17/12/2019 13:04 GMT+7

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ cuối: Làm gì để tăng giá trị trái cây Việt?

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Hơn ba năm trước, nói đến dừa tươi uống liền tại Mỹ, khách hàng chỉ nghĩ dừa Thái Lan.

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ cuối: Làm gì để tăng giá trị trái cây Việt? - Ảnh 1.

Sơri sau chế biến ổn định được đầu ra và giá cả - Ảnh SƠN LÂM

Một lần đi Mỹ tìm hiểu thị trường, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T, quyết định tìm hiểu vì sao mà dừa xiêm Bến Tre, một đặc sản Việt Nam lại không được ưa chuộng. Hóa ra trái dừa Việt bán tại Mỹ không phải dừa xiêm chính hiệu, mà là dừa lai với độ ngọt kém hơn nhiều dừa Thái...

Trái dừa xiêm Bến Tre trên đất Mỹ

Có vợ người Bến Tre, ông Tùng hiểu rõ độ ngon ngọt của dừa vùng đất này bởi sự phù hợp về thổ nhưỡng địa lý. Nếu bán đúng dừa xiêm Bến Tre thì có thể cạnh tranh với dừa Thái. Ông Tùng bàn với đối tác tại Mỹ và tặng một container dừa để giới thiệu với người tiêu dùng.

Đúng dự đoán, dừa xiêm Bến Tre ngon ngọt nhanh chóng được người tiêu dùng Mỹ đón nhận và chỉ một năm sau đã chiếm chỗ dừa Thái tại nhiều quầy hàng bán dừa tươi tại Mỹ. Vina T&T phải xây thêm nhà máy quy mô xử lý 2,5 triệu trái/năm tại Bến Tre để đáp ứng xuất khẩu. Hiện công ty xuất khẩu trung bình mỗi tuần 80.000 trái dừa tươi sang Mỹ.

"Sau thành công này, nay đã có nhiều công ty xuất khẩu dừa sang Mỹ và người tiêu dùng vẫn tiếp tục đón nhận dừa xiêm Bến Tre. Thị trường Úc cũng đang tăng nhập khẩu loại dừa này, chúng tôi đang bán khoảng 20.000 trái mỗi tuần", ông Tùng cho biết.

Theo ông Tùng, Việt Nam nhiều lợi thế xuất khẩu trái cây vì có vùng nguyên liệu rộng lớn tập trung phía Nam với nhiều loại đặc sản hương vị thơm ngon. Nguồn lao động ở địa phương còn dồi dào và tay nghề nông dân rất cao. Nhiều loại cây trồng đã được nông dân cho ra trái quanh năm.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vùng nguyên liệu có sẵn và bán những gì mình có thì rất khó tạo sự tăng trưởng lâu dài. Và thực tế là sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, xuất khẩu trái cây Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 3,5 tỉ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ cuối: Làm gì để tăng giá trị trái cây Việt? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đình Tùng

Cần chiến lược bài bản cho trái cây Việt

Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng xuất khẩu trái cây hiện nay vẫn mạnh ai nấy làm chứ chưa có sự liên kết hỗ trợ nhau. Đó là thiếu liên kết chiều dọc khi doanh nghiệp ít đầu tư vào vùng nguyên liệu, gắn kết cùng nông dân, mà nhiều công ty chỉ làm thương mại đơn thuần thu gom chỗ này chỗ kia một ít cho đủ đơn hàng xuất khẩu. Do đó, Việt Nam cần thay đổi chiến lược xuất khẩu để nâng cao giá trị cho ngành trái cây trong thời gian tới.

Đầu tiên phải bắt đầu từ công tác nghiên cứu giống cây trồng và vùng nguyên liệu. Cần xây dựng thương hiệu ngay từ khi làm cây giống, đây là nhiệm vụ của các viện nghiên cứu, nhà khoa học.

Còn doanh nghiệp cần đầu tư vùng nguyên liệu để kiểm soát chất lượng. Đó là việc hợp tác nông dân trong lựa chọn giống cây, sử dụng loại phân, thuốc mà thị trường nhập khẩu cho phép, tuân thủ quy trình canh tác, phân tích chất lượng... Đầu tư này dài hạn và tốn kém cho doanh nghiệp nhưng phải làm nếu muốn phát triển lâu dài. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và bảo vệ những doanh nghiệp đầu tư bài bản như vậy.

Đàm phán xuất khẩu trong các hiệp định thương mại tự do cũng rất quan trọng. Bởi các thị trường khó tính xem xét rất kỹ khi cho nhập khẩu trái cây tươi từ Việt Nam. Có thể phải mất 3-5 năm để chuẩn bị cho một loại trái cây vào Mỹ, Úc... Lựa chọn sai sản phẩm sẽ làm mất cơ hội cho cả ngành trong thời gian dài.

Ví dụ rõ nhất là đàm phán với Mỹ, Việt Nam chọn xuất khẩu trái vải và vú sữa thì Mỹ chọn xuất khẩu táo với thịt bò. 5-6 năm qua, táo Mỹ sang Việt Nam tăng hàng ngàn lần, từ 5.000 thùng/năm lên 5 triệu thùng/năm. Ngược lại, vú sữa xuất khẩu rất ít, còn trái vải hầu như không xuất khẩu được mấy sau vài công hàng đầu tiên do mùa vải cũng như vú sữa chỉ có vài tháng trong năm. Khi sang đến Mỹ làm thương hiệu để người ta biết mua nhiều hơn thì Việt Nam hết mùa.

"Tôi hi vọng rằng trong các cuộc đàm phán tiếp theo, những nhà đàm phán Việt Nam nên quan tâm hơn các loại cây trồng có sản lượng lớn và trồng được quanh năm để xuất khẩu", ông Tùng đề nghị.

Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại cũng rất quan trọng và một doanh nghiệp không thể thực hiện được. Ví dụ táo Washington (Mỹ) là một thương hiệu riêng trong rất nhiều loại táo Mỹ và có cả hiệp hội những người trồng và xuất khẩu loại táo này. Hiệp hội này cử đại diện thương mại đến các thị trường tiềm năng để quảng bá hình ảnh, kết nối giao thương và hỗ trợ bán hàng.

Tại Việt Nam, đại diện hiệp hội táo Washington đang ở quận 7 (TP.HCM), ai có nhu cầu mua táo này có thể gặp họ để lấy thông tin, và họ sẽ giới thiệu cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong hiệp hội họ.

Ở Việt Nam, ngoài hiệp hội táo Washington, còn có đại diện hiệp hội khoai tây, nho khô, ngũ cốc... Các doanh nghiệp nước ngoài rất liên kết, chặt chẽ và đoàn kết để cùng phát triển thị trường. Điều này chứng minh bằng kết quả kinh doanh táo, khoai tây, ngũ cốc tăng trưởng hàng trăm, hàng ngàn lần tại Việt Nam. 

Ngược lại, dù hiệp hội trái cây ở Việt Nam đã có từ lâu nhưng mối quan hệ giữa các doanh nghiệp rất yếu nên thường dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh, cạnh tranh bằng hạ giá dẫn tới chất lượng hàng xuất khẩu giảm, uy tín trái cây Việt Nam tại nhiều thị trường bị tổn hại nghiêm trọng.

Cần số lượng lớn và chất lượng tốt

TS Võ Mai (phó chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam): Muốn xuất khẩu được trái cây, đầu tiên phải có số lượng đủ lớn và chất lượng tốt, chứ nếu cứ manh mún từng vùng nhỏ thì chỉ tiêu thụ trong nước.

Việc tạo vùng nguyên liệu trái cây lớn không khó. Cái người dân lo là sản xuất ra rồi bán cho ai, còn nếu có đầu ra thì muốn làm theo tiêu chuẩn nào dân cũng có thể làm. Điều này rất cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp nông nghiệp. Nhưng muốn doanh nghiệp đầu tư thì Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ. Bởi đầu tư nông nghiệp là rủi ro, là đầu tư dài hạn. Doanh nghiệp bỏ tiền ra hỗ trợ nông dân, nhưng chưa biết đến vụ thu hoạch có mua được hàng hóa hay không vì thiên tai, dịch bệnh, thậm chí là cạnh tranh không lành mạnh...

Điều quan trọng thứ hai là phải làm chất lượng cao. Chất lượng cao rồi thì không bán cho thị trường này sẽ có thị trường khác mua. Bao năm nay chúng ta phụ thuộc thị trường Trung Quốc với chất lượng thấp. Nay thị trường Trung Quốc nâng cấp yêu cầu an toàn thực phẩm, điều khó khăn cho nông dân nhưng cũng là cơ hội nâng tầm nông sản trong nước.

Sẽ có những khó khăn nhất định trong giai đoạn đầu chuyển từ sản xuất tự do sang sản xuất bài bản hơn, có ghi chép nhật ký đồng ruộng, truy xuất nguồn gốc, nhưng về lâu dài đây là điều kiện để tạo ra những nông dân chuyên nghiệp, vùng sản xuất chất lượng cao phù hợp với nhiều thị trường khó tính chứ không chỉ cho Trung Quốc.

---

Ngày 29-7-1858, hai chiếc tàu chiến hơi nước gặp nhau giữa Đại Tây Dương để nối hai đầu sợi cáp mỏng chỉ 1,5cm, dài 4.000km từ Anh đến Mỹ, lần đầu kết nối châu Âu và Bắc Mỹ bằng điện báo. Tổng thống Mỹ khẳng định "chiến công vinh quang hơn bất cứ cuộc chinh phạt thắng lợi nào trên chiến trường", bởi nó có lợi cho con người rất nhiều.

Mất 17 giờ để gửi mã morse với tốc độ hơn hai phút cho mỗi ký tự, nhưng cuộc cách mạng truyền thông toàn cầu đã bắt đầu.

MỜI ĐỘC GIẢ ĐÓN ĐỌC HỒ SƠ: NHỮNG "ĐẠI LỘ" SIÊU TỐC DƯỚI ĐÁY BIỂN

Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 8: Lận đận vú sữa Lò Rèn Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 8: Lận đận vú sữa Lò Rèn

TTO - Trái với thương hiệu vú sữa Lò Rèn ngày càng vang xa, diện tích giống cây đặc trưng Nam Bộ này lại bị thu hẹp.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên