30/08/2017 11:22 GMT+7

Không ai khổ mãi trên đời

MAI HƯƠNG thực hiện
MAI HƯƠNG thực hiện

TTO - “Chết thì dễ, sống mới khó; sống cho đàng hoàng tử tế càng khó bội phần, nhưng không phải không làm được”. Hai con người tận khổ nói vậy từ những khốn khó của đời mình và quyết tâm thoát nghèo.

Chị Trần Thị Điểm - Ảnh: TỰ TRUNG
Chị Trần Thị Điểm - Ảnh: TỰ TRUNG

Chị Trần Thị Điểm (sống ven kênh Đôi, Q.8) và anh Thái Minh Mẫn (ngụ P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM) trải lòng với Tuổi Trẻ về con đường không dễ dàng mà họ đã và đang tự mình gắng đi: đoạn tuyệt với cái nghèo!

Người ta ăn ngọn rau, nhà tui ăn gốc, rễ

* Nhìn lại những năm tháng qua, giai đoạn nào là khó khăn nhất trong cuộc đời anh, chị?

- Chị Điểm: Nếu hỏi tui từ trước đến giờ lúc nào đỡ khổ nhất chắc dễ trả lời hơn, vì đời tôi nghĩ lại thấy khổ là chủ yếu (cười). Năm 1982 tui lấy chồng, theo chồng lên TP.HCM là nghèo miết không thôi.

Không có nhà, chúng tôi đóng ghe sống trôi nổi trên kênh Đôi, làm nghề vớt phế liệu, đánh bắt cá lần hồi.

Bốn đứa con tui đều sinh ra trên ghe chứ đâu có tiền đi nhà thương hay mời bà mụ. Nghỉ làm bữa nào là đói bữa đó. Buổi tối sinh mà sáng, chiều còn quăng lưới bắt cá.

Làm nghề cá, mỗi tháng chỉ đánh bắt được 15 ngày. Rất nhiều ngày tui phải nhổ rau dại trên kênh hay vớt phần gốc, rễ rau muống mà người ta lặt xong đổ bỏ ra kênh đem về luộc. Người ta ăn ngọn rau, cả nhà tui ăn gốc, rễ.

- Anh Mẫn: Bốn tuổi bị sốt bại liệt, cũng năm đó tui mồ côi má, tới hơn 10 tuổi thì mồ côi cha. Hai chân teo quắt, giọng nói cũng không được bình thường, côi cút một thân, tui lê lết đi bán vé số dạo.

Lớn chút nữa thì theo bạn bè học lóm nghề mài đá quý, điêu khắc gỗ rồi xin đi làm thợ. Đá thì quý, mình thì quá nghèo, chắc cũng vì vậy mà chủ không dám giao đá tốt cho mình làm, sợ mình túng quá hóa liều rồi chôm chỉa.

Vậy là tui trở lại bán vé số. Để đi được xa, tui kiếm tấm ván gắn thêm bánh xe rồi ngồi lên, dùng tay tự đẩy thân mình chui khắp hang cùng ngõ hẻm. Mỗi lần bị dân xì ke giật hết vé số, tui trả nợ mấy tháng mới xong.

* Túng quẫn, người ta hay vay nóng để trang trải. Anh, chị có vậy không?

- Chị Điểm: Sống trôi nổi trên ghe, tui đâu có giấy tờ gì. Vợ chồng ở với nhau không có giấy kết hôn, các con sinh ra không có khai sinh.

Thường trong mấy xóm lao động, hễ nhà ai đột ngột gặp khó là dân cho vay nặng lãi lân la tiếp cận để dụ vay.

Vậy mà không thấy ai dụ tui hết. Chắc lúc đó họ thấy tui nghèo quá, cho vay chỉ có mất vốn chứ kêu giang hồ đến cũng chẳng xiết được món gì.

- Anh Mẫn: Tui chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện đó ngay cả khi nghèo nhất, cả gia tài chỉ có tấm ván lết, xấp vé số. Vợ tôi cũng là người khuyết tật.

Vay nóng không trả nổi, tui sợ mình sa ngã hoặc làm phiền lụy đến người thân. Cho nên không đủ thì tui cắn răng nhịn cho qua bữa.

Anh Thái Minh Mẫn - Ảnh: MAI HƯƠNG
Anh Thái Minh Mẫn - Ảnh: MAI HƯƠNG

Không cam chịu

* Anh, chị có nghĩ mình nghèo là tại số?

- Chị Điểm: Nghèo hoài là tại mình chứ tại gì số. Không có ai khổ mãi ở trên đời. Những lúc khổ nhất, tui vẫn tin như vậy nên quyết tâm thay đổi số phận. Nhưng bắt đầu từ đâu khi mà vốn liếng, chỗ ở, nghề nghiệp, học vấn, người thân để giúp đỡ... đều không có.

Tui đi hỏi thăm nhiều chỗ thì nghe nói đến CEP - Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm của Liên đoàn Lao động TP.HCM - có các khoản vay nho nhỏ vừa sức với người nghèo. Lần đầu tiên tui vay 1 triệu đồng, trả trong 10 tháng.

Trả được 1 triệu đồng, tui vay tiếp 1 triệu đồng mua tôn lợp mái ghe thay cho mái lá mục nát mưa dột tứ bề.

Vay lần thứ ba, tui mua máy gắn vô ghe để chạy đi bắt cá được xa. Rồi lần thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám... thứ 20... Tui vay tiếp để mua vật liệu về dựng tạm mái nhà ven kênh, mua sắm vật dụng trong nhà, dựng vợ gả chồng cho các con.

- Anh Mẫn: Nếu đổ tại số, chắc giờ này tui còn ngồi ván lết bán vé số, bữa đói bữa no. Tui nghĩ khổ quá nhắm không sống nổi thì chết là hết, còn đã chọn đường sống thì phải ráng sống cho đàng hoàng, không cam chịu.

Biết đến quỹ CEP, tui gồng mình xin vay 5 triệu đồng lần đầu để mua cho vợ chiếc xe lăn đặng đi bán được xa hơn, còn mình có vốn lấy vé số nhiều hơn.

Trả được 5 triệu lại vay tiếp 10 triệu đồng, mua xe máy cũ chế thành xe ba bánh, mua đồ điện tử như chuột máy tính, máy nghe nhạc, usb, ổ cắm... treo trên xe đi bán lưu động gần các trường học, ký túc xá...

* Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, bằng cách nào anh, chị “giữ mình” không xài đứt vốn?

- Chị Điểm: Nhìn đàn con nheo nhóc, cầm được tiền trong tay, tui từng nghĩ hay là mua cho chúng bữa thịt no nê hay tấm áo manh quần mới.

Nhưng ăn ngon một bữa, mặc đẹp vài ngày thì chẳng bao giờ có được mái nhà. Vậy là cả nhà bảo nhau không sứt mẻ đồng nào. Vợ chồng con cái làm việc gấp đôi, gấp ba, chi tiêu dè sẻn để trả nợ.

- Anh Mẫn: Tui chỉ nghĩ đơn giản nếu bây giờ không ráng chịu cực sẽ khổ suốt đời, rồi đời con mình cũng khổ. Sáng sáng vợ chồng ra khỏi nhà sớm hơn, tối chịu khó về trễ hơn, tích cóp từng đồng.

Giờ tui đã đổi từ nhà lá sang nhà tường, từ xe lăn lên xe máy, mà tui có tới 2 chiếc xe máy, chiếc cũ để đi bán, chiếc mới đẹp để chở vợ con đi chơi.

Cái đầu muốn hết nghèo, cái tay biết làm lụng

* Cực quá, có bao giờ anh, chị nghĩ đến chuyện làm liều gì đó để nhanh có tiền không?

- Anh Mẫn: Người ta rủ rê tui hoài đó chớ. Họ nói có cái này bán khỏe lắm, bán một tép nhỏ xíu là được trả công 50.000 đồng.

Mỗi ngày bán chục tép là chuyện nhỏ. Họ còn nói người què quặt như tui không ai nghi ngờ càng dễ bán. Về kể vợ nghe, vợ cười cười nói tùy ông. Bả nói vậy vì biết tánh tui: nghèo chết bỏ chứ không làm bậy!

Rồi cũng có người hỏi sao tui không đi ăn xin cho khỏe. Nhưng tui không làm chuyện đó. Tui đi bán dạo, nhiều người to khỏe, lành lặn hơn mà đến than lỡ đường, xin tiền. Tui cho vài lần rồi không cho nữa, vì nghĩ như tui, nếu chịu lao động thì kiểu gì cũng có cái ăn.

- Chị Điểm: Người nghèo hay có tật đánh đề, chơi hụi, nghe rủ rê bán cái này cái kia phi pháp. Tui dặn mình không sa vào mấy thứ đó.

Trong nhà tui, từ cây cột, tấm tôn, miếng ván lót, quạt máy, tivi đều thấm đẫm mồ hôi công sức của cả gia đình. Xài đồng tiền mình làm ra, tuy cực nhưng đêm nằm ngủ ngon.

* Có được cuộc sống hôm nay, bí quyết thoát nghèo của anh, chị là gì?

- Anh Mẫn: Sức khỏe yếu, không trình độ, không người thân, cũng không trúng số như tui thì chỉ có cách siêng năng.

Giờ cuộc sống với tui đã thoải mái hơn: ngày đi bán, tối về có tivi coi, quần áo có máy giặt, cơm có nồi điện nấu, buồn có dàn máy hát cho vui, còn đòi hỏi gì hơn.

Nhưng tui không cho phép mình làm biếng, ráng làm để dành tiền cho thằng con học nghề lái xe. Bèo nhèo như tui còn bớt nghèo được thì nhiều người cũng có thể làm được.

- Chị Điểm: Mấy chục năm trời tui không biết phân vàng ra sao, trong nhà không bao giờ để dành nổi bạc trăm ngàn đồng. Bây giờ tôi có nhẫn, vòng, hoa tai để ngồi làm sui. Từ chỗ ở dưới ghe, giờ cả nhà được lên bờ. Tất cả chỉ nhờ mình chăm chỉ.

Bây giờ lúc nào không đi đánh cá, bán cá, tui nhận gia công vô bịch tăm bông, cứ làm 1.000 bịch thì được trả 47.000 đồng. Chỉ cần cái đầu mình muốn hết nghèo, cái tay mình biết làm lụng thì tui tin cuộc sống ngày mai phải bớt cực hơn hôm nay.

Giữ uy tín và lòng tự trọng

- Chị Hà Thị Băng Thanh (cán bộ tín dụng CEP chi nhánh Q.12): Ý chí thoát nghèo của gia đình anh Thái Minh Mẫn làm tôi cảm động.

Ngày tết, sinh viên nghỉ về quê, không đi bán đồ điện tử được, anh thức trắng đêm lên chùa Bà Bình Dương bán vé số.

Người ta đón giao thừa trong nhà, anh đón ngoài đường. Dù chọn vay số tiền nhiều hơn những thành viên khác nhưng bao giờ anh cũng hoàn trả đúng hạn.

Chẳng những vậy, anh còn tâm sự ráng làm ăn để chừng nào có dư thì giúp đỡ những người khổ hơn mình. Quen anh đã lâu, tôi chưa lần nào nghe anh kêu ca cho bản thân hay than thân trách phận.

- Anh Ngô Ngọc Tấn (trưởng chi nhánh CEP Q.8): Gia đình chị Điểm đã vay vốn của CEP hơn 20 lần, gia đình vô cùng khó khăn mà lần nào chị cũng trả đúng hẹn. Chị nói dù nghèo cũng phải giữ uy tín và lòng tự trọng.

Trước đây, chị thuộc diện được tặng thẻ bảo hiểm y tế. Khi khá hơn, chị tự mua bảo hiểm y tế cho mình, không trông chờ, ỷ lại, để phần quà đó cho người khác còn khổ hơn mình. Nhà nghèo nhưng cả nhà chị sống lương thiện, không ngại việc khó.

Khát vọng vươn lên

Chị Trần Thị Điểm và anh Thái Minh Mẫn là hai thành viên tiêu biểu nhất được lựa chọn từ hàng triệu lượt người lao động nghèo từng vay vốn của CEP để giao lưu, chia sẻ câu chuyện thoát nghèo của mình tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập quỹ CEP. Họ là những điển hình cho khát vọng vươn lên của người nghèo.

Qua 25 năm hoạt động, với tiêu chí hướng đến những người nghèo và nghèo nhất, những khoản vay của CEP được thiết kế đa dạng, từ mức vài trăm ngàn đồng đến 30 triệu đồng. Người nghèo có thể lựa chọn kỳ hạn trả trong vòng từ 10 tháng đến 36 tháng.

Hình thức trả có thể góp hằng tuần, hằng 2 tuần hoặc hằng tháng. Đối tượng cho vay là công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo.

MAI HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên