29/05/2018 21:48 GMT+7

Khi các hãng dược ra tòa: Các ông lớn dính hối lộ

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Trong top 10 doanh nghiệp dược phẩm đứng đầu thế giới năm 2017, Roche xếp hạng tư. Ngoài Roche, nhiều ông lớn ngành dược cũng dính tai tiếng.

Khi các hãng dược ra tòa: Các ông lớn dính hối lộ - Ảnh 1.

Bồi dưỡng cho bác sĩ là hành vi vi phạm Luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ - Ảnh: pvtistes

Bọn buôn lậu thuốc giả và thuốc kém chất lượng thường tung hoành tại các nước dễ xảy ra tham nhũng và các nước mà y bác sĩ và viên chức phụ trách trấn áp buôn lậu lãnh lương quá thấp

Viện Nghiên cứu quốc tế chống hàng giả ở Pháp

Đầu tháng 3-2018, Công ty dược phẩm Roche của Thụy Sĩ xác nhận thông tin đăng trên báo Đức Handelszeitung về việc cảnh sát đang điều tra hoạt động gian lận của các nhân viên cũ chi nhánh Roche ở Nga.

Họ bị tình nghi ăn cắp thuốc đắt tiền bán ra chợ đen và mua chuộc các bác sĩ để bán thuốc. Giá trị số biệt dược lên đến 60 triệu rúp (1 triệu USD). Văn phòng Roche và nhà của bốn đối tượng ở Matxcơva đã bị khám xét.

Nhiều phi vụ lót tay của Novartis

Hãng Roche không phải là công ty “cò con”. Trong top 10 doanh nghiệp dược phẩm đứng đầu thế giới năm 2017, Roche xếp hạng tư. Ngoài Roche, nhiều ông lớn ngành dược cũng dính tai tiếng. Cái tên thường được nhắc đến là Tập đoàn dược phẩm Novartis của Thụy Sĩ (đứng thứ sáu trong top 10).

Giữa tháng 5-2018, ủy ban điều tra đặc biệt của Quốc hội Hi Lạp thông báo chuyển hồ sơ Tập đoàn Novartis bị nghi ngờ hối lộ sang tòa án chống tham nhũng.

Từ năm 2006-2015, Novartis bị nghi ngờ chi hối lộ cho hai cựu thủ tướng, tám cựu bộ trưởng và hàng ngàn bác sĩ bệnh viện công để chiếm thị phần rồi "thổi giá" thời điểm Hi Lạp rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế.

Thủ tướng Alexis Tsipras (cầm quyền từ tháng 9-2015) đánh giá vụ này là ví dụ tiêu biểu cho nạn tham nhũng phổ biến tại Hi Lạp.

Trước đó, Novartis đã nộp phạt nhiều lần vì vi phạm ở Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tháng 4-2017, Bộ Y tế Hàn Quốc phạt chi nhánh Novartis 48,3 triệu USD do giảm giá thuốc trái phép để các bác sĩ ưu tiên kê toa.

Số tiền giảm từ năm 2011-2015 lên đến 2,6 tỉ won (2,46 triệu USD). Sáu nhân viên Novartis bị truy tố.

Tại Mỹ, cuối năm 2016, Novartis phải bồi thường 390 triệu USD vì từ năm 2004-2013 đã móc ngoặc để các nhà thuốc ưu tiên bán hai biệt dược Exjade và Myfortic.

Tháng 10-2010, Novartis đã bị Mỹ phạt 422,5 triệu USD vì tiếp thị trái phép và hối lộ các y bác sĩ để quảng bá thuốc trị động kinh Trileptal. Tháng 3-2016, Novartis còn phải nộp phạt 25 triệu USD để khỏi ra tòa.

Từ năm 2009-2013, chi nhánh Novartis ở Trung Quốc đã hối lộ các bác sĩ, sau đó Novartis bị nghi ngờ hối lộ ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngầm bắt tay với Hãng Roche bán thuốc điều trị bệnh lý về mắt ở Pháp và Ý, sửa dữ liệu y khoa ở Nhật...

Khi các hãng dược ra tòa: Các ông lớn dính hối lộ - Ảnh 3.

Ngày 22-2-2018, Quốc hội Hi Lạp bỏ phiếu đồng ý mở cuộc điều tra về các nhà chính trị liên quan đến nghi vấn Hãng Novartis tham nhũng. Trong ảnh: Thủ tướng Alexis Tsipras bỏ phiếu - Ảnh: Eurokinissi

Hối lộ bác sĩ Trung Quốc

Ngoài Novartis, năm 2016 tại Mỹ, các hãng dược Teva, GlaxoSmithKline, AstraZeneca và SciClone cũng đã nộp phạt 5-519 triệu USD.

Năm 2015, Tập đoàn dược phẩm Bristol-Myers Squibb của Mỹ đã thỏa thuận nộp phạt 14 triệu USD do chi nhánh Trung Quốc chi tiền "bất thường" cho các lãnh đạo bệnh viện. Sau đó, các nhân viên ở New York làm phiếu chi giả để che giấu các khoản lót tay.

Lót tay được thực hiện dưới nhiều hình thức từ thực phẩm, mỹ phẩm, thẻ mua hàng đến nữ trang, tổ chức du lịch và tiền mặt. Hành vi này đã vi phạm Luật chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) của Mỹ.

Năm 2012, SEC từng xử phạt Công ty dược phẩm Pfizer (đứng đầu trong top 10 doanh nghiệp dược phẩm năm 2017) vì hối lộ các bác sĩ Trung Quốc. Cùng năm này, Công ty dược phẩm Eli Lilly bị phạt vì làm giả phiếu chi để che giấu các khoản hối lộ cho các bác sĩ bệnh viện công Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, tiền lương của y bác sĩ quá thấp nên chuyện phong bì lót tay xảy ra như cơm bữa. Tháng 9-2014, Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh đã bị tòa án Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) phạt số tiền kỷ lục 3 tỉ nhân dân tệ (440 triệu USD) vì tội đưa hối lộ.

Giám đốc chi nhánh GSK ở Trung Quốc Mark Reilly bị trục xuất. Bốn lãnh đạo GSK người Trung Quốc bị phạt tù.

Từ năm 2007, chi nhánh Trung Quốc đã chi gần nửa tỉ USD mua chuộc các bệnh viện, các bác sĩ và chính quyền nhằm tăng doanh số bán hàng. Giám đốc Mark Reilly chính là người chỉ đạo.

Khi các hãng dược ra tòa: Các ông lớn dính hối lộ - Ảnh 4.

Luật sư Antoine Béguin, đồng tác giả tác phẩm “Những phản ứng phụ” - Ảnh: NR

Luật Mỹ, Anh cấm chi tiền cho bác sĩ

Tham nhũng có đất tung hoành nhiều hơn trong ngành công nghiệp dược phẩm vì ba lý do. Một là tại một số thị trường mới nổi, pháp luật về tham nhũng chưa chặt chẽ, thậm chí còn tồn tại kiểu suy nghĩ "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn".

Năm 2016, đã có năm hãng dược bị truy tố theo Luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ vì vi phạm ở Trung Quốc hay tại Nga.

Hai là theo Luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ, các y bác sĩ được xem là viên chức nước ngoài. Do đó, chi tiền cho họ bị xem là hành vi tham nhũng.

Tại nhiều nước như Trung Quốc, một số cơ sở y tế do nhà nước quản lý. Nếu các hãng dược "bồi dưỡng" cho họ là phạm luật của Mỹ.

Ba là các hãng dược chủ yếu tiếp thị đội ngũ y bác sĩ hay quản lý bệnh viện bằng hình thức tặng thưởng thì Mỹ xem là hành vi tham nhũng, dù đó là bữa ăn, quà cáp, vé mời hay tiền bạc.

Giáo sư luật Marc A. Rodwin - người Mỹ, chuyên gia về xung đột lợi ích và kinh nghiệm tham nhũng trong công nghiệp dược phẩm - cho biết từ năm 2002, nhiều khoa y ở Mỹ đã dạy sinh viên cách đối phó với các chiêu tiếp thị của các hãng dược phẩm.

Tại Anh, Luật chống hối lộ đã đưa ra nhiều quy định nhằm gây sức ép đặc biệt đối với các hãng dược. Điều 6 của luật này chống hối lộ các viên chức nước ngoài bao gồm cả bác sĩ và người hành nghề y chuyên nghiệp.

Xung đột lợi ích và tính minh bạch

Tác phẩm "Những phản ứng phụ" của nhóm tác giả gồm nữ bác sĩ Irène Frachon (người tố cáo thuốc trị tiểu đường Mediator gây tác dụng phụ), luật sư Antoine Béguin và nhà báo Jean-Christophe Brisard được xuất bản ở Pháp vào tháng 3-2016.

Nội dung nêu lên vấn đề xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp dược phẩm, các chuyên gia và bộ máy luật pháp.

Ví dụ năm 2013, Ủy ban Kinh tế và xã hội châu Âu từng bày tỏ lo ngại khi 85% ngân sách trong lĩnh vực cảnh giác dược của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) lại do các hãng dược tài trợ.

Các tác giả đã kêu gọi ngành công nghiệp dược phẩm cần phải minh bạch hơn.

Khi các hãng dược ra tòa: Thuốc giả từ bột mì, than củi Khi các hãng dược ra tòa: Thuốc giả từ bột mì, than củi

TTO - Interpol ghi nhận thuốc giả lưu hành ở châu Phi dưới nhiều dạng rất khó tin như thuốc giảm đau làm từ than củi, thuốc điều trị sốt rét không có dược chất, thuốc kháng sinh nhiễm kim loại nặng asen...

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên