25/07/2013 07:39 GMT+7

Mù mờ trách nhiệm cá nhân

LS NGUYỄN TIẾN TÀI
LS NGUYỄN TIẾN TÀI

TT - Nhiều người đã “khủng hoảng” khi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, rồi Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng thuộc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN phát hiện hàng loạt thực phẩm độc hại, không an toàn. Trong đó có những món ăn thường ngày cực kỳ phổ biến như bánh ướt, bánh canh, bánh phở, bún, hủ tiếu, mì sợi, chả quế, chả lụa, chả cá, nem nướng...

Vì lợi nhuận, các cơ sở chế biến thực phẩm đã bất chấp an toàn của người tiêu dùng, sử dụng các phụ gia cấm hoặc vượt quá giới hạn cho phép như chất tẩy trắng tinopal, formol, chất bảo quản natri benzoat, axit oxalic... để sản xuất, tiêu thụ. Thậm chí có những loại như bánh hỏi, bánh canh tỉ lệ hiện diện tinopal lên tới 100% số lượng mẫu! Đáng nói là những loại thực phẩm này hoặc độc hại tương tự bị phát hiện ngay cả tại những địa chỉ bán hàng tin cậy như Co.op Mart, Maximark, Big C (Tuổi Trẻ 23-7-2013).

Chuyện thực phẩm độc hại bị phát hiện và gây kinh hoàng dư luận có lẽ không ít. Thoạt đầu với vụ phở formol xảy ra cách đây ngót một thập niên, rồi sau đó cách đây sáu năm là vụ nước tương chứa 3- MCPD. Hội đồng nhân dân TP đã nhiều lần chất vấn, đưa lên bàn nghị sự vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Thậm chí có lúc vì quá sốt ruột, ông “nghị” nổi tiếng Đặng Văn Khoa đề nghị mỗi năm chính quyền chỉ cần quyết liệt tập trung đạt một vài chỉ tiêu, trong đó có an toàn vệ sinh thực phẩm là đã tốt lắm rồi. Vậy mà như ta đã thấy, thực phẩm độc hại không những không giảm mà còn tràn lan với mức độ thật đa dạng.

Vì sao vậy? Khi đề cập đến tình trạng này, các ý kiến thường đổ lỗi cho những nguyên nhân đại loại như nhân lực thiếu, năng lực quản lý hạn chế, luật lệ bất cập, tiêu cực... Những ý kiến này đều đúng cả nhưng phải nói thật là chưa trúng, chưa trúng vì ngay cả có khắc phục hết những thiếu sót trên cũng chưa chắc đã giải quyết được vấn đề. Đội ngũ quản lý có tăng lên mà không quản lý được con người thì có khi lại nảy sinh tiêu cực. Hoặc luật lệ có hoàn thiện đến đâu mà thực thi trễ nải thì cũng chẳng mang lại kết quả như mong muốn.

Mấu chốt có lẽ nằm ở trách nhiệm và giải trình trách nhiệm. Trách nhiệm và giải trình trách nhiệm chính là tính chịu trách nhiệm của người thực thi nhiệm vụ. Rất tiếc, cơ chế chịu trách nhiệm hầu như vắng bóng trong guồng máy quản lý của chúng ta cho dù các văn bản pháp luật cũng như trong phát biểu của mình, các quan chức đều có đề cập đến vấn đề trách nhiệm. Trách nhiệm được đề cập ở đây phải gọi tên cho đúng là loại trách nhiệm không có tính chịu trách nhiệm. Nghĩa là có phân công, phân nhiệm đấy nhưng trách nhiệm cá nhân hay nói cách khác chế độ thưởng phạt đối với việc hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ thì không có hoặc mù mờ, không cụ thể.

Điều này giải thích vì sao khi trả lời Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, chỉ nói chung chung rằng “việc để xảy ra tình trạng thực phẩm không an toàn bày bán tràn lan là trách nhiệm của Sở Công thương”. Câu hỏi đặt ra là vậy thì trách nhiệm đó cụ thể ra sao? Người nào chịu trách nhiệm? Giám đốc Sở Công thương có mặc nhiên bị cách chức không nếu để xảy ra tình trạng như trên? Ông Hòa không thể trả lời cụ thể được bởi làm gì có cơ chế chịu trách nhiệm. Điều này cũng giải thích vì sao xảy ra chuyện tréo ngoe khi với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM thì trách nhiệm thuộc về Sở Công thương, ngược lại sở này bảo trách nhiệm không phải của mình.

Thế nhưng, trách nhiệm không chỉ thuộc về chính quyền mặc dù bảo vệ sức khỏe của công dân là một trong những nhiệm vụ cơ bản tạo nên tính chính danh của Nhà nước. Chính các doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với lợi ích của chính mình. Rất có thể sau những thông tin về thực phẩm độc hại nói trên sẽ có rất nhiều người tẩy chay hoặc hạn chế ăn uống ở các nhà hàng, quán xá và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các cơ sở chế biến thực phẩm.

Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất nước tương “chết” sau sự kiện 3-MCPD vào năm 2007, thiết nghĩ là bài học xương máu còn đó. Bài học ấy cho thấy rằng nếu kinh doanh theo kiểu ăn xổi, thiếu trách nhiệm thì chính doanh nghiệp cũng sẽ phải lãnh đủ. Tất nhiên, trong các cơ sở chế biến thực phẩm cũng có nhiều cơ sở làm ăn đàng hoàng. Để bảo vệ lợi ích của mình, nên chăng lập ra các hiệp hội, ví dụ hội bún, hội bánh canh, hội phở... Các tổ chức này sẽ đặt ra các tiêu chuẩn về sản xuất kinh doanh sản phẩm, chất lượng sản phẩm... và các doanh nghiệp hội viên cùng cam kết đảm bảo các tiêu chuẩn đó, để cùng xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin từ người tiêu dùng cho hiệp hội của mình.

LS NGUYỄN TIẾN TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên