23/08/2017 13:04 GMT+7

Đi tìm trò, bất cứ nơi đâu

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Ở Mù Cang Chải, rất nhiều thầy cô giáo khoác balô, lặn lội trên những nẻo đường xa, đi hàng chục cây số để đến các thôn bản tìm học trò về trường. Có khi mất 4 tháng để vận động một em...

Học sinh đến trường ở điểm trường Nả Háng AB, Púng Luông, Mù Cang Chải - Ảnh: Lê Trung Kiên LÊ TRUNG KIÊN
Học sinh đến trường ở điểm trường Nả Háng AB, Púng Luông, Mù Cang Chải - Ảnh: LÊ TRUNG KIÊN

Mỗi học sinh đến lớp là cả một câu chuyện dài gian khó.

Đây là câu chuyện mà thầy giáo Phan Tiến Dũng và cô Đào Mai Hiên - giáo viên Trường phổ thông bán trú Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái - chia sẻ với Tuổi Trẻ trước ngày tựu trường.

Những đêm dài đi tìm

* Thưa, Mù Cang Chải vừa trải qua trận lũ quét kinh hoàng, liệu đến ngày khai trường học sinh có tới đủ không?

- Cô Đào Mai Hiên: Ở đây không chỉ khi có thiên tai, bão lũ mà cả sau những dịp nghỉ lễ, tết, mùa gặt đều có những học sinh không đến trường. Phụ huynh thường xin cho các em nghỉ 1-2 buổi, nhưng có khi sẽ bỏ học luôn nếu như thầy cô cũng bỏ mặc. Vì thế, vận động học sinh đi học là một nhiệm vụ sống còn của tất cả thầy cô ở vùng cao.

* Thầy cô phải lo nhiều công việc chuyên môn, còn quản lý học sinh bán trú cả ngày, vậy việc vận động học sinh quay lại trường sắp xếp thế nào?

- Cô Đào Mai Hiên: Cứ 5h15 chiều, khi tiết học ca 2 kết thúc, tất cả giáo viên chúng tôi đều lên đường. Với chúng tôi, vận động được một học sinh trở lại trường cũng là điều quý giá nên phải chia nhau để đi.

Có khi vài cây số nhưng cũng có học sinh nhà cách trường 20 cây số. Đoạn nào đi được bằng xe máy thì đi, còn không sẽ đi bộ. Người Mông thường đi làm nương xa, đến 8h-9h tối mới về.

- Thầy Phan Tiến Dũng: Tôi từng có một học sinh ở xã Ngài Thầu, cách trường hơn 20 cây số. Từ trường, tôi chỉ đi xe máy được khoảng 4 cây số, còn đi bộ 16-17 cây số mới đến được nhà em học sinh. Tới nơi có thể gặp ông bà của học sinh trước, rồi chờ bố mẹ em đó đi làm về.

Mỗi lần đến nhà học sinh là có một diễn biến khác nhau. Có khi bị đuổi luôn, hứng những trận gắt gỏng, lời nói khó nghe, có khi họ mặc kệ thầy cô. Chúng tôi phải tự kiếm việc gì đó làm, rồi lân la nói chuyện. Kết thúc một ngày như thế đã rất khuya.

Vì phải về trường để dạy vào sáng hôm sau nên nhiều khi tôi lại đi bộ ngần ấy cây số về trường. Với em học sinh ở Ngài Thầu đó, tôi mất 4 tháng để vận động.

Dĩ nhiên không phải ngày nào tôi cũng đi. Kết thúc một đợt vận động, thường tôi trở về trường cùng học sinh. Nhưng được vài hôm, em đó lại biến mất và tôi lại đi tìm, bất cứ nơi đâu có thể tìm được em là tôi đi.

Cô ĐÀO MAI HIÊN - Ảnh: ĐĂNG LƯƠNG
Cô ĐÀO MAI HIÊN - Ảnh: ĐĂNG LƯƠNG

* Vậy còn cô Hiên, chặng đường đi tìm trò của cô thế nào?

- Cô Đào Mai Hiên: Có những đợt cao điểm, chúng tôi phải đi liên tục đến 20 ngày trong một tháng. Dĩ nhiên tôi không chỉ đi một mình. Tùy theo từng trường hợp, có thể tôi phải nhờ trưởng bản, bí thư, chủ tịch xã giúp sức.

Trong lúc chờ đợi, tôi làm đủ thứ việc, từ nấu cơm giúp học sinh đến băm bèo cho lợn.

Lắng nghe, thấu hiểu

* Có khi nào các thầy cô vấp phải phản ứng gay gắt của dân không?

- Cô Đào Mai Hiên: Có chứ, có những gia đình thấy tôi đến cửa đã nói gay gắt. Họ bảo: “Tao đã nói rồi, tao không cho con đi học, mày về đi”. Hoặc có người mời tôi vào nhà nhưng lý sự: “Tao cho con tao đi học, nhưng mày có đến làm thay nó được không? Mày có cho tao cơm, gạo hằng ngày được không?”.

* Những trường hợp đó, cô trả lời thế nào?

- Cô Đào Mai Hiên: Tôi phải ứng phó, thuyết phục. Thường tôi giải thích cho họ cái lợi khi học sinh biết chữ, có kiến thức.

Những học sinh THCS ở vùng cao đều là lao động chính trong nhà, các em đi học sẽ thiếu người đi làm nương, lo việc nhà. Vì thế, để họ đồng ý “cắt một lao động chính” giao cho thầy cô, tôi phải thuyết phục được họ rằng đứa trẻ khi từ trường trở về sẽ có thể biết làm nhiều thứ hơn là đi nương, cuộc sống của chúng sẽ tốt hơn cha mẹ chúng bây giờ.

* Còn thầy Dũng, nghe các thầy cô nói ở trường này thầy là “siêu cao thủ” trong việc vận động học sinh?

- Thầy Phan Tiến Dũng: Tôi từng công tác ở ba trường khác nhau, ở đâu tôi cũng nỗ lực trong việc đi tìm, vận động học sinh quay lại trường. Với tôi thì điều quan trọng số 1 phải là biết tiếng địa phương để có thể tâm sự, chia sẻ với dân. Tôi nói được tiếng Thái, Mông, Khơ Mú...

Lớp có học sinh người dân tộc nào, người thầy phải tự học tiếng dân tộc đó. Vì khi đi vận động, không chỉ giao tiếp thông thường mà cần biết lắng nghe, thấu hiểu được những suy nghĩ, ý muốn của họ để lựa cách thuyết phục.

- Cô Đào Mai Hiên: Tôi không giỏi tiếng dân tộc như thầy Dũng nhưng cũng phải học. Tôi học từ chính học sinh của mình. Ví dụ trong lớp tôi dạy sẽ có những em thạo tiếng Kinh, có em không biết tí gì.

Tôi sẽ nhờ các em người dân tộc thạo tiếng Kinh chỉ cho những câu tiếng dân tộc thông dụng nhất rồi ghi chép lại. Các em giúp đỡ tôi học tiếng, tôi giúp các em học chữ. Điều đó cũng khiến chúng tôi gắn bó hơn với nhau.

* Còn khó khăn nào nữa ngoài chuyện phải đi bộ, phải chịu đựng lời nói khó nghe và khác biệt ngôn ngữ?

- Cô Đào Mai Hiên: Với chúng tôi, nhất là các cô giáo, thì một khó khăn luôn phải cố gắng vượt qua là việc phải uống rượu.

Chúng tôi đi vận động học sinh thì phải hiểu những tập tục, thói quen của người dân địa phương và tối kỵ việc làm trái với những tập tục, thói quen của họ, nhất là thời gian làm quen, gây dựng niềm tin. Bởi thế, uống rượu là điều không tránh khỏi.

Không kiên nhẫn sẽ rất nản

* Được dân đồng ý và đưa được những đứa trẻ về trường là thắng lợi 90% phải không?

- Cô Đào Mai Hiên: Vì Trường Khau Phạ là trường bán trú nên khi gia đình đồng ý, chúng tôi thường đi cùng học sinh về trường luôn. Các em học và ăn nghỉ tại trường.

Nếu học sinh thực sự gắn bó với trường và có hứng thú học tập thì có thể các em sẽ ở trường cả tháng mới về thăm nhà một lần. Nhưng cũng có em trốn về và bỏ học luôn.

Có em ở lại trường nhưng không hợp tác với thầy cô. Vì thế, 10% còn lại của cuộc vận động rất quan trọng và cũng là một khó khăn khác.

Thầy PHAN TIẾN DŨNG - Ảnh: THANH HÙNG
Thầy PHAN TIẾN DŨNG - Ảnh: THANH HÙNG

* Những học sinh “bất hợp tác” biểu hiện như thế nào? Làm thế nào để thay đổi?

- Cô Đào Mai Hiên: Chỉ đơn giản là im lặng thôi. Cô nói gì cũng chỉ im lặng. Với những học sinh như thế nếu không kiên nhẫn sẽ rất nản. Tôi từng có những học sinh như thế. Học sinh nào càng im lặng thì tôi càng hỏi nhiều, gợi chuyện cả ngoài giờ học.

Nhiều khi chỉ cô nói, còn trò im lặng. Nhưng cứ kiên nhẫn thì có thể tình hình sẽ thay đổi dần. Có những học sinh vào trường 1 năm mới chấp nhận giao tiếp với thầy cô.

- Thầy Phan Tiến Dũng: Tôi là giáo viên dạy giáo dục công dân nên tôi có lợi thế riêng. Những bài giáo dục công dân cũng là bài học đạo đức, bài học về ứng xử trong cuộc sống. Vì thế tôi lấy luôn bài học để gần gũi hơn với học sinh.

Những lần đi vận động học sinh đến trường, chúng tôi đều nắm được hoàn cảnh gia đình, đặc điểm riêng của mỗi học sinh. Nên khi các em ở trường, cả trong các sinh hoạt ngoài giờ hay trong giờ học tôi đều chú ý đưa những câu chuyện gần với học sinh.

Chúng tôi cố gắng để các em thấy những điều có ích, gần gũi với mình, thấy tin cậy thầy cô. Điều đó khiến những học sinh ban đầu còn e dè, bất hợp tác với thầy cô cũng thay đổi dần.

* Như vậy, không chỉ làm công việc dạy học, thầy cô ở đây có rất nhiều việc phải làm?

- Cô Đào Mai Hiên: Chúng tôi ở đây ai cũng như vậy. Ngoài một số thầy cô có nhà riêng gần trường, còn lại đều ở nhà công vụ. Thời gian ở trường gần như trọn vẹn.

Trò trở lại tìm cô giáo

* Có trường hợp học sinh nào sau này để lại kỷ niệm sâu sắc với thầy, cô?

- Cô Đào Mai Hiên: Có một học sinh tôi nhận đỡ đầu từ năm em học lớp 7 đến khi ra trường (3 năm). Em tên là Lý A Ly, hoàn cảnh rất thương. Bố mất, mẹ đi lấy chồng xa. Trong hoàn cảnh đó, chuyện bỏ học là đương nhiên với những đứa trẻ vùng khó.

Ban đầu tôi cũng chỉ đến vận động học sinh đi học theo nhiệm vụ. Nhưng tiếp xúc, biết hoàn cảnh của em, tôi rất thương và nhận trách nhiệm.

Tôi giúp đỡ em trong những năm học ở trường. Bây giờ khi học hết lớp 9 ra trường rồi, cứ có việc gì cần hỏi ý kiến em vẫn tìm tôi, có khó khăn gì cũng vẫn nói với tôi.

Nhiệm vụ nặng nề

Đường đến các thôn bản ở đây đều là đường dân sinh men theo sườn núi rất khó đi, có chỗ phải đi bộ. Mùa mưa thì đường dễ trơn trượt, sạt lở rất khó khăn. Duy trì sĩ số học sinh là vấn đề rất quan trọng. Giáo viên phải đi đến các thôn bản để hiểu đời sống của dân, thuyết phục người dân cho con đi học.

Trong đợt lũ ống, lũ quét vừa qua, Mù Cang Chải có trên 60 gia đình học sinh bị thiệt hại về tài sản. Trong đó có học sinh bị thiệt mạng, có em mất cha mẹ trong trận lũ. Sau mỗi biến cố như thế, nhiệm vụ của giáo viên sẽ nặng nề hơn.

Thầy Hoàng Văn Đồng (trưởng Phòng giáo dục huyện Mù Cang Chải, Yên Bái)

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên