Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Vinh quỳ gối cầu hôn nữ sinh tại lễ tốt nghiệp - Ảnh 2. Màn cầu hôn của phó bí thư Đoàn Trường Vinh nhận được nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh chụp màn hình
Nhằm góp thêm một góc nhìn về màn cầu hôn ở lễ tốt nghiệp đang có nhiều ý kiến trái chiều, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu chia sẻ sau đây của bạn đọc Đại Dương .
"Bản tin ở Tuổi Trẻ Online "Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Vinh quỳ gối cầu hôn nữ sinh tại lễ tốt nghiệp", được nhiều bạn đọc quan tâm, trong số đó, có mấy chục bạn đọc chia sẻ ý kiến của mình dưới bài viết này.
Màn cầu hôn của anh Nguyễn Thái Dũng - phó bí thư Đoàn Trường ĐH Vinh - tại lễ bế giảng nhận được nhiều ý kiến trái chiều - Video: T.TÂM
Nhân đây, tôi có mấy ý kiến như sau:
1. Hôm rồi, tôi có anh bạn nói chuyện, sắp đi một tỉnh miền Tây để hỏi vợ cho con trai (cả hai cháu đều đang định cư tại Mỹ). Theo anh, cưới hỏi mà làm đủ theo tập quán mới... "sướng". Tôi nghĩ, anh nói cũng có lý. Tất nhiên, còn tùy điều kiện của gia đình hai bên. Nói chung, việc cưới xin ở mình, nhiều điều hay, nét đặc sắc của văn hóa Việt.
2. Cầu hôn nơi công cộng, mấy năm gần đây, có xuất hiện đây đó trong nước. Có vụ cầu hôn đình đám, làm báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Thật khó để có một "bộ đánh giá" về vấn đề này.
Yêu và được yêu - đỉnh của yêu thương, trên cả những cảm xúc tuyệt vời đang có cộng lại. Trong trạng thái bay bổng đó, sự thăng hoa dẫn đến hành vi muốn thể hiện, muốn được cho đi, muốn được nhận về, muốn công khai với tất cả, họ như muốn hét lên cho đất trời cùng biết: "anh yêu em và em cũng yêu anh".
3. Cầu hôn nơi công cộng, có sự bất ngờ của người chứng kiến, còn với người được cầu hôn, có bất ngờ hay không, tùy tình hình cụ thể.
Sẽ đong đầy nếu có cộng hưởng, thấy "thích thích" khi chớm yêu, thấy bình thường nếu trong tim... chẳng có gì, còn lưỡng lự nếu thấy có gì đó chưa thể, thấy khó chịu hay thậm chí phản ứng nếu: "ơ kìa..., nói rồi, không mà".
Vì thế, chọn cầu hôn nơi công cộng, trước hết, cần tôn trọng người được cầu hôn, sự tôn trọng ấy còn phản hồi cho chính người cầu hôn và cả những người chung quanh. Thời gian tìm hiểu, sự đồng cảm qua chia sẻ ý định cầu hôn, cách bày tỏ, không gian bày tỏ..., không nên để duy nhất cảm xúc chỉ lối.
Tuyệt nhiên, đừng coi cầu hôn nơi công cộng như một sách lược "tấn công" buộc "đối phương" chấp nhận.
4. Bày tỏ tình yêu cũng là một nhu cầu, nhưng, thể hiện sao cho có văn hóa. Tuyệt nhiên không vì chuyện của mình, mình cứ làm; không để ý người xung quanh nghĩ gì, cảm nhận ra sao, đánh giá thế nào?
Cuộc sống mỗi người hay cặp đôi - phút cầu hôn ngắn ngủi, còn sau đó là gia đình, bạn bè, bà con lối xóm, những "di chứng" (nếu có), nặng nề lắm. Nghĩ trong đầu là của riêng mình, lúc thể hiện đâu còn của riêng mình. Dư luận trong nhiều trường hợp luôn đa chiều, khác biệt, có lúc nghiệt ngã.
5. Lễ tốt nghiệp, cũng là ngày vui của thầy trò sau thời gian dài dạy - học - thi, buổi lễ này trang trọng, vui tươi, ấm cúng nhưng không quá trang nghiêm.
"Tích hợp" chuyện cầu hôn nếu đối tác ổn, được phép của thầy cô (ban tổ chức), có thể được. Xin nhấn mạnh "có thể", bởi, có nhiều nơi cầu hôn khác đẹp hơn, dễ thương hơn nhiều, sao không chọn?
Giả sử không chỉ một bạn cầu hôn mà có đến hai, ba hoặc nhiều hơn, lễ tốt nghiệp ra sao? Hay lúc này gọi là lễ tốt nghiệp - cầu hôn???
Cầu hôn, chuyện của riêng mình cùng những người thân thiết và là chuyện hệ trọng trong một đời người, nơi tổ chức cần thích hợp, đầm ấm, ý nghĩa, sẽ hay lắm".
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn nghĩ thế nào về việc quỳ gối cầu hôn nơi công cộng? Theo bạn, bày tỏ tình cảm như vậy là lãng mạn hay đua đòi theo phong trào? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận