28/07/2019 09:13 GMT+7

Khi nhiều người lớn bị 'bóng bay... che mắt'

Vĩnh Hà
Vĩnh Hà

TTO - Khi cô bé học lớp 6 ở Hà Nội kỳ cạch tìm kiếm địa chỉ của 40 trường phổ thông để gửi lá thư đề xuất về lễ khai giảng 'không bóng bay', mẹ bé đã không tin mong muốn của em được quan tâm.

Cũng dễ hiểu cho băn khoăn đó vì cô bé chỉ là một đứa trẻ. Những điều em mơ ước cũng nhỏ nhoi, chìm khuất trong rất nhiều thứ lớn lao hơn mà người lớn quan tâm.

Nhưng thật bất ngờ, lá thư được phúc đáp và hàng chục trường lập tức xác nhận sự hưởng ứng đề xuất "không thả bóng bay lên trời". Đó không phải cảm xúc nhất thời.

Những bất ngờ, cảm động, xen lẫn cảm giác hổ thẹn, cảm giác có lỗi của rất nhiều người, trong đó có các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục.

"Thầy xin lỗi đã thiếu hiểu biết khi khai giảng nào cũng thả thật nhiều bóng bay để gửi gắm những điều ước tốt đẹp, không nghĩ đã vô tình ảnh hưởng xấu đến môi trường và đôi khi còn gây nguy hại đến tính mạng nhiều sinh vật" - thầy Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), đã viết trên Facebook cá nhân.

Trên Tuổi Trẻ Online cũng có nhiều người lớn giật mình, tự nhận "mình là người lớn nhưng sao không nghĩ được một điều như đứa trẻ lớp 6?".

Có người không biết, có người biết nhưng thấy có những việc quan trọng, đáng quan tâm hơn, cần kíp hơn nên bỏ qua, không để tâm. Những người lớn đã bị che mắt bởi những lo toan, những cái đích đến khác nhau trong sự nghiệp, đời người nên không nhận ra những hiểm họa hiển hiện.

Phản ứng hoặc một động thái tích cực hướng đến cộng đồng, hướng đến một điều tốt đẹp hơn cho mọi người quanh ta cứ yếu dần, bị triệt tiêu trong một xã hội có quá nhiều vấn đề phải đối mặt. Có lẽ vì thế mà phần lớn trong chúng ta đặt quyền lợi cá nhân hơn cộng đồng.

Giữ cho căn nhà mình sạch sẽ, sang trọng nhưng thản nhiên xả rác ra đường, lấy sự tiện ích cho bản thân làm trọng, bỏ qua rất nhiều khuyến cáo về ô nhiễm môi trường sống.

Cũng may trong một thế giới mà nhiều người lớn "bị che mắt", đã có đôi mắt trẻ thơ trong trẻo nhìn thấy rõ nhất những điều đơn giản, hiển nhiên.

Với những đứa trẻ như cô bé Nguyệt Linh, chuyện con chim nuốt nhầm xác bóng bay phải chết là điều nghiêm trọng khiến em lo âu, kiên quyết từ chối thói quen chơi bóng bay.

Thế giới của những Nguyệt Linh đơn giản, trong sáng, gần với tự nhiên nên lại rộng mở, nhiều trắc ẩn, thương yêu hơn những người đã "bị che mắt".

Sau lá thư của Nguyệt Linh, có lẽ rất nhiều người đã nguyện "xin một vé đi tuổi thơ" để có thể tháo chiếc băng che mắt, giúp Nguyệt Linh biến lời đề nghị thành thông điệp mạnh mẽ, thành hành động cụ thể.

"Chúng ta cùng thực hiện nào!" - thầy Hà Xuân Nhâm đã nói với học trò của mình sau khi đọc lá thư của Nguyệt Linh. Một lễ khai giảng năm học mới "không bóng bay" cũng đã được ấn định ở Trường Marie Curie, nơi Nguyệt Linh học tập.

Và nhiều trường phổ thông ở Hà Nội, TP.HCM cũng sẽ như thế. Một sự lan tỏa thật đẹp!

Lá thư cô bé lớp 6 lay động, nhiều hiệu trưởng sẽ tổ chức ngày khai giảng "không bóng bay" Lá thư cô bé lớp 6 lay động, nhiều hiệu trưởng sẽ tổ chức ngày khai giảng 'không bóng bay'

TTO - Thường xuyên được mẹ cho 'xách balô lên và đi', sau mỗi lần đi về, cô bé Nguyệt Linh lại viết về những điều mình trải nghiệm. Và ý tưởng khai giảng không bóng bay nảy ra từ sau những chuyến đi ấy.

Vĩnh Hà
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên