12/01/2025 10:14 GMT+7

Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 9: Tái chế nhựa - động lực mới cho kinh tế tuần hoàn

Những con số từ các nghiên cứu gần đây càng khiến chúng ta phải giật mình: nếu không có sự thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất và tiêu thụ nhựa, đến năm 2050 thế giới sẽ phải đối mặt với 33 tỉ tấn rác thải nhựa tích tụ trong môi trường.

Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 9: Tái chế nhựa - động lực mới cho kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1.

Sáu quốc gia ASEAN gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Myanmar tạo ra tổng cộng 31 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, góp đáng kể vào thách thức ô nhiễm nhựa toàn cầu - Ảnh: Weforum

Trên bãi biển Galle, Sri Lanka, một cậu bé cúi xuống nhặt vỏ chai nhựa đã bạc màu thời gian có tuổi đời bằng ông nội cậu bé. Theo báo cáo của Geneva Environment Network, có tới 80% lượng nhựa được sản xuất từ năm 1950 vẫn còn tồn tại trong môi trường chúng ta ngày nay.

Tìm kiếm công nghệ tái chế

Những con số từ các nghiên cứu gần đây càng khiến chúng ta phải giật mình: nếu không có sự thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất và tiêu thụ nhựa, đến năm 2050 thế giới sẽ phải đối mặt với 33 tỉ tấn rác thải nhựa tích tụ trong môi trường, cũng theo Geneva Environment Network.

Trong khi đó, ngành công nghiệp nhựa đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ với dự báo thị trường tăng từ 712 tỉ USD năm 2023 lên 1.050 tỉ USD năm 2033, theo một nghiên cứu công bố tháng 9-2024 trên trang web của Viện Xuất bản số đa ngành (MDPI).

Đi kèm tốc độ tăng trưởng đó là những chi phí môi trường khổng lồ. Theo thống kê của Geneva Environment Network, 50% lượng nhựa được chôn lấp trong khi 22% bị thải trực tiếp ra môi trường.

Điều đáng lo ngại hơn là tính bất bình đẳng trong vấn đề này: hơn 3 tỉ người không được tiếp cận dịch vụ xử lý rác thải đầy đủ, khiến họ gánh chịu những tác động môi trường nghiêm trọng nhất từ cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu.

Tuy nhiên cũng có một tín hiệu tích cực là trong những năm qua, sự xuất hiện của các công nghệ tái chế tiên tiến đang mở ra những hướng đi mới đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống rác thải nhựa.

Theo trang PetPLA.net, hiện nay có ba phương pháp tái chế chính: Phương pháp nhiệt phân ("pyrolysis", là quá trình đốt nóng nhựa ở nhiệt độ cao trong môi trường không có oxy, biến nhựa thành dầu và khí có thể tái sử dụng); phương pháp enzyme ("enzymolysis", là quá trình sử dụng các enzyme tự nhiên để phân hủy nhựa thành các thành phần cơ bản, tương tự cách vi sinh vật phân hủy thức ăn) và phương pháp hòa tan ("dissolution", là việc sử dụng dung môi đặc biệt để hòa tan nhựa, sau đó tách riêng các thành phần có thể tái chế mà không làm thay đổi cấu trúc hóa học của chúng).

Công nghệ tái chế tiên tiến đang cho thấy tiềm năng kinh tế lớn. Theo nghiên cứu của Closed Loop Partners được Hiệp hội Hóa chất Mỹ (American Chemistry Council) công bố, riêng thị trường Mỹ và Canada có thể đạt giá trị 120 tỉ USD nhờ các công nghệ tái chế tiên tiến.

Theo nghiên cứu của Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne, công nghệ pyrolysis có thể giảm 96% việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và 58% lượng nước trong vòng đời sản phẩm. Tuy nhiên những thách thức về chi phí và hiệu quả vẫn còn tồn tại.

Bên cạnh đó các hệ thống thông minh sử dụng AI trong phân loại rác đang mang lại những kết quả khả quan. Theo nghiên cứu được công bố trên trang web của Trung tâm Thông tin công nghệ sinh học quốc gia Mỹ (NCBI), các thiết bị phân loại rác thông minh có thể đạt độ chính xác lên đến 94,54%, góp phần giảm đáng kể chi phí xử lý và nâng cao hiệu quả tái chế.

Trong lĩnh vực vật liệu thay thế, các loại nhựa phân hủy sinh học như PHA (polyhydroxyalkanoate), PLA (polylactic acid) đang được phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên những vật liệu này vẫn đang phải đối mặt với thách thức về quy mô sản xuất và chi phí.

Theo các chuyên gia, quá trình sản xuất các loại nhựa sinh học này chủ yếu dựa vào vi sinh vật, gây khó khăn trong việc mở rộng quy mô và đảm bảo hiệu quả chi phí, theo nghiên cứu đăng ngày 1-9-2024 trên MDPI.

Các thách thức chính mà công nghệ đang phải đối mặt bao gồm chi phí vận hành cao, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và nhu cầu về chính sách hỗ trợ từ chính phủ.

Theo báo cáo của PetPLA.net, việc thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng và chính sách là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của công nghệ tái chế.

Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và cam kết mạnh mẽ từ phía chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý và cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Việc trì hoãn giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa không chỉ là gánh nặng môi trường mà còn là gánh nặng tài chính khổng lồ cho thế hệ tương lai.

Trong khi đó, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Energy & Environmental Science, các giải pháp hiện tại như chuyển đổi rác thải nhựa thành năng lượng vẫn chưa đạt được mục tiêu trung hòa carbon.

Đặc biệt đáng lo ngại là sự xuất hiện của vi nhựa trong cơ thể con người, gây ra những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng cho thế hệ mai sau.

Theo Công ước Basel (Basel Convention) - hiệp ước quốc tế về kiểm soát chất thải nguy hại, các mảnh nhựa lớn không chỉ tích tụ trên bãi biển hoặc chìm xuống đáy đại dương, mà còn vỡ thành những hạt vi nhựa dưới tác động của ánh nắng mặt trời và nước biển.

Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 9: Tái chế nhựa - động lực mới cho kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2.

Hai công ty Ad Rem và Hamos đã hợp tác phát triển dây chuyền tái chế nhựa tiên tiến, chuyển hóa rác thải thành tài nguyên. Nhà máy đầu tiên thuộc loại này hiện đang hoạt động hết công suất tại cơ sở AO Recycling ở Telford, một trung tâm công nghiệp lớn thuộc hạt Shropshire, miền tây nước Anh - Ảnh: Recycling-magazine

Giải pháp đa chiều

Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, cộng đồng quốc tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp toàn diện.

Trên phương diện chính sách toàn cầu, Công ước Basel đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát vận chuyển rác thải xuyên biên giới, trong khi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tích cực thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.

Một ví dụ điển hình về thành công trong việc triển khai giải pháp địa phương là dự án thí điểm tại Galle, Sri Lanka, được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Na Uy (Norad) và do Ban thư ký Công ước Basel điều phối. Tại đây một mô hình hợp tác đa bên đã được thiết lập với sự tham gia của nhiều đối tác địa phương.

Trong các trường học, học sinh, giáo viên và phụ huynh đã cùng nhau tham gia các hoạt động như lấy mẫu vi nhựa trong nước, dọn dẹp bãi biển, tổ chức cuộc thi video và sáng tạo tác phẩm nghệ thuật từ rác thải nhựa.

Về phía ngành du lịch, ba khách sạn đã phát triển kế hoạch hành động để giảm thiểu nhựa dùng một lần và lắp đặt các bộ lọc đặc biệt trong máy giặt để thu gom sợi vi nhựa.

Đặc biệt trong cộng đồng ngư dân, các ngư dân đã hợp tác với tình nguyện viên thu gom và sửa chữa lưới đánh cá thải bỏ để tái sử dụng trong ngành thủy sản và nông nghiệp, đồng thời đảm bảo các lưới không thể sửa chữa được xử lý có trách nhiệm.

Thành công của dự án này đã chứng minh hiệu quả của cách tiếp cận địa phương trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa toàn cầu, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các bên liên quan trong cộng đồng.

Trong lĩnh vực hợp tác khu vực, Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đang đẩy mạnh chuyển giao công nghệ quản lý rác thải nhựa.

Theo cổng thông tin chính thức của EU (Europa), các chuyên gia từ cả hai khu vực đã chia sẻ nhiều công nghệ tiên tiến, từ giải pháp tái chế hạt nhân của Indonesia đến công nghệ tái chế nhựa dùng một lần của Lào và bao bì bền vững của Philippines.

Vai trò của doanh nghiệp cũng ngày càng được đề cao. Liên minh Toàn cầu về nhựa (Global Plastics Alliance) đã thông báo số lượng dự án ngăn chặn rác thải nhựa đại dương đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2011, với khoảng 395 dự án được lên kế hoạch, đang triển khai hoặc đã hoàn thành tính đến đầu năm 2020, theo trang PlasticsEurope.

Đặc biệt, Liên minh chống rác thải nhựa (Alliance to End Plastic Waste) với sự tham gia của gần 40 công ty hàng đầu toàn cầu đã đặt mục tiêu đầu tư 1,5 tỉ USD trong năm năm tới để giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Hướng tới kinh tế tuần hoàn

Việc giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa không thể là trách nhiệm của riêng chính phủ hay doanh nghiệp. Theo UNEP, cần có sự chuyển đổi căn bản từ mô hình kinh tế tuyến tính "khai thác - sản xuất - thải bỏ" sang hệ thống tuần hoàn, nơi sản phẩm nhựa được thiết kế để tái sử dụng và tái chế.

Ở cấp độ cá nhân, mỗi người có thể đóng góp bằng cách thay đổi thói quen tiêu dùng và giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần.

Theo các chuyên gia của UNEP, việc tái chế không chỉ là trách nhiệm môi trường mà còn là cơ hội kinh tế to lớn. Đến năm 2027, dự kiến 500 doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chủ chốt sẽ áp dụng các giải pháp và đổi mới tuần hoàn hiệu quả.

-------------------

"Chúng ta không chống lại nhựa, vật liệu nhựa mà chống rác thải nhựa. Nhất là rác thải nhựa dùng một lần thì chúng ta cần phải chống, cái này thải ra môi trường rất nhiều gây ra tình trạng ô nhiễm trắng mà con người phải hứng chịu".

Kỳ tới: Chống rác thải nhựa: bên nói, bên im lặng là thất bại

Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 9: Tái chế nhựa - động lực mới cho kinh tế tuần hoàn - Ảnh 3.Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 8: Xử lý rác thải nhựa - Kinh nghiệm các nước phát triển

Việt Nam là một trong những quốc gia ô nhiễm nhựa nhất thế giới và đang đối mặt bài toán môi trường cấp bách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên