20/10/2017 22:18 GMT+7

Không dám sinh con thứ ba, khó khăn hay ngại sinh?

HOÀNG LINH
HOÀNG LINH

TTO - Xu hướng kiệm sinh con xuất phát từ cơ hội thăng tiến, kinh tế khó khăn hay còn lý do nào khác? Dưới đây là chia sẻ của tác giả Hoàng Linh.

Không dám sinh con thứ ba, khó khăn hay ngại sinh? - Ảnh 1.

Một bảng apphich tuyên truyền mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con đặt trên đường phố quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến này.

"Dù pháp luật cho phép sinh 2 con nhưng nhiều gia đình có xu hướng chỉ sinh một con. Cùng với việc già hóa dân số, đây cũng là tiềm ẩn nguy cơ quốc gia.

Hiện tượng giảm sinh và già hóa lao động ở nhiều địa phương dẫn đến mô hình tạm gọi là tháp kiệm sinh 4-2-1. Đó là mô hình một người trẻ sẽ phải nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà ngoại và ông bà nội."

Hoàng Linh

 Mô hình này đang làm những người quản trị xã hội lo lắng.

Nhiều ý kiến cho rằng người dân các khu vực có mức sinh thấp không chịu sinh thêm con vì chi phí nuôi trẻ ở những khu vực này quá cao hơn và ngày càng tăng lên.

Hỏi một số anh chị công nhân ở các khu công nghiệp như Bình tận, Bình Dương, Đồng Nai… họ nói lập gia đình đã là quá… "gan" rồi, cố tránh có con đến đâu hay đến đó.

Tiếp xúc với các cặp đôi gia đình trẻ đang làm văn phòng, công sở tại TP.HCM, nhiều người cho biết một con là đủ.

Phần đông đều lo lắng chi phí nuôi một đứa con hiện quá cao, vượt mức thu nhập. Trong đó, điều khiến họ lo lắng nhất là tiền học, tiền chữa bệnh. 

Thực trạng đó khá phổ biến và khó vượt qua với rất nhiều cặp đôi.

Tuy nhiên, còn có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khác làm mức sinh giảm và sẽ tiếp tục giảm ở các thành phố.

Một số không ít bị áp lực của cuộc sống, công việc khiến phải kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và tỉ lệ phụ nữ không sinh con ngày càng gia tăng.

Nhiều cặp vợ chồng lo sợ việc sinh con thứ 2 sẽ ảnh hưởng đến việc thăng tiến nghề nghiệp, học tập nâng cao trình độ.

Việc đưa đón con đi học phổ biến bằng xe máy sẽ làm cho nguy cơ một người phải nghỉ việc mới chu toàn nỗi.

Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ có xu hướng không muốn lập gia đình, không muốn sinh con, mất thời gian vào chuyện chăm sóc nuôi dạy con. Họ thích được tự do, tung tăng làm điều mình thích.

Cũng có một nguyên nhân nữa là không ít phụ nữ muốn sinh con nhưng không sinh được con vì tỉ lệ vô sinh nguyên phát và thứ phát có xu hướng gia tăng.

Như vậy, có thể thấy xu hướng kiệm sinh hay chỉ sinh một con xuất phát từ tình hình kinh tế xã hội, mức thu nhập bình quân. Nhưng cũng không thể không kể đến các lý do về thói quen hoặc sức khỏe sinh sản.

Già hóa dân số là mối lo ngại thiếu hụt lao động, tăng chi phí phúc lợi xã hội đang đè nặng lên nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật và VN cũng bắt đầu xuất hiện nguy cơ đó.

Nếu không thực sự quan tâm đến tất cả các lý do mà chỉ vận động thôi thì chưa đủ. Đây không phải là vấn đề ý chí hoặc sở thích mà là "liệu cơm gắp mắm", một bài toán không dễ gì có lời giải"

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả. Theo bạn, xu hướng kiệm sinh con xuất phát từ cơ hội thăng tiến, kinh tế khó khăn hay còn lý do nào khác? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

HOÀNG LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên