Mù mờ trách nhiệm cá nhânHoang mang với búnTranh cãi quyền công bố “bún phát sáng”: Không thể đùn đẩy trách nhiệm
Phóng to |
Ông Nguyễn Duy Thịnh - Ảnh: QUANG THẾ |
Kết quả giám sát mẫu bún, bánh ướt, bánh canh... ở TP.HCM đang gây tranh luận cả về tính pháp lý, về phương pháp lấy mẫu lẫn quyền công bố thông tin... Tuy nhiên, kết quả này cũng cho thấy hiệu quả của các tổ chức tham gia việc giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) nói:
- Hành động lấy mẫu, kiểm nghiệm và công bố kết quả của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng là tốt, nếu như xuất phát từ mục đích lành mạnh nhằm cảnh báo đến người tiêu dùng về vấn đề thực phẩm bẩn mà không được các cơ quan chức năng giải quyết cặn kẽ. Trong trường hợp đó, việc làm của tổ chức này tương tự hành động của một người dân bình thường lấy cành cây chặn trước miệng hố ga trên đường, cảnh báo những người khác trước khi các cơ quan chức năng thực hiện sửa đường, lấp hố ga... Tuy nhiên theo tôi nghĩ, quy trình lấy mẫu, kiểm nghiệm và công bố của tổ chức này còn có phần vội vàng.
* Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của cơ quan chức năng, ở đây là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM và Sở Công thương, trước cảnh báo về thực phẩm ảnh hưởng đến số đông người dân?
"Để đưa ra được kết quả kiểm nghiệm có độ chính xác cao cần có phương pháp lấy mẫu, kiểm nghiệm khoa học. Khi lấy mẫu cần phải lấy mẫu ngẫu nhiên, lặp lại nhiều lần để tiến hành xử lý thống kê vì độ biến thiên trong những lần lấy mẫu là rất lớn, phương pháp phân tích phải nói rõ dùng phương pháp thí nghiệm nào, độ chính xác ra sao... Trong quá trình lấy mẫu, kiểm nghiệm cần có một bên trung gian đứng ra chứng kiến, kết quả sau này sẽ chặt chẽ và có sức thuyết phục hơn" |
- Sở Công thương là cơ quan có chức năng, lẽ ra phải tiếp thu danh mục khảo sát đã công bố, tiến hành khảo sát lại ngẫu nhiên xem cảnh báo đúng hay sai chứ không nên vội vàng đối chất. Hành động này vừa nâng cao uy tín của Sở Công thương vừa nâng cao uy tín cho tổ chức bỏ công sức ra làm xét nghiệm để cảnh báo người dân về an toàn thực phẩm. Anh có quyền mà không làm. Khi người ta phát hiện thì lại áp đặt phải thông qua cơ quan nhà nước là chưa ổn. Về cơ quan thuộc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tiến hành khảo sát và công bố thông tin cảnh báo về mức độ an toàn của thực phẩm, tôi cho động cơ là được, nhưng đưa thông tin ảnh hưởng tới người sản xuất, thị trường kinh doanh phải hết sức thận trọng, chỉ khi có đủ độ tin cậy thì mới công bố.
* Tuy nhiên, từ vụ việc này có thể cho thấy nếu được huy động và hướng dẫn, các tổ chức xã hội sẽ có vai trò quan trọng trong giám sát chất lượng thực phẩm. Theo ông, chúng ta nên huy động tổ chức xã hội cùng tham gia giám sát như thế nào?
- Trong khi cơ quan nhà nước không thực hiện hết được chức năng giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc những tổ chức xã hội cùng tham gia là rất tốt. Nhà nước nên cấp một phần kinh phí cho các tổ chức mà chúng ta gọi là phi chức năng này cùng hoạt động. Đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ cho các tổ chức này thực hiện đúng luật, đúng cách để có các số liệu công bố chính xác. Trong giai đoạn khảo sát ban đầu, các tổ chức phi chức năng không nên công bố địa chỉ chính xác mà chỉ công bố cảnh báo. Sau đó sẽ tiếp tục lấy mẫu, phân tích, kiểm nghiệm... để đưa ra kết quả chính xác hơn. Các cơ quan chức năng dựa vào những cảnh báo sẽ tiến hành kiểm nghiệm và công bố kết quả cụ thể đến người dân.
* Có một vấn đề là dù hiện có đến năm ngành tham gia quản lý an toàn thực phẩm, nhưng chất lượng thực phẩm vẫn đang làm đau đầu người tiêu dùng. Vì sao vậy, thưa ông?
- Theo tôi, việc công bố số liệu của ngay cả các cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm vẫn còn cẩu thả. Công bố số liệu phải có độ chính xác cao thì người dân mới tin cậy được. Để xác định thực phẩm bẩn hay sạch cần phải có hai cách làm. Thứ nhất là tổ chức, cơ quan chức năng cần kiểm tra thường xuyên, lấy mẫu theo khoa học, tránh việc làm phong trào, làm theo chiến dịch, thậm chí đưa ra quy luật của hiện tượng xuất hiện các chất bẩn trong thực phẩm để đánh giá. Thứ hai là đánh giá trên cơ sở thống kê dịch tễ học, ví dụ có mối tương quan giữa thực phẩm bẩn với việc gây ra bệnh tật.
Thực tế việc công bố thực phẩm bẩn hiện nay rất tràn lan và mù mờ. Các cơ quan chức năng kiểm nghiệm thường chỉ tên chất độc hại chứa trong thực phẩm, nhưng không chỉ ra rằng chất đó có độc với người VN hay không, ở hàm lượng bao nhiêu thì gây hại, độc như thế nào... Hiện Bộ Y tế không có cơ quan nào nghiên cứu về độc học, chỉ phân tích dựa vào các tài liệu chất đó có thể gây hại như thế nào, trong khi không nghiên cứu cụ thể về mức độ gây độc với người VN.
* Luật an toàn thực phẩm có hiệu lực đã hơn một năm, nhưng vấn nạn thực phẩm bẩn đang phát sinh nhiều biến tướng lạ, đặc biệt là xuất hiện ngày càng nhiều chất mới, bị cấm dùng trong thực phẩm. Có thể lý giải việc này như thế nào?
- Vấn đề là có luật nhưng không ai là người thực thi. Công nghiệp thực phẩm của chúng ta xuất phát từ nền sản xuất nhỏ, tư duy kinh doanh thì một bà bán bún riêu và một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm lớn đều là nhà kinh doanh thực phẩm. Nhưng người sản xuất nhỏ, tự làm ra được mọi thứ, rất khó quản lý từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra. Ở TP.HCM tôi có nghe một thống kê có đến 400 cơ sở sản xuất bún, mà cơ quan chức năng không thể gõ cửa từng nhà. Nhưng lẽ ra cơ quan chức năng phải hướng dẫn cho người sản xuất biết làm thế nào là an toàn, nguyên liệu mua ở đâu là tốt. Nói thế nhiều người cho rằng rất khó khắc phục nhưng nếu làm tận tâm, có trách nhiệm thì thật ra là làm được, làm rất dễ.
Nên phối hợp với cơ quan chức năng Trao đổi về việc các tổ chức cùng tham gia giám sát chất lượng thực phẩm, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong nói: ”Chúng tôi khuyến khích các tổ chức, cơ quan có tư cách pháp nhân tham gia giám sát chất lượng thực phẩm. Một mặt đảm bảo ổn định thị trường tiêu dùng, một mặt cảnh báo về thực phẩm mất an toàn. Tuy nhiên, việc giám sát và công bố thông tin nên phối hợp với cơ quan chức năng. Trong trường hợp có tranh cãi như kết quả kiểm nghiệm bún, bánh canh, bánh ướt tại TP.HCM, theo quy chế phát ngôn thì bộ trưởng Bộ Y tế đã giao cục trưởng Cục An toàn thực phẩm phát ngôn như vị trí trọng tài. Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM yêu cầu lấy mẫu kiểm nghiệm bánh canh, bánh ướt, bún trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở sản xuất đầu mối để kiểm nghiệm và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 10-8, để Cục An toàn thực phẩm có cơ sở thông báo cho người tiêu dùng. Ở 62 tỉnh thành còn lại, cục đã có yêu cầu tương tự và yêu cầu báo cáo trước ngày 30-8”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận