03/03/2023 09:03 GMT+7

Kiểm định chất lượng đầu vào công chức như thế nào?

Từ nay đến 2026, mỗi năm các cơ quan quản lý nhà nước ở cả trung ương và địa phương sẽ tuyển thêm hàng ngàn công chức, theo đó hàng ngàn thí sinh phải thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào nếu muốn trở thành công chức của bộ máy hành chính.

Sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, những công chức tương lai trên giảng đường - Ảnh: TỰ TRUNG

Sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, những công chức tương lai trên giảng đường - Ảnh: TỰ TRUNG

Trong khi đó, quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức vừa ban hành sẽ áp dụng bắt buộc từ tháng 8-2024. Việc thực hiện kiểm định có ý nghĩa gì và làm sao để đơn giản, dễ thực hiện khi chỉ những người đạt kết quả kiểm định đầu vào công chức mới được thi tuyển công chức?

Chuẩn chung về đầu vào công chức: nhiều lợi ích

TS Trần Anh Tuấn, chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, cho biết việc Bộ Nội vụ tiến hành kiểm định chất lượng đầu vào công chức thời gian tới thực hiện theo tinh thần của nghị quyết 26 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ.

Kiểm định đầu vào công chức theo ông Tuấn là một đột phá trong cơ chế tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Làm tốt công tác này sẽ tiết kiệm được nguồn lực, giảm bớt thời gian tuyển dụng, giúp các cơ quan tuyển được người đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm.

Hơn nữa, sau khi thực hiện kiểm định, các cơ quan quản lý nhà nước không phải thực hiện thi công chức hai vòng như hiện nay (vòng 1 thi kiểm tra kiến thức, năng lực tập trung; vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành) mà chỉ tổ chức thi một vòng nghiệp vụ chuyên ngành để tuyển dụng công chức.

Cũng theo ông Tuấn, những điểm mới trong kiểm định đầu vào công chức thời gian tới là đưa kiểm định đầu vào công chức thành nội dung quản lý nhà nước, bảo đảm thống nhất về kiểm định trên phạm vi toàn quốc.

Và để thực hiện được điều này thì công tác kiểm định chất lượng đầu vào công chức phải bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng nhất, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào công chức. Mặt khác, công tác kiểm định phải được tiến hành công khai, minh bạch, kiểm tra được kiến thức nền của mỗi thí sinh, bảo đảm tính hiệu quả trong tuyển dụng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tuấn Ninh, vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), chia sẻ hiện nay việc thi tuyển công chức vòng 1 chỉ tập trung đánh giá kiến thức chung của thí sinh nhưng quá trình kiểm định chất lượng đầu vào công chức sau này Bộ Nội vụ sẽ xây dựng một ngân hàng câu hỏi tập trung vào đánh giá năng lực tư duy, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, tránh trường hợp học vẹt khi thi tuyển công chức.

Trước mắt, bộ sẽ xây dựng một thông tư hướng dẫn quy chế, nội quy tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức, cùng với đó sẽ phổ biến nội dung nghị định để bộ, ngành, địa phương thống nhất triển khai thực hiện, ông Ninh cho hay.

Về cách thức kiểm định, ông Ninh cho biết Bộ Nội vụ sẽ xây dựng một phần mềm để tổ chức thi, kiểm định và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Thí sinh có thể nộp phiếu đăng ký kiểm định qua mạng, quá trình tổ chức kiểm định được thực hiện trên máy tính, bảo đảm công khai, minh bạch và tiết kiệm. Thí sinh ở đâu thi cũng được, từ đó tạo được nguồn thí sinh chất lượng đầu vào cho công tác tuyển dụng công chức của các bộ, ngành, địa phương.

Thí sinh thi tuyển công chức khối đảng, đoàn thể thành phốnăm 2022 - Ảnh: PHAN AN

Thí sinh thi tuyển công chức khối đảng, đoàn thể thành phốnăm 2022 - Ảnh: PHAN AN

Chúng ta đang trong quá trình tinh giản biên chế, cơ cấu lại để nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, đưa ra khỏi bộ máy những người không có năng lực, trình độ thì phải tuyển được những người đầu vào đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Thực tế cho thấy yêu cầu, nhiệm vụ với công chức, viên chức ngày càng cao.
Ông Nguyễn Tuấn Ninh

Đơn giản thủ tục kiểm định

Bàn về việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, ông Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng kiểm định chất lượng công chức là hình thức sơ tuyển trước khi thi, bảo đảm kỳ thi tuyển có chất lượng tốt hơn là cần thiết, nhưng thủ tục kiểm định cần tránh phiền hà, tránh rắc rối cho thí sinh và cơ quan tuyển dụng.

Công tác kiểm định chất lượng đầu vào công chức cần quy định rõ tổ chức kiểm định chất lượng phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định đầu vào.

"Việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức tách khỏi hội đồng thi tuyển sẽ khách quan hơn, không còn tình trạng tay nọ bỏ tay kia như lâu nay. Thực hiện kiểm định đầu vào công chức sẽ tạo ra một thể chế khách quan, công bằng, đúng tiêu chuẩn", ông Phúc nhận định.

Vấn đề đặt ra là làm sao các kỳ thi tuyển công chức phải công bằng, tránh chọn nhầm người không đủ năng lực. Vì thế, cần căn cứ vào từng lĩnh vực để đưa ra tiêu chí sơ tuyển cho phù hợp. "Không nên quá nặng nề, nếu đưa ra hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm lên tới 100 câu hỏi thì như thi chính thức rồi", ông Phúc nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Đồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển truyền thông, khẳng định việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức hiện nay rất cần thiết nhưng cách làm biến nó thành dạng kiểm định, kiểm nghiệm, bộ, ngành, địa phương phải đề xuất, Bộ Nội vụ duyệt danh sách kiểm định, thông báo kết quả kiểm định là không cần thiết lắm.

Vì thế, nên có cách tiếp cận kiểm định đầu vào công chức đơn giản hơn, ví dụ coi việc kiểm định đầu vào công chức thành một học phần online trên cổng thông tin của Bộ Nội vụ để các thí sinh có nhu cầu có thể vào kiểm tra thử, đến khi nào họ nắm vững yêu cầu thì thi thật. Thí sinh nào đạt điểm thì công nhận đã vượt qua học phần, việc kiểm định sẽ nhẹ nhàng hơn.

Theo ông Đồng, trong bối cảnh đội ngũ công chức có nhiều biến động như thời gian qua cũng cần xem lại việc định kỳ một năm kiểm định chất lượng đầu vào công chức hai lần, vì điều này có thể làm lỡ nhịp tuyển dụng của các cơ quan nhà nước.

Khi có một công chức nào đó nghỉ việc, cơ quan muốn tuyển người thay thế phải chờ tới bảy tháng mới có thẻ cập nhật kế hoạch, thực hiện kiểm định đầu vào, xong mới được thi tuyển chính thức.

Quy trình 7 bước kiểm định chất lượng đầu vào công chức:

1. Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên cổng thông tin hằng năm. Mỗi năm có hai kỳ kiểm định vào tháng 7 và tháng 11.

2. Người có nhu cầu thi công chức đăng ký kiểm định; hoặc cơ quan có nhu cầu tuyển dụng công chức đăng ký kiểm định, lập danh sách cần kiểm định gửi Bộ Nội vụ.

3. Bộ Nội vụ lập hội đồng kiểm định thực hiện công tác kiểm định đầu vào công chức.

4. Hội đồng kiểm định thông báo danh sách và triệu tập thí sinh đủ điều kiện tham gia kiểm định

5. Bộ Nội vụ kiểm định bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính; người tuyển dụng vào vị trí trình độ đại học trả lời 100 câu; người tuyển dụng vào vị trí trình độ trung cấp trả lời 80 câu.

6. Thông báo kết quả kiểm định ngay sau khi thi trắc nghiệm, không phúc khảo kết quả kiểm định.

7. Công khai kết quả kiểm định trên trang thông tin Bộ Nội vụ, kết quả kiểm định có giá trị 24 tháng, hết thời hạn phải kiểm định lại.

Tuyển công chức, khó nhất là tìm người có tinh thần phục vụ

Các thí sinh làm thủ tục vào phòng thi tuyển công chức TP.HCM - Ảnh: PHAN AN

Các thí sinh làm thủ tục vào phòng thi tuyển công chức TP.HCM - Ảnh: PHAN AN

Chia sẻ về quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức vừa được ban hành, luật sư Nguyễn Tiến Lập (thành viên VPLS NHQuang và cộng sự, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam) cho rằng đây là điều bình thường.

Tuy nhiên đối với công chức thì vấn đề đầu tiên là ý nguyện cá nhân và sự sẵn sàng phục vụ việc công, lợi ích công của Nhà nước và xã hội. Điều này rất quan trọng vì khác với khu vực tư nhân, khi đó mỗi người chỉ lựa chọn một công việc hay lĩnh vực theo sở thích và sở trường và họ có thể luôn thay đổi.

Tiếp theo, khi bàn về tiêu chuẩn về kiến thức, trình độ nghiệp vụ và phẩm chất thì theo ông Lập, chỉ cần các bước sát hạch, đánh giá đơn giản ở mức tối thiểu thôi.

Lý do? Công chức là những người hành động thực tế và đối diện với sự giám sát, đánh giá không chỉ từ cấp trên, đồng nghiệp mà còn quan trọng hơn là từ người dân và cộng đồng mà anh phục vụ.

Khi đó, yêu cầu hay sự trông đợi và kỳ vọng không phải là tiêu chuẩn cá nhân của công chức mà cơ bản là kết quả công việc người đó thể hiện và chứng minh bằng hành động.

Nói cách khác, sự đánh giá thường xuyên sau tuyển dụng thông qua kết quả công việc và tín nhiệm đạt được mới thực sự cần thiết. Chúng ta đã thấy nhiều thế hệ lãnh đạo, quản lý nhà nước trước đây, họ là những người rất ít được đào tạo chuyên nghiệp tuy nhiên đã làm việc, cống hiến và đạt được những thành tựu rất xuất sắc trên thực tế.

Điều đó có nghĩa là, với đội ngũ công chức, dù cho kiến thức, trình độ là quan trọng nhưng phẩm chất mới là tiêu chuẩn hàng đầu và quyết định.

Thực tế, đã có nhiều công chức thật sự có trình độ hay có tài nhưng phẩm chất kém, họ đã sử dụng cái tài ấy vào việc vun vén cho lợi ích cá nhân nhiều hơn là phục vụ, và kết quả là khi sự việc đi quá đà, vi phạm pháp luật và lãnh án.

Kinh nghiệm trong tuyển dụng nhân sự ở khu vực tư chỉ ra rằng việc kiểm tra viết, dù là trắc nghiệm đi nữa chỉ nên là một bước ở vòng loại, tức sơ tuyển.

Còn sau đó việc phỏng vấn chuyên sâu mới là quan trọng bởi cuối cùng thì mỗi cơ quan, đơn vị cần tìm con người phù hợp cho mình và cương vị trông đợi chứ không phải là mua sắm các cỗ máy làm việc.

"Nếu có thể góp ý thì tôi mong rằng mỗi hội đồng đánh giá, tuyển dụng như vậy nên có thêm thành phần là các chuyên gia về nhân sự từ bên ngoài, để thêm tính chuyên nghiệp và khách quan", ông Lập nêu ý kiến.

Công chức là những người hành động thực tế và đối diện với sự giám sát, đánh giá không chỉ từ cấp trên, đồng nghiệp mà còn quan trọng hơn là từ người dân và cộng đồng mà anh phục vụ.

Khi đó, yêu cầu hay sự trông đợi và kỳ vọng không phải là tiêu chuẩn cá nhân của công chức mà cơ bản là kết quả công việc người đó thể hiện và chứng minh bằng hành động.

B.NGỌC ghi

Cử tri đề xuất tăng biên chế công chức cho TP.HCM: Bộ Nội vụ nói gì?Cử tri đề xuất tăng biên chế công chức cho TP.HCM: Bộ Nội vụ nói gì?

Bộ Nội vụ cho biết đã đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định điều chỉnh biên chế công chức giai đoạn 2022 - 2026 đối với TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên