06/09/2019 09:21 GMT+7

Khổ như người đô thị

TS NGUYỄN MINH HÒA
TS NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Cây cỏ công viên nhường chỗ cho bêtông. Không gian công cộng dành cho con người hẹp dần, hẹp dần. Và khổ nhất là cư dân đô thị.

Khổ như người đô thị - Ảnh 1.

Người dân khiêu vũ buổi sáng ở công viên Gia Định. Cần có nhiều không gian công cộng như thế này cho cư dân đô thị - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Không tự dưng gần đây xuất hiện một luồng ý kiến xã hội rất mạnh mẽ đòi lại không gian công cộng cho người dân. Ngày 4-9 tại Hà Nội, hội thảo "Không gian công cộng và sự tham gia của người dân" (Tuổi Trẻ ngày 5-9) một lần nữa phản ánh sự bức xúc của người dân trước tình trạng xây cất tràn lan, bêtông lấn chiếm không gian dành cho con người.

Người già, trẻ nhỏ và 4 bức tường

Trước đó, một phong trào "đòi lại không gian bờ biển" của người dân khiến chính quyền thành phố Đà Nẵng buộc các doanh nghiệp phải tháo dỡ tường rào, mở đường cho dân xuống biển. Thành phố Quy Nhơn quyết định phá bỏ 3 khách sạn nghìn tỉ để trả lại bờ biển thông thoáng cho người dân. Xu hướng "đòi lại không gian công cộng" đang lan rộng ra tới các tỉnh thành khác như Vũng Tàu, Nha Trang, Hạ Long.

Một đô thị như TP.HCM lúc nào cũng thường trực 13 triệu người, nhu cầu về vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thư giãn gắn với thiên nhiên là rất lớn. Nhưng đô thị hóa lan nhanh, cây cỏ, công viên nhường chỗ cho nhà cửa, đường sá. Cứ bắt đầu vào hè là cha mẹ nào cũng lo sốt vó không biết con chơi ở đâu trong 3 tháng hè, chả lẽ nhốt con mãi trong nhà, hay bắt chúng đi học thêm! Người già cũng bó gối trong nhà bởi thành phố này quá thiếu công viên cho trẻ em, người già.

Thậm chí phần lớn các khu dân cư không có nổi một vườn hoa, vườn dạo, dăm cái ghế đá sạch sẽ để người dân sau một ngày mưu sinh vất vả ngồi nhìn ngắm cây xanh, thở hít khí trời. Người dân sống dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè gọi cái thẻo đất nhỏ, dài như cái dây được trồng mấy hàng cây xanh là công viên bờ kè. Công viên nhỏ hẹp cho bao người đủ biết họ thiếu thốn không gian công cộng, cây xanh đến mức nào. Người nước ngoài đến thành phố này rất ngạc nhiên khi nghe thấy người ta gọi khoảng cây cỏ chật hẹp đó là công viên.

Khổ như người đô thị - Ảnh 2.

Một góc xanh của công viên Gia Định, TP.HCM - Ảnh: TTO

Cái khổ nhất và sẽ là gánh nặng rất lâu của thành phố này là người dân không có nhiều sự chọn lựa chỗ chơi, chỗ thư giãn cuối tuần và vào những ngày nghỉ lễ ngắn. Thay vì được hòa cùng thiên nhiên, tận hưởng khí trời, chốn vui chơi của người lớn, trẻ nhỏ giờ là các siêu thị, trung tâm thương mại. Còn không thì ở nhà, coi tivi và... nhậu.

Khi công viên bị "xà xẻo"

So với Hà Nội thì TP.HCM có không gian công cộng bao gồm công viên, vườn dạo, vườn hoa, cây xanh, mặt nước không những rất ít mà còn nghèo nàn về chủng loại. Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến cuối năm 2018, TP.HCM hiện có 369 công viên bao gồm các công viên công cộng và các công viên trong khu dân cư với diện tích 491,16ha.

Tuy nhiên công viên theo đúng nghĩa chỉ tập trung ở vài quận nội thành như quận 1, 3, 10, Tân Bình, có quận không có công viên (như Bình Tân). Tính ra mỗi người dân TP.HCM (chỉ tính trên 8,3 triệu dân thường trú) mới có được 0,3m2 đất không gian công cộng và 0,7m2 cây xanh (tính cả rừng ngập mặn Cần Giờ).

Đất công viên đã ít lại còn bị xà xẻo khá nhiều. Chẳng hạn công viên 23-9 chỉ có hơn 8ha nhưng phần dành cho các loại dịch vụ chiếm đến 60% diện tích; công viên Tao Đàn bị mất hơn 1.000m2 đất cho Trung tâm thể dục thể thao Nguyễn Du, các nhà hàng, rạp chiếu phim, cửa hàng bán đồ thể thao và mở đường xuyên qua công viên.

Công viên Gia Định, công viên Hoàng Văn Thụ cũng phải nhường hàng nghìn mét vuông đất cho con đường ngang qua công viên. Tới đây nhiều công viên sẽ bị ảnh hưởng do các công trình xây mới như Thảo cầm viên (công trình mở rộng Viện bảo tàng Lịch sử), công viên Tao Đàn (bãi đậu xe ngầm Trống Đồng).

Chính quyền và người dân TP.HCM tập trung cho tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, dịch vụ để tạo ra một thành phố năng động. Nhưng việc tạo ra bộ mặt thành phố xanh hơn, đẹp hơn, thông thoáng, lãng mạn hơn và nhiều không gian công cộng hơn là điều đáng để cho chúng ta đầu tư trí tuệ và công sức. Không hay gì khi một thành phố mà người dân cả ngày phơi mặt ngoài nắng mưa mưu sinh, đêm về chui vào một cái hộp bé tẹo với giấc ngủ không sâu, đầy âu lo.

Thêm không gian xanh: cách nào?

Thành phố cần thêm các công viên sinh thái có diện tích lớn ở các huyện như Củ Chi, Cần Giờ. Ưu tiên phát triển các rừng cây tự nhiên là nơi nghỉ ngơi thư giãn vào lúc rảnh rỗi, nhất là vào cuối tuần cho người dân chứ không chỉ có các công viên nhân tạo.

2-8 da nang xem xet y tuong xay dung cong vien sach 1

Chính quyền Đà Nẵng đang xem xét chủ trương biến khu đất 3 mặt tiền trên đường Nguyễn Văn Linh (Q. Hải Châu) thành công viên sách phục vụ cư dân TP - Ảnh: TTO

Cần thêm không gian công cộng ven sông Sài Gòn cho người dân có thể đi dạo, trò chuyện, ngắm cảnh, cắm trại... như ở hồ Gươm và những đô thị ven sông khác trên thế giới. Đồng thời phát triển làng sinh thái, phục hồi vành đai xanh, phục hưng kiến trúc Nam Bộ, xây dựng các làng nông nghiệp sạch công nghệ cao ở các huyện ngoại thành nhằm biến vùng đất này thành vùng du lịch cho người nước ngoài và người dân thành phố cũng là một giải pháp.

Ở các quận nội thành đất chật người đông, chung cư đã được người dân thành phố đón nhận như một tất yếu, người dân vào chung cư cao tầng, phần đất trống còn lại để dành cho công viên cây xanh, không gian sinh hoạt cộng đồng. Việc khơi dòng chảy các tuyến kênh xuyên tâm và cải tạo hai bên bờ kênh là một cơ hội để gia tăng đáng kể diện tích không gian công cộng.

Cải tạo công viên 30-4, giữ lại bó vỉa đá xanh lâu năm Cải tạo công viên 30-4, giữ lại bó vỉa đá xanh lâu năm

TTO - Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) vừa có kế hoạch cải tạo, nâng nền, tăng mảng xanh một số khu vực thuộc công viên 30-4 (Q.1), thời gian thi công dự kiến hoàn thành trước ngày 2-9.

TS NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên