Ngày nay các cơ sở đã sử dụng heli cho bóng bay, tuy nhiên vẫn có một số người bán vì lợi nhuận đã dùng hydro gây nguy cơ nổ - Ảnh: REUTERS
Nếu để ý, khi chúng ta tự thổi bóng bay bằng hơi của mình hoặc dùng bơm xe để làm căng bóng thì thì chúng không thể bay lên được. Lý do là khí nằm trong bóng bay lúc này (CO2) có khối lượng phân tử khí là 44 đvC, nặng hơn khối lượng của không khí bên ngoài là 29 đvC.
Những quả bóng bay ngày nay được bơm một trong các chất khí hóa học nhẹ hơn không khí như hydro, khí heli, metan, khí đất đèn… tuy nhiên lựa chọn khí nào thì cần phải cân nhắc.
Nguy cơ nổ với hydro
Hydro (H) có khối lượng nguyên tử chỉ 1 đvC, là nguyên tố nhẹ nhất và tồn tại nhiều nhất trong vũ trụ, dễ tách chiết, do đó trên lý thuyết rất lý tưởng cho việc bơm vào bóng bay.
Tên tiếng Anh của khí này là hydrogen, trong tiếng Hi Lạp nghĩa là "sinh ra nước" vì tính chất khi bị đốt trong không khí tạo ra sản phẩm là nước.
Cách 'thổi' bong bóng bay không cần khí heli - Clip: YouTube
Ở điều kiện tiêu chuẩn, hydro là một chất khí không màu, không mùi, không vị và là một phi kim.
Một đặc điểm khác của chất khí này là rất dễ gây cháy. Đặc biệt nếu không khí bị lẫn hydro chỉ từ 4% trong điều kiện có lửa sẽ dẫn đến phát nổ.
Ngoài ra, nếu không khí và hydro hòa lẫn với nhau ở tỉ lệ 1:1 thì chỉ trong điều kiện ánh sáng bình thường cũng sẽ gây nổ.
Do đó trong thực tế, bóng bay được bơm căng khí hydro khi gặp nguồn nhiệt như bật lửa, tàn thuốc, ánh sáng mặt trời, bóng đèn đang phát sáng… có thể phát nổ, gây cháy làm bỏng da hoặc thậm chí có thể gây hư hại mắt.
Điều tương tự cũng xảy ra với các khinh khí cầu, việc sử dụng khí hydro làm tăng nguy cơ phát nổ. Các chất metan hay đất đèn cũng tiềm ẩn nguy cơ này.
Ưu tiên dùng heli
Khí Heli (He) có nguyên tử khối bằng 2 là nguyên tố nhẹ thứ hai sau hydro. Ở trong điều kiện bình thường heli là chất khí trơ, thuộc nhóm khí hiếm - không tham gia các phản ứng ở điều kiện thường - và không cháy, không màu, không mùi, không vị, không độc.
Vì thế ngày nay, người ta thường sử dụng heli trong các quả bóng bay cũng như khinh khí cầu để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, bóng bơm bằng khí heli thì lại có nhược điểm là nhanh xẹp hơn với những chất khí khác. Lý do là vì khí heli rất nhẹ, phân tử có kích thước rất nhỏ bé nên dễ dàng khuyếch tán qua vỏ bóng bay - vốn được cấu tạo từ một tập hợp các sợi polyme đan vào nhau nhưng không thể sít chặt với nhau mà có nhiều lỗ hổng.
Vì thế, ngay ở áp suất thấp, heli vẫn có thể khuyếch tán ra ngoài như thường.
Cẩn thận với bóng bay
Khí được bơm vào bóng bay thường là heli, tuy nhiên, vì giá thành khí heli hơi cao nên nhiều người bán bong bóng có thể sử dụng hydro hay metan vốn rẻ tiền hơn.
Trong trường hợp người bán thiếu hiểu biết mà trộn các khí ở tỷ lệ không phù hợp thì có thể gây nổ ngay ở điều kiện bình thường mà không cần tiếp xúc với nguồn nhiệt.
Do đó để an toàn, cần cẩn trọng khi sử dụng bóng bay. Không nên giữ bóng bay trong phòng kín hay xe ô tô bởi nếu không may chạm vào nguồn nhiệt như hơi nóng của bóng đèn cũng có thể phát nổ.
Cũng không nên để bóng bay quá lâu dưới trời nắng vì dễ gây nguy hiểm.
Cần chỉ dạy con trẻ tránh để bóng bay tiếp xúc với nguồn nhiệt như hộp quẹt hay bếp gas. Tránh cầm một lúc quá nhiều chùm bóng bay trên tay vì có thể tạo ra ma sát cho vỏ bóng gây nguy hiểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận