11/06/2024 11:00 GMT+7

Không còn 'cửa' cho cán bộ né tránh, sợ sai

Quy định 148 của Bộ Chính trị mới ban hành đã nêu rõ nếu cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ bị xem xét tạm đình chỉ công tác.

Việc cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai có nhiều nguyên nhân khác nhau

Việc cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai có nhiều nguyên nhân khác nhau

Đây là quy định cần thiết, sẽ góp phần thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khắc phục tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Thực tế vấn đề một bộ phận cán bộ đùn đẩy, không dám nghĩ, không dám làm, né, sợ trách nhiệm đã được phản ánh rất nhiều, và ở Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã quan tâm câu chuyện này.

Thậm chí có ý kiến còn cho rằng vấn đề này không còn là hiện tượng, mà đã lan rộng, trở thành đặc điểm nổi bật của cán bộ, công chức thời gian qua.

Việc cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó một số người lấy lý do quy định pháp luật còn chưa rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo nên sợ sai, sợ vi phạm, không dám làm.

Với trường hợp này có thể châm chước được về lý do, nhưng cán bộ đó cần phải báo cáo lên cấp trên biết để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định. Từ đó giúp cán bộ yên tâm làm việc.

Đồng thời, trong trường hợp chưa sửa đổi được thì nên linh hoạt các quy định để cán bộ nếu làm những việc trái luật nhưng đó là việc có lợi cho nước cho dân, không có tư lợi thì không xử lý.

Cũng có trường hợp cùng quy định của pháp luật như vậy nhưng trước đây anh vẫn làm trong khi bây giờ, khi đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì anh lại không dám làm?

Ở đây có những cán bộ vì đã làm sai, có động cơ không trong sáng, không làm vì lợi ích chung nên họ sợ.

Nhưng cũng có cán bộ không đủ năng lực, kiến thức, trình độ hay nhờ "chạy chọt, con ông cháu cha" và lại giao cho trọng trách quan trọng nên khi làm họ sợ sai, sợ trách nhiệm.

Tuy nhiên, dù với bất cứ nguyên nhân nào thì việc không dám nghĩ, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm cũng đều không thể chấp nhận được và cần coi đây là hành vi tiêu cực, vi phạm. Họ đã không vì lợi ích chung mà còn gây hại cho doanh nghiệp, người dân và cản trở sự phát triển của đất nước.

Do vậy với những người này, ngoài việc xem xét tạm đình chỉ 15 ngày thì cũng nên nghiên cứu để những ai bị tạm đình chỉ lần thứ hai phải có biện pháp xử lý mạnh hơn.

Trong đó có thể cho cán bộ thuyên chuyển sang vị trí công tác khác và chuyển phải hạ xuống một cấp, chứ không chuyển ngang.

Với những trường hợp cán bộ cố tình không làm, sợ trách nhiệm cũng nên động viên, khuyến khích để cho họ từ chức, nghỉ công tác.

Bởi giai đoạn hiện nay Đảng, Nhà nước, xã hội cần những người có năng lực, trình độ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm để thúc đẩy sự phát triển đất nước, dân tộc. Chúng ta không thiếu những người có tài, có đức để phụng sự đất nước, nhân dân.

Do vậy với quy định 148, dù không phải là biện pháp kỷ luật nhưng đây sẽ là tiếng chuông cảnh báo, nhắc nhở nghiêm khắc với các cán bộ sợ sai, đùn đẩy, né tránh, không dám làm.

Bộ Chính trị: Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm sẽ bị tạm đình chỉ công tácBộ Chính trị: Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm sẽ bị tạm đình chỉ công tác

Quy định của Bộ Chính trị nêu rõ thời hạn tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết không quá 15 ngày làm việc, gia hạn thêm không quá 15 ngày làm việc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên