Nhiều người hiện nay có thói quen dùng điện thoại thông minh đến mức 'không nỡ' rời - Ảnh: AFP
Theo công trình nghiên cứu do Khoa khoa học sức khỏe thuộc Đại học Simon Bolivar (SBU) ở Colombia tiến hành từ tháng 6 đến tháng 12-2018, những người trẻ tuổi sử dụng điện thoại thông minh nhiều hơn 5 giờ/ngày có nguy cơ mắc bệnh béo phì và gặp phải các vấn đề sức khỏe khác, trong đó có bệnh tim mạch, cao hơn 43% so với những người khác.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những người hay "dán mắt" vào điện thoại di động thường tiêu thụ nhiều đồ uống có đường, thức ăn nhanh, đồ ngọt, đồ ăn vặt hơn và giảm thời gian cho các hoạt động thể chất.
Nghiên cứu trên có sự tham gia của 1.060 tình nguyện viên gồm 700 sinh viên nữ và 360 sinh viên nam tuổi từ 19-20.
Bà Mirary Mantilla-Morron, chuyên gia phục hồi chức năng tim và phổi thuộc SBU đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết việc dành quá nhiều thời gian trước màn hình điện thoại thông minh tạo ra thói quen ít vận động, làm tăng nguy cơ tử vong sớm cũng như nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch, ung thư, đau nhức cơ, xương, khớp...
Bà lưu ý điều quan trọng là mọi người phải nhận thức được rằng, mặc dù công nghệ di động hấp dẫn người dùng trong việc tiếp cận nhiều dịch vụ, thông tin và giải trí, nhưng nó cũng nên được sử dụng để cải thiện các thói quen và nếp sống lành mạnh.
Mối liên hệ giữa công nghệ và bệnh béo phì đã gần như rõ ràng khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trên thế giới có hơn 1,9 tỉ người trưởng thành bị thừa cân trong năm 2016, trong đó có 650 triệu người béo phì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận