31/03/2023 18:24 GMT+7

Kiếm tiền gian dối trên Tinder: Lối sống độc hại cần bài trừ

Nữ YouTuber K. gây bức xúc vì video dạy kiếm tiền trên Tinder. Nhiều người cho rằng nội dung này cổ xúy sống gian dối.

Kiếm tiền gian dối trên Tinder: Lối sống độc hại cần bài trừ - Ảnh 1.

Nữ YouTuber kể chuyện kiếm tiền trên Tinder bằng các chiêu trò gian dối - Ảnh: Chụp màn hình

YouTuber K. cho biết cô từng thất nghiệp nhưng vẫn sống được ở Hà Nội nhiều năm. Cô tiết lộ: "Có một cách mình kiếm tiền là thông qua Tinder và tất cả các app hẹn hò".

Xin 200.000 đồng đi taxi, thu 3 triệu tiền đi muộn

YouTuber này tự nhận mình "không có nhan sắc, không có bằng cấp" nhưng "biết dùng não". Khi "match" với một người và đi hẹn hò, cô tung chiêu trò kiếm tiền. 

Đó là nói không có tiền mặt, vay 200.000 đồng để đi taxi về rồi sau đó sẽ chuyển khoản, nhưng thường là bạn hẹn không yêu cầu chuyển.

"Lúc thì 200.000 đồng, lúc thì 500.000 đồng. Mình bắt xe công nghệ về. Một ngày gặp một người thì một tháng mình cũng có tầm vài triệu đủ ăn..." - cô kể.

Bên cạnh chiêu đó, cô còn cho biết mình kiếm tiền trên Tinder bằng cách viết hồ sơ hộ, nhắn tin tán gái hộ những người đàn ông trên Tinder.

Chưa kể những khoản tiền tùy hứng. Đó là những lần bạn Tinder đến muộn, cô tính tiền đi muộn là 100.000 đồng/phút. Người đó đến muộn 30 phút và phải trả 3 triệu đồng.

Một video khác của K. cũng nhận nhiều chỉ trích là "Mình bịa CV để đi xin việc thế nào?". 

Cô bịa về kỹ năng tin học, điểm IELTS, kinh nghiệm làm việc. Còn người tham chiếu trong CV là hai người bạn thân với chức danh và email bịa.

Trên mạng xã hội, nhiều người chỉ ra những sai lầm về mặt tư duy và đạo đức khi nữ YouTuber kể cách kiếm tiền qua Tinder, bịa CV. Nhiều khán giả cho rằng nữ YouTuber lan truyền lối sống gian dối.

Khán giả Thịnh Joey bình luận trên Facebook: "Làm vlogger mà kể lại mấy trò lợi dụng khôn lỏi, kiếm tiền trên sự tử tế hay lịch sự của người khác thì bị tẩy chay cũng đúng rồi".

Bên cạnh đó, nhiều khán giả cho rằng nữ YouTuber câu view lộ liễu. Chưa chắc cô đã thực sự sống như mô tả, nhưng lại kể như vậy vì biết sẽ gây chú ý. 

Nhưng khán giả Kim Thanh cho rằng nội dung này nếu là thật hay bịa thì đều có thể coi là nội dung bẩn, độc hại.

Về khía cạnh bình đẳng giới, cư dân mạng cũng không hài lòng khi các video cổ xúy tư duy cổ hủ: tô đậm định kiến nữ giới thì có xu hướng đào mỏ, còn nam giới luôn phải trả tiền.

Ngay sau khi các video này trở nên viral, đặc biệt là "kiếm tiền trên Tinder", các YouTuber khác cũng đăng tải nhiều video chỉ trích lối sống gian dối này. 

Các kênh YouTube Tuyền Văn Hóa, S News, Luật sư X, TB Trends, A CN... mổ xẻ sự sai lệch của K., phân tích từ góc độ pháp luật xem có dấu hiệu lừa đảo hay không. Kênh 1977 Trung Anh làm video châm biếm.

Nội dung bẩn, "đào mỏ" bằng Tinder cần bị bài trừ

Bên cạnh việc bàn luận về các video của K., cư dân mạng cũng chú ý đến khía cạnh lừa tiền, lừa tình qua Tinder, app hẹn hò. Hiện tượng này không mới nhưng vẫn luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Năm 2022, phim The Tinder Swinder (Kẻ lừa đảo trên Tinder) trên Netflix phản ánh một trường hợp điển hình. Simon Leviev (33 tuổi) là kẻ lừa tình, chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ sau khi làm quen qua Tinder. Nhiều phụ nữ đem lòng yêu Simon và sẵn sàng nợ nần để đưa tiền cho hắn. Khi biết hắn là kẻ lừa đảo, họ vẫn còn nuối tiếc mối quan hệ.

Simon bị cáo buộc lừa đảo 10 triệu USD từ các nạn nhân trên khắp châu Âu. Vào năm 2015, Simon bị kết án 2 năm tù ở Phần Lan. Năm 2019, anh ta bị kết án 15 tháng tù ở Israel. Trong nhiều năm, anh ta bị truy nã ở một số quốc gia vì tội lừa đảo.

Năm 2017, báo Independent từng đưa tin về một cô gái sử dụng mánh khóe để kiếm tiền qua Tinder tương tự YouTuber K.

Maggie Archer, một nữ sinh viên 20 tuổi, đã sử dụng Tinder để kết đôi với những người đàn ông và dụ dỗ mỗi người gửi 5 USD cho mình qua Paypal. 

"Chuyển cho em 5 USD và xem điều gì xảy ra" - cô viết vậy trên Tinder. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả, sau khi chuyển tiền, các nạn nhân đều bị ngắt kết nối trên Tinder. 

Archer lên Twitter khoe "thành tích" của bản thân khi tài khoản hiển thị một chuỗi chuyển khoản 5 USD. Chỉ trong vòng một tuần, cô này dụ được 20 người chuyển tiền.

Cũng năm 2017, ở Singapore, người đàn ông 44 tuổi tên Eng How Khiang đã dùng Tinder để làm quen phụ nữ và vay tiền họ. 

Khiang nói dối là đang đi công tác ở Nhật Bản và bị mất ví, rất cần tiền. Do đó, anh ta thuyết phục được 4 phụ nữ chuyển cho mình tổng cộng 33.000 USD. Người đàn ông này đã bị bắt và xử tù vì tội lừa đảo.

Dù là ngoài đời hay qua những video "câu view" trên YouTube, lối sống gian dối này đều cần phải bài trừ. Sự lên án của dư luận đối với những nhân vật này là cần thiết và mang ý nghĩa cảnh tỉnh những ai đang có ý định làm theo họ.

Nạn nhân của Nạn nhân của 'siêu lừa' trên Tinder thua kiện, còn bị đóng phí tòa

TTO - Một tòa án ở Hà Lan đã phán quyết Ngân hàng ING Groep NV không thể bị buộc tội là sơ suất vì đã không chặn được tiền chuyển cho 'siêu lừa' Simon Leviev - người được xem là thủ phạm của vụ lừa đảo hàng loạt trên ứng dụng hẹn hò Tinder.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên