06/10/2024 11:07 GMT+7

Khóc, cười giấc mơ đổi đời từ vé số - Kỳ cuối: 'Đội quân vé số' ngày càng đông

MẠNH DŨNG
và 1 tác giả khác

Dân bán vé số giờ không biết đâu ra mà nhiều tới độ chỉ cần ngồi uống ly cà phê cỡ nửa tiếng đã có chục người mang "cả xấp thần định mệnh" tới mời.

Khóc, cười giấc mơ đổi đời từ vé số - Kỳ cuối: 'Đội quân vé số' ngày càng đông - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Tơ đi bán vé số dạo từ lúc 4h30 sáng - Ảnh: MẠNH DŨNG

Bà cụ cầm vé số vừa đi qua thì ông già "số đây, số đây" đi tới, rồi trẻ em lầm lũi gây xót thương, các cô gái cười duyên "anh trai mua giùm em"...

"Có lần tôi hỏi cô gái trẻ ở miền Tây lên TP.HCM sao không đi làm công nhân mà lại lang thang bán vé số. Cổ trả lời bán vé số tự do thời gian hơn, không sợ ai la rầy, mà bán quen thì thu nhập cao hơn làm công nhân. Có người bán lời được năm bảy trăm, thậm chí cả triệu đồng mỗi ngày.
Anh LÊ PHÚ CHIẾN

"Tác chiến" mọi lúc mọi nơi

Buổi sáng trên đường Bùi Văn Ba (quận 7, TP.HCM), chỉ cần đi bộ vài trăm mét đã đụng mặt hàng chục người bán vé số dạo. Khu này nhiều đại lý vé số nên người bán dạo tập trung rất đông vào buổi sáng để lấy số rồi tỏa đi.

Theo chân bà Huỳnh Thị Mai, 60 tuổi, bán dọc tuyến này, chúng tôi thấy cảnh bà chào mời hầu như toàn bộ ngôi nhà bà đi ngang. Chỉ những nhà đóng cổng thì bà mới lướt qua, thậm chí bảo vệ trường mẫu giáo cũng trở thành khách quen mua vài tờ của bà mỗi ngày.

Độ "phủ sóng" của người phụ nữ 60 tuổi thể hiện qua việc bà thuộc lòng tên khách trên tuyến đường. Hễ tới nhà ai quen, bà lại gọi: "Vé số hông Tiến ơi", "Nay lấy số gì hông ông Tư"... Họ cũng quá quen bà Mai.

"Tui có mấy mối quen 5-6 năm nay, nhiều khi vào mời trùng lúc người ta đang ăn sáng là họ rủ ăn luôn hà. Quen tới mức bữa nào họ đi vắng là tui tự nhét vé số vào cái ống gạch trước cửa cho họ", bà Mai cười kể.

Chúng tôi bất ngờ khi thấy bà đi thẳng vào các nhà mở cửa nhưng không có người phía trước. Bà một mạch xuống bếp như bà và gia đình này đã hẹn từ trước, rồi cười nói vui vẻ với nhau trước khi bà bán được thêm 10 tờ.

Không chỉ những căn nhà mặt tiền, bà đi bộ nên rành mọi hẻm hóc ở khu vực. "Mấy ngày đầu tháng vào các con hẻm công nhân nhiều khi là trúng mánh chứ chẳng chơi", bà cười nói.

Bà Mai bán cả ngày nhưng buổi sáng chủ yếu đi gần. Bán hết, bà lãnh tiếp vé ngày mai để tối đạp xe tới mấy quán nhậu. Độ chừng tới 11h trưa thì cọc vé số 300 - 400 tờ của bà hết sạch. Nếu còn bà cũng gửi lại đại lý nhờ bán giùm và đổi sang vé ngày mai để chiều đi bán tiếp.

Bà nói vui giờ bắt bà ngồi nhà làm thợ may gia công hay gì đó thì bà bó tay. "Đi quen rồi chú ơi, bắt tui ngồi một chỗ nó bủn rủn tay chân sao sao á. Cực có cực, nhất là mưa gió, nhưng bù lại đi gặp được người này người kia, có chuyện nói cũng đỡ buồn", bà cười hề hề.

Tự nhận mình là "thổ địa" khu quận 7, ông Lê Thanh (64 tuổi) vẫn lắc đầu ngao ngán vì bán không được ở đây. Ông than mình lớn tuổi không nhanh nhạy như mấy "đồng nghiệp" khác nên đành đi "đánh bắt xa bờ".

6h sáng, ông bắt xe buýt từ nhà lên chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP.HCM) để bán. Trời nắng đẹp, lãnh cọc vé số 400 tờ, ông tự đặt mục tiêu bán hết trước 12h để bắt xe về nhà nấu cơm ăn cho đỡ tốn tiền rồi ngủ một giấc để chiều "đánh" khu khác.

Tiền xe buýt đi về hết 12.000 đồng, ông Thanh nói là khoản đầu tư rất lãi vì bỏ số tiền nhỏ như vậy mà lên kia bán chạy hơn. 

"Bữa nào hên rảo quanh chợ Thủ Đức, nhất là vào mấy sạp bán đồ ăn bán được hơn trăm tờ là chuyện thường. Xong xuôi cái chợ thì tôi đi tiếp ở Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt... Nếu trời đẹp đi tầm 2-3 con đường là hết sạch vé số, bắt xe về nghỉ ngơi", người đàn ông nói về buổi mưu sinh thường nhật.

Sáng ở Thủ Đức, nhưng khi trời vừa nhá nhem thì ông đã lụi cụi xuất hiện ở nhiều quán ăn dọc đường Trần Xuân Soạn, quận 7. Khách cũng đã quen mặt ông, tới bàn nào ông Thanh cũng vui vẻ như người thân lâu ngày gặp lại.

Ông cười mách: "Chiêu hết đó, mấy người ngà ngà say, mình vui vẻ một chút là có khi họ vung tiền mua cả chục tờ vé số". Thậm chí, khách nhiệt tình còn mời ông làm vài ly, nhưng ông từ chối khéo, chỉ vào cọc vé số còn dày cui rồi cười rời đi.

Khóc, cười giấc mơ đổi đời từ vé số - Kỳ cuối: 'Đội quân vé số' ngày càng đông - Ảnh 2.

Bà Huỳnh Thị Mai đã quá quen mặt với người dân trên tuyến đường Bùi Văn Ba (quận 7) - Ảnh: AN VI

Người bán đâu ra mà đông dữ thần

Người không rành vé số cứ tưởng tới khu nhà giàu sẽ bán được nhiều nhưng thực tế ngược lại. Ở nhiều khu lao động, người bán vé số lại nhanh mỏi tay đếm tiền lẻ hơn. 

Bà Nguyễn Thị Tơ, 79 tuổi, chuyên bán vé số gần bến xe miền Tây (quận Bình Tân) kể bà có nhiều khách mối là dân lao động ở các xóm trọ nghèo. 

Có người mua đều đặn hai tờ mỗi ngày, nhưng cũng có người dám mua 5, 10 tờ. "Còn họ tiền đâu mà mua à? Ai biết được, nhưng chắc người nghèo nhịn miệng ăn để mơ đổi đời nhờ ông thần tài gõ cửa", bà Tơ nói vui.

Và cũng chính ở các xóm lao động này, dân bán vé số mới đua nhau rảo nhiều nhất chứ không phải khu nhà giàu. 

Anh Lê Phú Chiến, 37 tuổi, đang trọ ở đường Bình Trị Đông (quận Bình Tân) kể anh "chơi" vé số mỗi ngày ít nhất cũng phải 10 tờ, nên cứ ra quán cà phê một chút là cỡ vài chục người cầm "xấp ông thần định mệnh" tới mời. Dân bán vé số già, trẻ, con nít, đàn ông, đàn bà, người Bắc, Trung, Nam gì cũng đủ hết, nhưng người miền Nam chiếm nhiều hơn, còn miền Trung thì hầu hết đều giọng Phú Yên.

"Có lúc cả ba, bốn người cầm vé số quây lại mời tôi cùng lúc, thôi thì tôi ưu tiên mua trẻ em, người già trước, còn không thì mua của người nào quen nhất", anh Chiến cười nói. 

Tuy nhiên, khi hỏi quen người bán vé số nào nhất thì anh lại gãi đầu "hổng nhớ nổi nữa", bởi anh quen cỡ "108 người đón đưa ông thần tài". Một lát cà phê vỉa hè của anh có vài chục người quen cầm số tới là bình thường.

Chính dân bán vé số (hay được gọi vui là đội quân may mắn) bây giờ cũng thừa nhận không hiểu đâu ra mà quá trời người bán như thế và có vẻ như ngày càng đông hơn. 

"Dân nghèo cứ thất nghiệp là nghĩ ngay đi bán vé số", bà Tơ kể thêm cứ lận túi 1,8 triệu đồng ra lấy 200 tờ vé số của đại lý thì lời được 200.000 đồng nếu bán hết. 

Đây là số lượng an toàn của người mới vào nghề. Ai kinh nghiệm "đón đưa ông thần tài" hơn thì cầm 300 - 400 tờ, thậm chí 500 - 700 tờ và có cả những người bán lên tới 1.000 tờ mỗi ngày.

Mỗi tờ họ lời 1.000 đồng, cứ thế mà nhân lên. Các đại lý bây giờ hầu hết cũng bán thẳng cho người bán vé số dạo, chứ hiếm cho mua "gối đầu", bán xong mới trả tiền như trước.

Ngoài những người mới vô nghề chưa kinh nghiệm mồm miệng, còn dân bán vé số một thời gian đều có những lợi thế riêng. Người còn sức khỏe đi nhiều sẽ có cơ hội bán được nhiều hơn. 

Nhưng người già, trẻ em yếu sức cũng hay được khách thương cảm mua giúp và riết rồi thành khách quen. Các cô gái trẻ tươi cười đi bán vé số cũng có lợi thế ở các quán nhậu hay đám tiệc tùng nhiều đàn ông say sưa. 

"Còn hỏi ai bán vé số ít nhất hả? Là thanh niên trai tráng mà cầm xấp vé số đi lang thang thì ít người mua lắm. Có người còn rầy rà thêm sao trẻ khỏe không kiếm việc mà làm", bà Tơ kể.

Riêng nói như anh Lê Phú Chiến, một dân "chơi" vé số đã đủ chồng xấp cao tới đầu, thì còn một loại người bán vé số nữa mà những người thà bỏ ăn sáng chứ không thể bỏ được vé số như anh hay mua là kiểu người có duyên đem "thần may mắn" tới cho mình. 

Chỉ cần ai đó bán vé trúng một lần, thế là lần sau họ cứ chăm chăm mua của người đó. Họ mải mê mua của người bán may mắn này mà không thèm nghĩ cả năm mới trúng một lần giải 100.000 đồng, và ngược lại đã móc túi trả tiền đều đặn mỗi ngày vài trăm ngàn đồng, thậm chí vài triệu bạc cho "giấc mơ trúng độc đắc biết chết liền"…

Khóc, cười giấc mơ đổi đời từ vé số - Kỳ cuối: 'Đội quân vé số' ngày càng đông - Ảnh 3.Khóc, cười giấc mơ đổi đời từ vé số - Kỳ 7: Trúng độc đắc, đổi đời và... tàn đời

Bỗng dưng tiền từ trên trời rơi xuống, một số người trúng số biết đầu tư đúng đắn cho tương lai nhưng không ít người sa lầy ăn chơi hoặc vung tay mua vé số "tái đầu tư" quá nhiều nhưng thất bại, thậm chí ôm nợ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên