh tác động đến việc nâng sửa điểm này cũng không thể vô can. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Gian lận tại kỳ thi năm 2018 là nỗi xấu hổ của ngành giáo dục, nhưng đó cũng là cơ hội để sửa sang những xộc xệch đã bộc lộ và nghiên cứu cải tiến thi cử.
Có cần tiếp tục kỳ thi "hai trong một" nữa không khi những tiêu cực trầm trọng phát sinh từ chính kỳ thi này?
Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên đứng ra ôm kỳ thi tốt nghiệp THPT mãi. Với tuyển sinh đại học, hãy để các trường quyết định, nhưng Bộ cần có giải pháp không để mỗi trường tự tổ chức thi, rồi lại ào ào luyện thi, len lỏi rồi tràn lan tiêu cực...
Việc đổi mới, đánh giá thi cử càng trở nên cấp thiết khi chúng ta đang bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học...
Việc sửa sang nỗi xấu hổ hãy bắt đầu từ đây, hư làm lại móng ngôi nhà giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận