Michael Nagle/Bloomberg
Trong suốt nhiều thập kỷ, các chuyên gia y tế đã nỗ lực tìm câu trả lời cho câu hỏi rằng: Liệu sử dụng điện thoại di động có gây ung thư hay không? Để trả lời câu hỏi tưởng chừng đơn giản này các nhà nghiên cứu hàng đầu nước Mỹ phải thực hiện hàng loạt các cuộc thử nghiệm được coi là quy mô và tốn kém bậc nhất thế giới.
Công trình nghiên cứu đồ sộ này được "kích hoạt" từ những năm 1990 dưới thời Tổng thống Bill Clinton, tiêu tốn khoảng 30 triệu USD cùng hàng nghìn con chuột được sử dụng thí nghiệm.
Cuối cùng, câu trả lời vừa được Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH) công bố vào đầu tháng 11.
NTP đã tìm thấy những bằng chứng xác thực song "tương đối khiêm tốn" về việc bức xạ từ một số loại điện thoại di động có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư não cùng một số bằng chứng về các khối u ở tim và tuyến thượng thận ở chuột cống đực. Đối với chuột cống cái và chuột nhắt chưa có bằng chứng rõ ràng.
"Chúng tôi tin rằng mối liên hệ giữa bức xạ tần số vô tuyến (RFR) và các khối u ở chuột cống đực là có thật", tiến sĩ John Bucher, chuyên gia thuộc NTP cho biết.
Tuy nhiên, ông Bucher thừa nhận rằng mức độ và thời lượng tiếp xúc với bức xạ ở những con chuột trong nghiên cứu cao hơn nhiều so với mức độ phơi nhiễm thực tế mà con người trải nghiệm khi sử dụng điện thoại di động.
"Trong các nghiên cứu của chúng tôi, chuột cống và chuột nhắt phải chịu bức xạ RFR trên phạm vi toàn thân. Ngược lại, con người chủ yếu tiếp xúc với bức xạ này tại nơi tiếp xúc trực tiếp với điện thoại", tiến sĩ Bucher nói.
Mặt khác, nghiên cứu trên chuột sử dụng bức xạ RFR trên các dòng điện thoại 2G, 3G thế hệ đầu được sử dụng phổ biến trong những năm trước đây và không áp dụng với các công nghệ hiện đại hiện nay như 4G hay thậm chí 5G, dự kiến ra mắt vào năm 2020. Công nghệ mới này sử dụng tần số cao hơn nhiều và ít ảnh hưởng tới cơ thể người và chuột, các nhà nghiên cứu giải thích.
Cụ thể, mức bức xạ thấp nhất sử dụng trong nghiên cứu của NTP ngang bằng với mức phơi nhiễm tối đa được chính quyền liên bang cho phép đối với người dùng điện thoại di động và phơi nhiễm ở mức độ này rất hiếm khi xảy ra trong thực tế. Trong khi đó mức cao nhất trong nghiên cứu lại cao gấp bốn lần so với mức tối đa cho phép.
Những con chuột trong nghiên cứu được cho tiếp xúc với bức xạ ở tần số 900 megahertz, bắt đầu ngay từ khi trong bụng mẹ đối với chuột cống và từ 5-6 tuần tuổi đối với chuột nhắt. Những con chuột phải chịu bức xạ 9 giờ mỗi ngày, liên tục trong suốt thời gian hai năm, hoặc khi hết tuổi thọ. Các mức RFR dao động từ 1,5-6 watt/kg ở chuột cống và 2,5-10 watt/kg ở chuột nhắt. Theo các chuyên gia, cường độ này cao hơn rất nhiều lần nếu so với những người "nghiện" sử dụng điện thoại di động.
Kết quả là, khoảng 2-3% số chuột cống đực tiếp xúc với bức xạ phát triển các khối u thần kinh đệm ác tính, một dạng ung thư não chết người, nếu so với nhóm chuột không phải chịu bức xạ.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khoảng 5-7% chuột cống đực tiếp xúc ở mức bức xạ cao nhất phát triển một số khối u ở tim, được gọi là schwannoma, nếu so với nhóm không không phải chịu bức xạ.
Tiến sĩ Michael Wyde, một chuyên gia độc học tham gia vào nghiên cứu cho biết: "Điểm mạnh của nghiên cứu là chúng tôi có thể kiểm soát chính xác lượng RFR mà những con vật nhận được - điều này thường không thể thực hiện được khi nghiên cứu đối với con người, thường dựa vào bảng hỏi đáp".
Ông cũng cho biết thêm nghiên cứu đã phát hiện một bất ngờ đó là những con chuột cống phơi nhiễm RFR thường có tuổi thọ dài hơn.
Đối với các nghiên cứu trong tương lai, NTP đang tiến hành xây dựng các buồng chiếu RFR nhỏ hơn giúp dễ dàng đánh giá các công nghệ mới hơn chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng, thay vì nhiều năm như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận