Bạn Phạm Tiểu Băng (Q.8, TP.HCM) cùng nhóm bạn trao tặng khẩu trang cho người nghèo sống trên vỉa hè - Ảnh: T.T.D.
Thầy giáo người Anh J.D. sống tại TP.HCM là một 'nạn nhân không triệu chứng' trong số triệu triệu người chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, khốn khó đến mức phải ra đường cầu xin sự giúp đỡ.
Thầy J.D. cũng không phải là trường hợp đầu tiên một cá nhân được cộng đồng Việt giúp đỡ "nóng".
Bao người lặng lẽ giúp những đứa trẻ nghèo khó đến trường. Một mảnh đời éo le trên đường, một cụ già neo đơn vất vả mưu sinh nuôi con bệnh tật... chỉ cần ai đó vô tình nhìn thấy, một vài dòng mô tả, một tấm ảnh, một video kèm địa chỉ, không ít người ra tay hỗ trợ.
Rồi mỗi kỳ giải cứu nông sản, hạn hán, lũ lụt... mỗi người một tay, bằng cách này hay cách khác, cả nước góp sức tương trợ đồng bào đang gặp nghịch cảnh.
Còn nhớ giai đoạn đầu chống dịch COVID-19, ở TP.HCM có nhiều người phát khẩu trang miễn phí. Khi ngành y tế khan hiếm trang thiết bị, khẩu trang loại tốt, lập tức hàng ngàn người đã quyên tặng những gì mình có.
Lòng tốt có ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn. Mới đây, sáng kiến "ATM" ("ATM gạo") phát gạo miễn phí ở TP.HCM đã lan tỏa ra nhiều địa phương, nhiều người mang hàng tấn gạo đến tiếp sức.
Chuyện cảm động này đã được kênh truyền hình CNN và Reuters đưa tin là sự đẹp đẽ đến khó tin (it sounds too good to be true).
Ông giáo già người Anh cảm động trước lòng từ bi của những người khác màu da. Ông chỉ nhận vừa đủ những gì mình cần (một số ít thực phẩm và tiền), nên đã chuyển số tiền 36,3 triệu đồng nhờ người đã giúp ông được cộng đồng biết đến hỗ trợ những mảnh đời khốn khó khác.
Hành động biết vừa đủ và sẻ chia với người khác của ông gợi thêm suy nghĩ về điều tử tế khác. Khó khăn cần chia sẻ, nhưng không tham lam trước món lợi lớn hơn nhu cầu bản thân.
Vật chất dễ sẻ chia nhưng thương tổn về tinh thần thì khó thấy, cũng khó chữa lành. Sự tử tế không chỉ với những gì mình trông thấy được bằng mắt, nghe được bằng tai, mà còn đối đãi với nhau bằng sự cảm thông, chân thành, không vội vàng phán xét ai đó giữa những ngày khốn khó.
Bởi không phải đến đại dịch người Việt mới hào hiệp, tử tế với nhau, mà bao đời nay vẫn thế.
Chính lúc này, khi "cái khó không của riêng ai", chúng ta vẫn giữ được lòng tốt lan tỏa trong cộng đồng mới thật đáng quý biết bao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận