24/05/2018 16:29 GMT+7

Khi các hãng dược ra tòa: Hai phụ nữ can trường

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Là dân tỉnh lẻ, cư trú ở tỉnh Pyrénées-Orientales cách thủ đô Paris đến 887km, bà Marine Martin (46 tuổi) đã trở thành biểu tượng đấu tranh cho các nạn nhân dùng thuốc điều trị động kinh Dépakine của Hãng dược Sanofi.

Khi các hãng dược ra tòa: Hai phụ nữ can trường - Ảnh 1.

Thuốc điều trị động kinh Dépakine - Ảnh: SIPA

Bà Marine Martin mắc chứng động kinh.

Bà mẹ có hai con bị dị tật vì thuốc Dépakine

Từ năm 10 tuổi bà đã dùng thuốc Dépakine, ngay cả trong lúc hai lần mang thai.

Hai con bà chào đời đều bị dị tật. Con gái gặp khó khăn trong vận động. Con trai bị dị tật dương vật, rối loạn thần kinh, đến tuổi biết đi không đi được, đến tuổi biết nói không nói được.

Bà tìm tòi nghiên cứu mới biết thuốc Dépakine là một trong hai loại thuốc nguy hiểm nhất đối với phụ nữ mang thai.

Năm 2010, bà muốn kiện Hãng Sanofi. Bà đã nhờ luật sư Charles Joseph-Oudin trợ giúp pháp lý. Sau đó, bà thành lập Hội hỗ trợ các cha mẹ có con mắc hội chứng thuốc chống động kinh (APESAC) và cung cấp thông tin cho báo địa phương.

Nhiều gia đình kết nối với bà. Bà từ bỏ công việc hậu cần trong giao thông để cùng họ bước vào cuộc chiến tố cáo thuốc Dépakine gây dị tật. Đến nay APESAC đã quy tụ khoảng 2.200 gia đình với 3.800 trẻ em bị dị tật.

Nỗ lực của bà Marine Martin đã gặt hái thành công.

Từ tháng 10-2014, Cơ quan Dược phẩm châu Âu quy định thuốc Dépakine chỉ được kê toa khi không còn thuốc điều trị nào khác và các bà mẹ phải được tư vấn về nguy cơ sinh con bị dị tật, chậm phát triển và rối loạn thần kinh.

Tháng 5-2015, cảnh báo nguy cơ được ghi trên toa thuốc. Tháng 2-2016, tổng thanh tra các vấn đề xã hội ở Pháp kết luận các cơ quan công quyền và Hãng Sanofi đã thờ ơ với nguy cơ từ thuốc Dépakine.

Sau đó, Quốc hội Pháp nhất trí thành lập quỹ bồi thường với số tiền dự kiến hơn 500 triệu euro. Đến tháng 5-2017, theo đề nghị của bà Marine Martin, mọi loại thuốc ảnh hưởng đến thai nhi đều phải in logo cảnh báo trên hộp.

Tôi tin rằng Hãng Sanofi đánh giá thấp tôi. Cuối cùng sau khi tôi tiếp xúc với văn phòng của Bộ trưởng Xã hội và y tế Marisol Touraine vào tháng 2-2016, họ mới hiểu vụ tai tiếng Dépakine là quả bom hạt nhân thực sự

MARINE MARTIN (chủ tịch APESAC)

Khi các hãng dược ra tòa: Hai phụ nữ can trường - Ảnh 3.

Bà Marine Martin và tác phẩm “Vụ tai tiếng thuốc Dépakine” xuất bản đầu tháng 4-2017 tại Pháp - Ảnh: REUTERS

Cuộc chiến pháp lý đòi bồi thường

Cuối tháng 11-2017, lần đầu tiên tòa phúc thẩm ở Orléans tuyên án Hãng Sanofi phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường 2 triệu euro cho một gia đình có con bị dị tật do thuốc Dépakine và phải hoàn trả 1 triệu euro chi phí điều trị ca này cho cơ quan bảo hiểm.

Tòa nhận định Sanofi đã không giới thiệu thuốc bảo đảm an toàn đầy đủ cho người bệnh và không thể chối bỏ trách nhiệm với lý do đã có cơ quan y tế kiểm soát chất lượng thuốc.

Công việc sắp tới của bà Marine Martin là tiếp tục thu thập chính xác số nạn nhân trong hơn 50 năm lưu hành thuốc Dépakine.

Chỉ trong giai đoạn 2007-2014, Cơ quan Quốc gia về an toàn dược phẩm và sản phẩm y tế của Pháp đã ghi nhận có 14.322 ca phụ nữ mang thai dùng thuốc với hoạt chất valproate, trong 8.700 trẻ chào đời có 10% bị dị tật và từ 30-40% bị rối loạn phát triển thần kinh.

Dù Sanofi khẳng định họ có cảnh báo nguy cơ thuốc Dépakine gây dị tật đối với thai nhi từ thập niên 1980 và đã nhiều lần báo động với cơ quan y tế về nguy cơ chậm phát triển thần kinh từ năm 2000 nhưng các vụ kiện vẫn còn tiếp diễn nhằm yêu cầu Sanofi phải chi tiền bồi thường chứ không thể tiếp tục bồi thường bằng tiền thuế của dân.

Khi các hãng dược ra tòa: Hai phụ nữ can trường - Ảnh 4.

Bác sĩ Irène Frachon (trái) và nữ đạo diễn tài năng Emmanuelle Bercot, người làm phim về bà - Ảnh: LP

Nữ bác sĩ và vụ án thuốc Mediator

Đầu tháng 4-2017, tác phẩm Vụ tai tiếng thuốc Dépakine dày 252 trang do bà Marine Martin chấp bút đã được xuất bản tại Pháp. Bà kể lại tấm gương để bà noi theo trong cuộc đối đầu với Hãng Sanofi là bác sĩ Irène Frachon.

Nữ bác sĩ chuyên khoa phổi Irène Frachon làm việc tại Bệnh viện Trường đại học thành phố Brest.

Năm 2007, cuộc đời của bà mẹ bốn con này đã chuyển sang bước ngoặt quan trọng. Một đồng nghiệp cho biết một bệnh nhân nữ mắc bệnh tiểu đường gặp biến chứng tổn thương van tim.

Bà lao vào nghiên cứu và tìm thấy mối liên hệ giữa biến chứng van tim với thuốc Mediator (hoạt chất benfluorex) điều trị tiểu đường và gây chán ăn.

Bà đấu tranh ròng rã hai năm, sau đó Mediator đã bị cấm lưu hành năm 2009.

Tháng 6-2010, tác phẩm Mediator 150mg, bao nhiêu người chết? của bà đã được xuất bản. Tác phẩm gây sốc này chỉ đích danh Công ty dược phẩm Servier phải chịu trách nhiệm về thuốc Mediator.

Thuốc đã được kê toa cho 5 triệu bệnh nhân ở Pháp trong hơn 30 năm và là nguyên nhân gây tử vong lâu dài cho gần 2.000 bệnh nhân.

Đến tháng 9-2017, lần đầu tiên tòa án đã xác định trách nhiệm dân sự của Công ty Servier.

Tòa nhận định công ty phải chịu trách nhiệm khi phân phối trên thị trường thuốc có sai sót mà không cung cấp đầy đủ thông tin về nguy cơ hoạt chất benfluorex của thuốc Mediator gây tác dụng phụ như huyết áp phổi và bệnh van tim.

Đến nay Servier đã bồi thường cho 2.846 bệnh nhân với tổng số tiền 48,3 triệu euro.

Về lĩnh vực hình sự, dự kiến cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019 tòa sẽ mở phiên xét xử 11 pháp nhân và 14 cá nhân của Công ty Sevier và Cơ quan Quốc gia về an toàn dược phẩm và sản phẩm y tế Pháp về tội vô ý làm chết người và lừa dối với tình tiết nghiêm trọng.

4.129 người bị hại sẽ tham gia phiên tòa, tuy nhiên trong phiên tòa không có nhân vật chủ chốt Jacques Servier, người sáng lập Công ty Servier. Ông đã qua đời vào tháng 4-2014, hưởng thọ 92 tuổi.

Về nhân vật nữ bác sĩ Irène Frachon (năm nay 55 tuổi), năm 2016 đạo diễn tài năng Emmanuelle Bercot đã làm phim Người con gái xứ Brest về bà và so sánh bà với nhà hoạt động môi trường Erin Brockovich ở Mỹ, người đã tố cáo Công ty điện lực và khí đốt Pacific Gas & Electric đầu độc dân chúng.

Anh hạn chế sử dụng thuốc Dépakine

Cuối tháng 4-2018, Cơ quan Quản lý dược phẩm và sinh phẩm y tế Anh (MHRA) thông báo cấm sử dụng thuốc với hoạt chất valproate (tên thương mại là Dépakine, Dépakote, Dépamide) dùng để điều trị động kinh và rối loạn lưỡng cực nếu phụ nữ mang thai không tham gia chương trình phòng ngừa.

MHRA giải thích không sử dụng thuốc với hoạt chất valproate để điều trị động kinh trong thời gian mang thai trừ trường hợp không có thuốc thay thế và tuyệt đối không dùng loại thuốc này điều trị cho phụ nữ mang thai mắc chứng rối loạn lưỡng cực.

* Kỳ tới: Vụ kiện... lò xo tránh thai

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên