Chỉ đếm sơ một bà nội trợ và nhóm bạn trẻ này đã vứt ra thùng rác gần cả trăm rác nhựa các loại chỉ trong đầu ngày.
Mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa các loại, trong đó chỉ riêng bao ni lông là 30 tỉ cái và đa phần không được tái chế. Lượng gây ô nhiễm thật khủng khiếp. Kinh nghiệm các nước ra sao? Có giải pháp căn cơ nào?
Đời sống tiêu dùng nhanh, mua sắm, đặt hàng, đặt món qua ứng dụng ngập tràn bao bì, đồ nhựa dùng một lần… đã thải thêm nhiều rác nhựa. Nhiều người cho biết những đồ nhựa này tiện lợi, nhanh chóng, giá lại rẻ nên họ ưu tiên hơn.
"Sao không lấy bọc ni lông?"
Công việc hành chính, ngồi văn phòng từ 8h đến 18h, nhiều công ty không có căng tin, người lao động lại không có thời gian chuẩn bị cơm mang đi làm. Thế là mỗi ngày cứ đến giờ trưa, túi ni lông, ly nhựa, muỗng nhựa, hộp lớn, hộp nhỏ ê hề được giao về tận phòng làm việc.
Phòng nhân sự của chị Bùi Bích (36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) tổng cộng 10 người tính luôn sếp. Hầu như cứ 11h30 hằng ngày mọi người chuyền tay nhau thực đơn quán cơm để chọn món.
''Có hôm quán này giao hộp giấy. Hôm khác, quán khác giao hộp nhựa, bọc ni lông. Dụng cụ ăn uống bằng nhựa thì chắc chắn rồi, dùng một lần xong gom đi vứt rác thôi. Công việc phòng tôi cũng khá bận rộn nên ít ai mang cơm nhà theo, toàn ăn tiệm cho nhanh'', chị Bích nói.
Mỗi ngày, đồng nghiệp chị ít nhất mỗi người một ly cà phê buổi sáng và một ly trà sữa hay món ăn nhẹ, tráng miệng tầm xế chiều. Đó là chưa kể buổi sáng một vài người lỉnh kỉnh túi lớn, hộp nhỏ mua dọc đường đến công ty ăn sáng. Vậy nên cứ cuối ngày thùng rác lại đầy ắp rác thải nhựa.
''Người ta bán, đóng gói sao thì mình nhận như vậy. Nhưng cá nhân người tiêu dùng như mình khi đặt thức ăn qua app thường ghi chú cho quán để riêng các loại, phòng khi chưa dùng ngay thì không ảnh hưởng đến mùi vị thức ăn'', chị Bích nói như thừa nhận sự "kỹ lưỡng" của mình đã góp phần thêm nhiều bao bì, hộp đựng.
Nhiều khi phân vân giữa việc lấy hay không lấy dụng cụ ăn uống bằng nhựa, rồi nhìn lại hóa đơn cũng y vậy nên chị Bích thôi kệ, cứ lấy thừa còn hơn thiếu, dẫu gì cũng… miễn phí.
"Sao không lấy bọc ni lông?", cô bán hàng hỏi rồi giũ bọc nghe cái phạch, đưa ly cà phê cho chị Nguyễn Kim Thanh (30 tuổi, ngụ đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận). Định trả bọc lại nhưng thấy cô bán hàng đang tất bật, chị xách luôn về. Chị cho biết do bận rộn nên là tín đồ của việc ăn ngoài, đặt đồ ăn, hàng hóa qua ứng dụng điện thoại.
Chị Thanh kể mỗi lần đặt món, nhận thức ăn, ít gì cũng một mớ đồ nhựa. Món ít tiền thường đựng trong hộp xốp, món nhiều tiền hơn thì trong những khay nhựa chia ngăn. Rồi muỗng nĩa nhựa dù chọn "không lấy" khi đặt nhưng hàng quán vẫn giao.
Khi mua hàng trên các trang thương mại điện tử, chị cũng nhận hàng được gói nhiều lớp.
"Bây giờ có loại bọc chống sốc tiện dụng nên cái gì người ta cũng bọc vào. Mua sách đã có lớp màng co nhưng có chỗ vẫn quấn bọc chống sốc rồi đóng hộp. Mua chai mỹ phẩm dưỡng da là mấy lớp bọc xốp quấn, băng keo, thêm bọc xốp phồng to chèn vào", chị kể.
Tuy nhiên chị cho biết mình mua vậy quen rồi, cả ngày đi làm nên về cũng lười ghé cửa hàng. "Mua là người ta giao tận công ty, khỏe re. Riết rồi toàn mua trên mạng thôi", chị cho biết.
Theo một số người bán hàng online, việc gói hàng nhiều lớp đảm bảo không bị va đập, khi rơi rớt không xi nhê. Hàng hóa bán trên sàn thương mại điện tử khi giao phải qua nhiều kho vận chuyển rồi giao hàng trong điều kiện mưa nắng thất thường…
Phải có bọc ni lông đầy đủ, sợ khách phàn nàn
Bán bún trên đường Trường Sa (quận 3), bà Sáu Phương cho biết phải bỏ bọc ni lông tươm tất cho khách: bún dùng bọc riêng, nước bọc riêng và phải cả hai cái bọc, rau bọc riêng, chanh ớt bọc riêng, nước mắm bọc riêng, các loại tương chấm bọc riêng, khăn giấy và tăm bọc riêng… để đảm bảo lịch sự và "vệ sinh".
Muỗng nhựa cũng phải để kèm vì nếu khách cần dùng mà không có, bà sợ bị đánh giá trên app giao hàng. Bà cười xòa khi nghe về việc hạn chế bọc ni lông, "bởi việc buôn bán buộc phải như vậy".
Không riêng gì bà Phương, nhiều hàng quán thức ăn, nước uống khác trên địa bàn TP.HCM cũng sử dụng chủ yếu bao bì, vật dụng đựng bằng ly nhựa, bọc ni lông. Món ăn càng phức tạp, số lượng bao bì ni lông càng lỉnh kỉnh, chi chít đủ loại. Còn nếu dùng các loại hộp, túi từ nguyên liệu thân thiện môi trường thì sẽ đẩy chi phí cao hơn.
Vừa khởi nghiệp xe trà chanh tươi cách đây không lâu, anh Lê Thanh (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: ''Tôi ra trà chanh cho khách trong túi zip nhựa trong suốt có in logo quán, kèm theo ống hút nhựa màu đen, cộng thêm một túi ni lông bên ngoài. Như vầy thấy cũng nhanh gọn, tiện lợi mà chi phí lại thấp. Mình khởi nghiệp mà, càng đơn giản càng tốt''.
Anh cho biết trung bình mỗi ngày bán 200 túi. Anh mua túi zip, túi ni lông 60.000 - 70.000 đồng/kg, còn ống hút nhựa loại chuyên dụng từ 15.000 - 20.000 đồng/20 cái.
''Vì hàng quán đơn sơ nên tôi không mua thêm ly để phục vụ riêng cho khách dùng tại chỗ. Những khách nào ngồi lại quán, tôi cũng đựng trong túi zip luôn. Dùng toàn bao bì nhựa cho tiện lợi, dễ mua và chưa bị khách phàn nàn gì nên chưa có ý định thay đổi'', anh nói.
Cũng có những bạn trẻ hạn chế tối đa việc nhận bọc ni lông khi mua hàng và còn góp ý khi người bán đựng quá nhiều bọc ni lông.
Chị Trần Thị Thủy (34 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ rằng hiếm khi đặt đồ ăn, đồ uống bên ngoài mà thường nấu đem theo. Nếu ra ngoài chị thường ăn tại quán. Thi thoảng mua đồ chị sẽ chọn quán quen, nơi người bán gói giấy hoặc lá chuối nhưng đôi khi cũng không tránh được việc nhận bọc ni lông.
Chị cười cho biết: "Nếu mình có góp ý, thái độ của mọi người cũng hên xui lắm. Nhưng mà nếu gặp mình cũng cứ góp ý thôi. Việc của mình là góp ý, nghe hay không là chuyện của mọi người. Mình lâu lắm rồi không đi chợ truyền thống mà đi siêu thị vì gần nhà. Nhà cũng sắm sẵn xe kéo hàng và túi vải rồi nên cứ vậy đi chợ thôi".
Ô nhiễm nhựa là vấn đề cấp bách
Ô nhiễm nhựa là vấn đề môi trường cấp bách thứ hai, chỉ sau biến đổi khí hậu.
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Trong đó 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Điều đáng nói việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại được tái chế.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi ni lông/tháng, riêng hai TP lớn Hà Nội và TP.HCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi ni lông.
Bên cạnh đó, trong một công bố đầu năm nay của Kaustubh Thapa - nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Copernicus, Utrecht, Hà Lan và các cộng sự - cho thấy Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến của rác thải nhựa từ các nước phát triển trên khắp thế giới.
****************
Nhiều bà nội trợ đi chợ mang về cái túi ni lông lớn bỏ bên trong hàng chục túi ni lông nhỏ chứa các loại thực phẩm, đồ dùng, thậm chí thịt cá còn được bọc đến mấy lớp để "vệ sinh".
>> Kỳ tới: Túi ni lông ngập chợ, bay khắp nơi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận