Đã có rất nhiều tuyên truyền về việc phân loại và thải rác đúng nơi đúng chỗ, nhưng nhiều người vẫn tiện tay vứt. "Văn minh" là cứ bỏ tất cả vào thùng rác, không thì ra đường, công viên, bờ hồ, kênh rạch...
Vứt rác thoải mái vì có người dọn?
Đã nhiều lần chị Thủy Tiên chứng kiến tình trạng vứt rác bừa bãi: "Dường như mọi người nghĩ cứ quăng tùm lum sẽ có những người lao công, gom rác đi nhặt. Ở công viên, nhiều người ăn uống xong bọc ni lông, ly nhựa, hộp xốp để luôn trên băng ghế hoặc ném dưới gốc cây, bãi cỏ".
Gần nơi chị ở có bờ kênh, người dân hay ra tập thể dục, hóng mát. Thế nhưng dọc dài theo kênh, không khó bắt gặp ly nhựa, bọc, vỏ chai... bị vứt dù có thùng rác. Một số bạn ngồi tám chuyện, ra về gì cũng nhớ nhưng rác thì bỏ lại.
Đầu dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn thuộc quận Tân Bình, rác nổi lềnh bềnh. "Mấy lần tôi đạp trúng rác, phân chó, nhất là lúc trời tối thấy ghê lắm. Tập thể dục để khỏe nhưng thấy người ta vứt rác, đổ nước thải nên tụt cả hứng", chị kể.
Sáng sớm tập thể dục dưới chung cư, anh Nguyễn Tấn Lộc (36 tuổi, quận 8) hay thấy những người trung niên ngồi ăn sáng ở các ghế đá, xong để rác lại.
Một số bạn trẻ thường vứt lộn xộn sau khi ăn uống, dự sự kiện hoặc ở các địa điểm công cộng. Đặc biệt, ở những sự kiện ngoài trời, ngày hội... lượng rác thải khá nhiều.
Anh nói: "Ở rạp chiếu phim, xem xong một số bạn để túi đựng bắp, ly nước... y thinh chỗ ghế ngồi, thay vì cầm ra bỏ thùng rác là hành vi tốt hơn.
Người ta hay mặc định sẽ có người dọn". Hoặc trên trục đường Pasteur từ quận 1 qua quận 3 và các trục đường nhiều trường học, công sở, anh thấy có tình trạng hay xả rác vỉa hè.
Theo anh, một phần do ít thùng rác công cộng và phần lớn vẫn là do ý thức người xả. Anh cho rằng cơ quan hữu quan nên tạo cho thùng rác vẻ trực quan hơn, như phân loại rõ thùng vô cơ, hữu cơ để bỏ rác cho đúng.
Một số khu vực ngoại thành TP.HCM, người dân còn vứt rác thải sinh hoạt ra ngoài, không áp dụng hình thức trả tiền cho đội thu gom rác.
Bà Bùi Thị Thúy (68 tuổi, ngụ xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) cho biết vẫn có một số hộ dân vứt rác xuống hố, bãi gần nhà. Thùng rác lớn của mấy hộ để rác chung không phân loại, trời nắng bốc mùi hôi.
"Nhiều lần nhìn công nhân vệ sinh và các bạn trẻ thiện nguyện mò mẫm vớt rác dưới đoạn kênh nước đen này mà tôi vừa thương họ vừa mắc cỡ thay cho những người xả rác bậy.
Cái gì họ cũng thẳng tay vứt xuống được, từ bọc ni lông đầy rác bên trong đến ly nhựa uống trà sữa, ống hút nhựa, chén đĩa cũ, vỏ ruột bánh xe cũ.
Không chỉ lén xả rác đêm, nhiều người còn xả ngay ban ngày như không coi ai ra gì" - bà Hai Thúy, một người dân ở gần đoạn kênh nước đen đầu đường Tô Hiệu, quận Tân Phú, lắc đầu ngao ngán.
Trên ghi phạt 1 triệu, dưới rác vẫn hỗn độn cả đống
Quy định về phân loại rác vừa có hiệu lực ngày 1-1, nếu không phân loại tại nguồn sẽ chịu mức phạt 1 triệu đồng. Vậy nhưng dạo một vòng đường Giải Phóng, Thái Thịnh, Thành Công ở các quận nội thành Hà Nội, rác vẫn đầy gốc cây, hộp điện...
Ngay dưới chân cột chỉ dẫn ngõ Thái Thịnh 1 (quận Đống Đa), người dân ghi biển cấm đổ rác kèm mức phạt 1 triệu đồng. Chiều tối, rác vứt đầy bên dưới, nào bọc ni lông, nào xốp, gỗ, lá cây.
Chủ cửa hàng tạp hóa đầu ngõ bức xúc: "Không phạt được ai cả, người ta chạy xe máy qua ném vào đấy, vô tư lắm, chúng tôi đều nhìn thấy nhưng không làm gì được. Nếu có mức phạt như giao thông hiện nay, quay lại để phạt thì tôi quay liền mà không cần nhận trích thưởng".
Trước khi có quyết định phạt, ở đây có biển cấm đổ rác, bây giờ ghi thêm tiền phạt nặng nhưng đều không có tác dụng. Nhìn sang ngõ bên kia đường cũng một ụ rác to dưới gốc cây, đi thêm vài chục mét lại có một điểm xả rác như vậy thì cấm được ai?
Là giảng viên, chị Trần Thúy Hằng (ngụ quận Tây Hồ) kể: "Có những người thấy túi ni lông lượm bỏ vào túi mang về nhà nhưng một số thì xả ngay dưới chân chỗ ngồi của mình.
Trong quán cà phê, tôi nhìn thấy thìa nhựa, ống hút nhựa, cốc nhựa là thấy độc hại rồi, những thứ đó lại đựng đồ ăn, đồ uống nóng nữa thì không biết ra sao mà người ta vẫn dùng ngon lành".
Vài năm trước chị giảng dạy một lớp hệ cao đẳng ở ngoại thành. Sinh viên hay ăn bim bim, kẹo cao su, nước đóng chai. Tan học, rác ngổn ngang ở lại. Chị nhìn mà tá hỏa, yêu cầu vệ sinh sạch sẽ và giảng giải rác thải nhựa độc hại, khó phân hủy ra sao.
Nhưng chị biết nhiều bạn vẫn dùng. "Các em vẫn uống trà sữa, trà chanh, ăn cơm trưa ngoài hàng quán mỗi ngày với nhiều loại bao bì, ly nĩa, ống hút nhựa. Chủ quán vẫn bán, các em cũng không từ chối".
Một lần được con trai 14 tuổi nhắc nhở về việc xả rác qua cửa xe hơi, ông Nguyễn Xuân Hiền (ngụ đường Nguyễn Thái Học, quận Hoàn Kiếm) cho biết đã dần có thói quen đem rác về nhà. Ông kể khi đó rất ngượng với con.
"Tôi cứ nhớ mãi lời nó. Năm ấy hai bố con chạy lên Hòa Bình chơi nhà bà con, mua nắm xôi ở chợ quê có lá chuối, có túi ni lông bọc ở ngoài. Ăn xong, sợ mùi trong xe nên tôi tiện tay bật kính ném ra đồng.
Giọng thằng bé gay gắt lắm, tôi nhớ rõ nhưng mừng vì con đi học được giáo dục tốt. Từ đó đi đâu mua đồ ăn uống, không có thùng rác là tôi cho vào túi quần, vào xe mang về nhà".
Ông nhớ có người bạn trong TP.HCM ra, kể đi ăn quán phở trâu tươi ngon ở Nam Định nhưng nhìn thấy người ta xả rác ở dưới chân nên chỉ ăn lần này thôi. Bây giờ ăn ở đâu cô hỏi quán có sạch không mới ăn.
Ông nói: "Mới trưa hôm qua thôi, đi ăn nhà hàng thừa đồ ăn, người ta bọc sẵn hộp túi cho cô ấy mang về, thế mà cô nàng tháo hết lớp túi bóng, cầm hộp đồ ăn đi bộ về. May mà hộp giấy chứ hộp nhựa cô ấy không mang về đâu".
Nghe về rác thải nhựa ở quê, ông sợ nhất vỏ thuốc cỏ, thuốc trừ sâu, chai lọ nhựa vứt bừa bãi bờ ruộng và dưới mương nước.
Mỗi lần ông về quê An Dương, Hải Phòng, sáng sớm chạy bộ thể dục ra cánh đồng sẽ gặp cảnh vỏ thuốc cỏ, thuốc trừ sâu tụ lại miệng cống.
"Bà con dùng đủ loại đựng trong lọ nhựa, túi nhựa, bọc thêm ni lông để mang đi cho tiện. Tôi nhắc anh em trong nhà từ lâu, nhớ phải gom đem về xử lý. Nhà tôi làm được nhưng xung quanh hàng xóm hỏi ba nhà thì cả ba chẳng ai mang về, cứ bỏ ngoài ruộng cho... tiện tay", ông kể.
Vứt rác bừa bãi phạt đến 2 triệu đồng
Theo nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ 1-1-2025, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt 500.000 đến 1 triệu đồng.
Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển sẽ bị phạt 1 - 2 triệu đồng.
_____________________________________________
"Hằng ngày, cái nào xanh được thì mình xanh. Như ráng trồng nhiều cây, tiết kiệm điện nước, không chi nhiều cho thời trang, mỹ phẩm, hạn chế dùng đồ nhựa một lần...".
Kỳ tới: Người trẻ lan tỏa lối sống xanh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận