26/05/2018 16:16 GMT+7

Khi các hãng dược ra tòa: Nghiện thuốc giảm đau

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Từ khi bán ra thị trường vào năm 1995, thuốc bán theo toa OxyContin do Công ty Purdue Pharma sản xuất được xem như loại thuốc "thần kỳ" vì có tác dụng giảm đau liên tục 12 tiếng.

Khi các hãng dược ra tòa: Nghiện thuốc giảm đau - Ảnh 1.

Thuốc giảm đau có chất gây nghiện OxyContin - Ảnh: AP

Chính vì thế OxyContin là thuốc giảm đau bán chạy nhất thế giới. Do OxyContin có chất gây nghiện nên ở Pháp các bác sĩ chỉ kê toa trong các ca đau ung thư.

Còn tại Mỹ, từ đầu thập niên 2000 các bác sĩ cứ thoải mái kê toa. Nạn lạm dụng OxyContin ở Mỹ nghiêm trọng đến mức cả xã hội phải cảnh báo.

Purdue Pharma nhiều lần bị kiện

Từ cuối thập niên 1990, giới nghiên cứu đã nghi ngờ thuốc OxyContin gây nghiện. Chỉ cần cà OxyContin thành bột và hít hoặc tiêm, thuốc tạo "épphê" chẳng khác gì heroin. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh thuốc OxyContin liên quan đến ma túy.

Năm 2017, ba nhà kinh tế học ở bang Indiana công bố nghiên cứu với đầu đề "Làm thế nào thuốc OxyContin công thức mới khởi phát bùng nổ tiêu thụ heroin?".

Nghiên cứu chứng minh 1/3 số người dùng thuốc OxyContin sau đó đã chuyển sang chơi ma túy, trong đó 70% chơi heroin.

Hiệp hội Y khoa Mỹ về chứng nghiện khẳng định 4/5 số người dùng heroin đã bắt đầu trước đó bằng thuốc giảm đau có chất gây nghiện.

Dư luận lên án Công ty Purdue Pharma đã cố tình đánh giá thấp nguy cơ gây nghiện của OxyContin để bán thuốc. Năm 2007, tòa tuyên Purdue Pharma đã che giấu phản ứng gây nghiện của OxyContin và phạt Purdue Pharma 634,5 triệu USD.

Năm 2015, Purdue Pharma đã thỏa thuận trả 24 triệu USD cho bang Kentucky khi bị quy trách nhiệm gây ra tình trạng nghiện thuốc giảm đau lan tràn.

Cuối tháng 5-2017, bang Ohio đã gửi đơn đến tòa án hạt Ross kiện năm hãng dược (Purdue Pharma, Johnson & Jonhson, Teva, Allergan, Endo) vì che giấu sự thật, không thông báo đầy đủ cho các bác sĩ về phản ứng phụ của thuốc giảm đau dẫn đến nguy cơ lệ thuộc thuốc, người bệnh có thể dùng quá liều gây tử vong.

Bang Tây Virginia, thành phố Chicago, quận Cam và quận Santa Clara ở bang California cũng đã kiện các nhà phân phối thuốc giảm đau gây nghiện.

Cuối tháng 1-2018, New York là thành phố đầu tiên kiện đến tòa án tối cao của bang yêu cầu năm công ty (Purdue Pharma, Teva, Cephalon, Johnson & Johnson và Janssen) phải chi 0,5 tỉ USD hỗ trợ các chương trình ngăn chặn cơn dịch dùng quá liều thuốc giảm đau có chất gây nghiện.

Đây là lần đầu tiên một thành phố ở Mỹ kiện như thế.

Thị trưởng New York Bill de Blasio khẳng định: "Đã đến lúc các công ty này phải chịu trách nhiệm về thuốc giảm đau và phải chung tay cứu người".

Ban đầu là 30 viên thuốc giảm đau mỗi tháng, sau đó 60 viên rồi 120 viên. Một ngày nọ bác sĩ nói luật đã thay đổi nên không cho thuốc nữa. Tôi tìm chỗ khác mua thuốc rồi sau đó chuyển sang dùng heroin

Một người nghiện tên Dennie Hertel

Khi các hãng dược ra tòa: Nghiện thuốc giảm đau - Ảnh 3.

Ngày 10-3-2018, bà Nan Goldin (cầm lọ thuốc) cùng những người ủng hộ biểu tình kêu gọi hạn chế thuốc giảm đau có chất gây nghiện - Ảnh: artnews.com

Đương đầu với hãng dược

Tháng 10-2017, tạp chí New Yorker ở Mỹ đã đăng một bài viết cay độc với đầu đề "Gia tộc xây dựng thế lực từ cơn đau".

Bài viết khẳng định từ năm 1995, thuốc OxyContin đã mang lại 35 tỉ USD cho Công ty Purdue Pharma, trong đó phần lớn chảy vào túi gia đình Sackler.

Purdue Pharma do hai anh em nhà Sackler gồm nhà vật lý Mortimer và bác sĩ Arthur Sackler sáng lập (hiện nay đều đã qua đời), còn gia đình Sackler là gia đình danh gia vọng tộc ở Mỹ, nổi tiếng về bảo trợ cho nhiều bảo tàng tại Mỹ, Anh, Pháp.

Một người phụ nữ dám đương đầu với gia tộc Sackler danh giá là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Nan Goldin (năm nay 65 tuổi).

Đầu năm 2018, bà đưa lên trang web Change kiến nghị yêu cầu Công ty Purdue Pharma và gia tộc Sackler phải chịu trách nhiệm về nạn nghiện thuốc giảm đau OxyContin. Bản thân bà là một ví dụ.

Năm 2014, bà bị viêm gân. Bác sĩ cho toa thuốc OxyContin, sau đó bà bị lệ thuộc vào thuốc và chỉ mới thoát khỏi nó cách đây một năm.

Bà bộc bạch: "Tôi đã sống sót trong cơn lệ thuộc thuốc có chất gây nghiện. Tôi đã suýt không qua khỏi".

Sau đó, bà Nan Goldin đã đứng ra thành lập tổ chức "Can thiệp ngay với thói nghiện toa thuốc" (PAIN) nhằm kêu gọi Công ty Purdue Pharma và gia đình Sackler hỗ trợ cho các chương trình điều trị người nghiện thuốc giảm đau, hạn chế kê toa thuốc có chất gây nghiện và truyền bá nguy cơ của loại thuốc này.

Bà đã kêu gọi các bảo tàng và trường đại học nên từ chối tài trợ của gia đình Sackler.

Purdue Pharma không nhận trách nhiệm một mình và lập luận thuốc OxyContin chỉ chiếm 2% thị phần thuốc giảm đau, đồng thời cho rằng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm cá nhân.

Song công ty cũng cam kết sẽ thực hiện các biện pháp tích cực để giảm nạn lạm dụng thuốc giảm đau và ủng hộ các sáng kiến phát triển thuốc giảm đau không gây nghiện.

Khi các hãng dược ra tòa: Nghiện thuốc giảm đau - Ảnh 4.

Ngày 26-10-2017, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với thuốc giảm đau có chất gây nghiện - Ảnh: AFP

Nghịch lý là bà Elizabeth Sackler, con gái ông Arthur Sackler (người sáng lập Purdue Pharma), lại hậu thuẫn bà Nan Goldin.

Bà Elizabeth Sackler tuyên bố với báo giới: "Cơn dịch thuốc gây nghiện mang tính chất khủng hoảng quốc gia và vai trò của Công ty Purdue Pharma thật đáng chê trách về đạo đức".

Bà giải thích cha bà không giữ vai trò nào trong quá trình phát triển và thương mại thuốc OxyContin, phần vốn của ông đã được bán lại và không có con cháu nào sở hữu cổ phần trong Purdue Pharma.

Người phụ nữ can đảm Nan Goldin tâm sự: "Phần lớn những người xung quanh tôi đều chết vì bệnh AIDS. Tôi không thể chứng kiến một thế hệ mới bị hủy hoại. Hãy để lại sau chúng ta một thế giới tốt đẹp hơn thế giới chúng ta đang thừa hưởng".

Đây cũng là điều ông Arthur Sackler đã nhắn nhủ với con cái trước khi qua đời vào năm 1987.

Mỗi ngày hơn 115 ca tử vong do thuốc giảm đau

Mỹ tiêu thụ 80% thuốc giảm đau có chất gây nghiện trên thế giới. 75% số người dùng heroin từ năm 2000-2010 trước đó đã uống thuốc giảm đau có chất gây nghiện theo toa bác sĩ.

Năm 2016 có 63.600 ca tử vong do dùng thuốc quá liều, trong đó 2/3 (42.249 ca) do dùng thuốc giảm đau có chất gây nghiện, tức 115 ca/ngày.

Tháng 10-2017, Tổng thống Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với thuốc giảm đau có chất gây nghiện.

Đến ngày 19-3-2018, ông cam kết trong vòng ba năm sẽ giảm 1/3 số toa thuốc giảm đau thuộc nhóm các chất gây nghiện như morphine, oxycodone.

Ông tuyên bố phải sửa đổi luật để xử phạt đến tử hình đối với những kẻ mua bán các chất gây nghiện.

********************

Kỳ tới: Thuốc giả từ bột mì, than củi

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên