Bộ Nội vụ mới đây đã có trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM gửi trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV liên quan đến các vấn đề về biên chế, cán bộ cấp xã trên địa bàn.
Cụ thể, cử tri kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét tổng biên chế công chức để có sự phân bổ hợp lý giữa các địa phương, các ngành. Đồng thời, kiến nghị bộ quan tâm đề xuất Chính phủ tăng cường biên chế cho đội ngũ công chức cho TP.HCM.
Đề nghị xem xét điều chỉnh biên chế công chức giai đoạn 2022 - 2026 với TP.HCM
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ nêu rõ Bộ Chính trị đã có quy định số 70 về quản lý biên chế của hệ thống chính trị và quyết định số 72 về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2026.
Theo đó, Ban Tổ chức Trung ương trực tiếp quản lý biên chế các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương (bao gồm cả biên chế của chính quyền địa phương); ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp quản lý biên chế được giao cho địa phương.
Việc quyết định về biên chế công chức của địa phương, trong đó có TP.HCM, sẽ do Ban Tổ chức Trung ương quyết định.
Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương giảm biên chế tại kết luận số 40 của Bộ Chính trị, đồng thời giải quyết dứt điểm việc giao vượt biên chế công chức của TP.HCM tạo điều kiện cho thành phố hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã tổ chức làm việc với UBND TP và các cơ quan chức năng của TP.
Trên cơ sở kết quả làm việc, bộ thống nhất với đề nghị của TP.HCM và đã có văn bản đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định điều chỉnh biên chế công chức giai đoạn 2022 - 2026 đối với TP.HCM. Sau khi có quyết định của Bộ Chính trị sẽ là cơ sở để TP.HCM thực hiện.
Xem xét đề xuất sửa nghị định liên quan
Trước đó, cử tri TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ điều chỉnh hoặc thay thế nghị định số 34/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Do khi áp dụng chưa phù hợp với đặc thù thực tiễn của TP.HCM vì thành phố là đô thị đặc biệt, quy mô dân số đông, có 90/249 phường có số dân từ 30.000 dân trở lên (trong đó có 3 phường có số dân trên 100.000 dân), dẫn đến số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách được bố trí tại các phường không đồng đều, trong khi khối lượng công việc rất nhiều.
Cử tri đề nghị cho phép thành phố khi thực hiện nghị quyết số 131 của Quốc hội khóa XIV về tổ chức chính quyền đô thị, được chủ động bố trí, điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức, người làm việc không chuyên trách tại phường theo số lượng dân cư.
Đồng thời phân quyền cho UBND trình HĐND cùng cấp quyết định số người hoạt động không chuyên trách cấp phường, tổ dân phố.
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ nêu rõ đang tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương và cử tri (trong đó có TP.HCM) để trình cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện thể chế về số lượng, chế độ, chính sách với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Đồng thời xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung 3 nghị định về tổ chức mô hình chính quyền đô thị (trong đó có nghị định số 33 quy định chi tiết và biện pháp thi hành nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM) cho phù hợp.
Trong đó dự kiến đề xuất Chính phủ phân cấp cho chính quyền địa phương tỉnh, thành phố quy định cụ thể số lượng cán bộ, công chức của từng đơn vị hành chính cấp xã, bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã của từng tỉnh, thành phố do Chính phủ quy định.
Trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên, đề nghị TP.HCM thực hiện số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định ở nghị định 34 và nghị định 33.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận